Kinh tế địa phương

Bình Dương: Xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng

Thùy Linh 01/11/2024 15:00

Bình Dương tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; công khai, minh bạch, kịp thời các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Ngày 01/11, UBND tỉnh Bình Dương đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ, đối thoại doanh nghiệp Hàn Quốc. Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dươngchủ trì hội nghị.

​Tham dự có ông Shin Choong IL - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh; ông Lee Bong Hee - Phó Chủ tịch cấp cao Chi hội doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Bình Dương cùng lãnh đạo các sở ngành tỉnh và hơn 100 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại tỉnh.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị​
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương chủ trì hội nghị

Môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn

Hội nghị là dịp để lãnh đạo tỉnh nắm bắt đầy đủ, rõ ràng và cụ thể hơn về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như những khó khăn, vướng mắc các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng đang gặp phải để tập trung xử lý và tháo gỡ. Đồng thời các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng có thêm thông tin về tình hình kinh tế - xã hội, những định hướng của tỉnh trong thời gian tới, qua đó tăng cường sự hiểu biết, sẻ chia và cộng đồng trách nhiệm để cùng nhau phát triển.

Tại hội nghị, Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương đã giới thiệu tình hình phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bình Dương trong 9 tháng năm 2024. Với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại hội nghị​1
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị​

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã thu hút hơn 1,58 tỷ USD vốn FDI gồm 163 dự án mới, 131 dự án điều chỉnh tăng vốn và 105 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh hiện có 4.356 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký hơn 42 tỷ USD. Trong số các quốc gia đầu tư tại Bình Dương, Hàn Quốc đứng thứ 5 với 775 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 3,4 tỷ USD.

Trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương khẳng định, Bình Dương tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa tối đa, công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tỉnh sẽ ưu tiên các nguồn lực để tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, trước hết là về hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp điện, cấp thoát nước, xử lý môi trường… Tiến hành mở rộng và mở mới các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư.

Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trao đổi với các DN Hàn Quốc
Ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương trao đổi với các doanh nghiệp Hàn Quốc

Bình Dương cũng đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn lao động cho doanh nghiệp đến đầu tư. Đồng thời, cũng sẽ ưu tiên các nguồn lực tiếp tục đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng; các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Ông Shin Choong IL - Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại TP.Hồ Chí Minh đánh giá cao sự phát triển năng động và môi trường đầu tư của tỉnh Bình Dương. Các nhà đầu tư Hàn Quốc rất ấn tượng trước những thành tựu cũng như tiềm năng đầu tư của tỉnh. Bình Dương có hệ thống cơ sở hạ tầng, giao thông được đầu tư bài bản, hiện đại. Thông qua hội nghị đối thoại, các doanh nghiệp Hàn Quốc cũng được tiếp thêm niềm tin sau những nỗ lực và quyết tâm mà tỉnh đã đặt ra trong việc xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, hấp dẫn cho mọi nhà đầu tư.

Giải đáp, tháo gỡ vướng mắc của doanh nghiệp

Tại hội nghị, các sở ngành trong tỉnh đã trả lời các ý kiến phản ánh của doanh nghiệp liên quan đến vướng mắc khi thực hiện quy định hoàn thuế giá trị gia tăng; quy định về cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài; quy định phòng cháy, chữa cháy PCCC), bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp; quy trình đăng ký cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài và cơ quan phụ trách của địa phương liên quan; gia hạn giấy phép lao động người nước ngoài…

dndt5g9a5411.jpg
Đại diện các DN Hàn Quốc trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các sở ngành
Đại diện các doanh nghiệp Hàn Quốc trao đổi những khó khăn, vướng mắc với các sở ngành

Trả lời câu hỏi của doanh nghiệp về các quy định của pháp luật liên quan đến công tác PCCC cho doanh nghiệp, đại diện Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Bình Dương cho biết, căn cứ Điều 14 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức thi công, kiểm tra, giám sát thi công theo đúng thiết kế về phòng cháy và chữa cháy đã được thẩm duyệt.

Trường hợp chủ đầu tư không có đủ năng lực để thực hiện công việc thi công, kiểm tra, giám sát thi công về PCCC thì phải thuê đơn vị có năng lực để thực hiện (đơn vị có năng lực là đơn vị được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC đảm bảo theo quy định). Cơ sở kinh doanh dịch vụ tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, thi công về PCCC đã được cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ PCCC của cơ quan Công an có thẩm quyền được phép thực hiện các lĩnh vực hoạt động đã cấp phép.

Liên quan đến chi phí bảo vệ môi trường của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Tùng Lâm – Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường năm 2005, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 và nay là Luật Bảo vệ môi trường năm 2020), các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ trước khi triển khai dự án phải được cơ quan thẩm quyền phê duyệt: Báo cáo đánh giá tác động môi trường/Kế hoạch bảo vệ môi trường/Cam kết bảo vệ môi trường/Giấy phép môi trường và phải xây dựng các công trình xử lý chất thải, biện pháp bảo vệ môi trường… trước khi đi vào vận hành chính thức.

Trường hợp doanh nghiệp đưa dự án đi vào hoạt động nhưng không tuân đầy đủ trách nhiệm và yêu cầu theo quy định pháp luật về bảo vệ môi trường thì cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ tiến hành xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Đồng thời, doanh nghiệp phải thực hiện biện pháp khắc các vi phạm, tồn tại về bảo vệ môi trường theo quy định như: Xây dựng công trình xử lý chất thải, cải tạo hạ tầng kỹ thuật thu gom, lưu giữ xử lý chất thải, quan trắc môi trường định kỳ… và chi phí này thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp.

Cơ quan quản lý Nhà nước về môi trường chỉ áp dụng chế tài xử lý vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền đối với các doanh nghiệp vi phạm theo quy định của pháp luật, không có chi phí gì khác.

Đối với hồ sơ gia hạn giấy phép lao động người nước ngoài, ông Phạm Văn Tuyên – Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Bình Dương đề nghị người sử dụng lao động thực hiện theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 70/2023/NĐ-CP…​

Thùy Linh