Xoay vốn cuối năm cho doanh nghiệp
Cuối năm là giai đoạn nước rút để các doanh nghiệp chạy đua đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Trong bối cảnh đó, bài toán vốn cần được hóa giải sớm.
Theo thống kê thực tế từ thị trường, doanh nghiệp thường sử dụng 6 kênh vốn chính để huy động vốn cho hoạt động kinh doanh. Trong đó, chủ chốt vẫn là kênh tín dụng và kênh trên thị trường vốn (trái phiếu và cổ phiếu).
Cơ hội từ kênh vốn tín dụng
Theo thống kê của NHNN, tính đến cuối quý III/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 8,53%. Đây là mức tăng thấp, tương đương năm suy thoái 2023. Tuy nhiên theo NHNN, tín dụng năm nay có thể khả thi đạt 15%, room cho tăng trưởng tín dụng chung của hệ thống còn hơn 6% và theo tôi có thể thậm chí hơn nếu NHNN có kế hoạch nới room riêng biệt cho một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng trưởng tín dụng tốt hơn toàn hệ thống, hoặc hoàn thành mục tiêu nhận sáp nhập TCTD yếu kém. Như vậy, dư địa còn rộng cho 3 tháng cuối năm nay.
Nhìn trong tổng thể nền kinh tế, Chính phủ đang đặt mục tiêu tín dụng 7%. Trong quý III, tăng trưởng GDP đã đạt 7,4%. Nếu muốn đạt tăng trưởng GDP cả năm 7% thì quý IV kinh tế phải đạt đâu đó hơn quý vừa qua, khoảng 7,5%. Xét về tốc độ tăng trưởng lý thuyết, chỉ cần duy trì cấu trúc tăng trưởng như quý vừa qua và đẩy mạnh hơn đầu tư công, thì chúng ta có thể đạt mục tiêu này. Nhưng xét về thực tế thì tăng trưởng GDP không tính toán đơn thuần theo một quỹ đạo, cấu trúc hay đường thẳng như vậy, bởi diễn biến vĩ mô đang luôn thay đổi. Chẳng hạn như quý IV, những thiệt hại của 26 tỉnh, thành có thể bộc lộ đầy đủ và độ trễ về tổn thất hạ tầng, thì tăng trưởng GDP ở các địa phương càng cần đẩy nhanh tốc độ phục hồi. Vá lại, phục hồi lại từ đâu? Đó chính là vốn tín dụng.
Mở rộng ra ở các khu vực, vốn tín dụng chắc chắn phải đẩy nhanh hơn, mạnh hơn, mới có thể hỗ trợ mục tiêu này. Do đó, khả năng tăng trưởng tín dụng sẽ lên tới 15% là khả thi hoặc hơn. Tuy nhiên lưu ý, do nhu cầu vốn có thể đưa vào hạ tầng, các dự án phục hồi tổn thất bão Yagi, cũng như sẽ ưu tiên đưa vào các doanh nghiệp có sẵn guồng quay hấp thụ vốn - trả nợ trong cả năm, nên không phải vốn tín dụng sẽ “xả van” và doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được. Các nhóm được khoanh, giãn nợ do Covid-19 hay được khoanh, giãn nợ do bão Yagi (dự kiến triển khai mạnh tới đây), phải chứng minh được khả năng hấp thụ vốn để phục hồi và trả nợ trong dự án mới thì mới có thể tiếp cận vốn.
Ngoài ra, lãi suất là một yếu tố mà các bên đi vay cần theo dõi. Hiện nay theo mục tiêu của NHNN, lãi suất có thể giữ được mặt bằng hiện tại (đã là mức thấp cả huy động và cho vay), nhưng dư địa để điều chỉnh thấp hơn nữa là rất khó dự đoán, khi lạm phát có thể tăng tới đây.
Vì vậy, các doanh nghiệp nói chung nếu muốn tiếp cận vốn tín dụng trong giai đoạn mà dòng vốn còn rẻ, khả năng được chảy mạnh, thì cũng cần phải chuẩn bị hồ sơ, đáp ứng các tiêu chuẩn của ngân hàng.
Kênh thị trường vốn “hẹp cửa” hơn
Ở kênh này, doanh nghiệp sẽ có 2 kênh là trái phiếu và cổ phiếu. Trong đó, cổ phiếu là kênh mà trong kế hoạch huy động mới, doanh nghiệp đã có kế hoạch thông qua từ ĐHĐCĐ thường niên và đã triển khai dần trong các quý.
Đến quý IV/2024, tuy không có số liệu thống kê đầy đủ nhưng khả năng sẽ có nhiều doanh nghiệp tiếp tục huy động vốn qua phát hành mới, tăng vốn, đặc biệt là nhóm bất động sản (bao gồm phát hành hoán đổi nợ) và nhóm ngân hàng.
Trong khi đó, trái phiếu sẽ là kênh tùy thuộc vào kế hoạch nguồn vốn, dự án, nhưng sẽ phải xem xét “không khí” thị trường.
Tuy nhiên, có 2 bất lợi cho kênh trái phiếu doanh nghiệp trong quý cuối năm.
Thứ nhất, quý IV sẽ là quý đỉnh điểm về lượng trái phiếu đến kỳ đáo hạn của các tổ chức phát hành trước đó trong năm. Với khả năng trả nợ còn yếu ở nhiều chủ đầu tư phát triển dự án bất động sản, thì có thể thị trường sẽ tiếp tục ghi nhận những đợt đàm phán giãn kỳ đáo hạn mới qua năm sau hoặc 2026. Điều này tác động đến tâm lý chung và không khí phát hành chung của thị trường. Tất nhiên, với những doanh nghiệp sản xuất có dự án tốt, có đối tác thu xếp vốn tốt thì vẫn có đủ điều kiện để phát hành huy động.
Thứ hai, theo Dự luật Chứng khoán mới, các nhà đầu tư cá nhân sẽ bị siết điều kiện để đầu tư trái phiếu và phải đầu tư qua các tổ chức chuyên nghiệp. Điều này chưa tính tới lợi ích nhưng xét lực cầu ngắn hạn, sẽ khiến cầu trái phiếu thu hẹp và cơ hội phát hành cho các doanh nghiệp khắt khe hơn. Tuy nhiên như theo tờ trình với nội dung mới của Chính phủ, nội dung này đã được thay đổi và để phát hành tới đây, doanh nghiệp cũng sẽ phải thực thi một số điều kiện nhất định và tăng chi phí, thời gian thực hiện như là tất yếu. Do đó, họ cũng sẽ phải xem xét cơ hội - điều kiện ở kênh này và chỉ những doanh nghiệp lớn, dự án lớn, đầu tư trung và dài hạn… mới có điều kiện đủ để phát hành hiệu quả (trừ các doanh nghiệp trong các hệ sinh thái ngân hàng - chứng khoán - bất động sản - quỹ đầu tư).
Cuối cùng, với bức tranh trên, điều kiện để thúc đẩy vốn tín dụng hiệu quả ra thị trường và hỗ trợ doanh nghiệp, vốn doanh nghiệp trước mắt vẫn phụ thuộc vào tín dụng.