Chính trị

Băn khoăn trước đề xuất tu bổ 80-100% di tích Quốc gia, di tích Quốc gia Đặc biệt

Hằng Thy 04/11/2024 04:30

Trùng tu, tôn tạo không phải là ưu tiên số 1 với các công trình cổ, bởi nếu công trình, cấu kiện chưa xuống cấp, để công trình nguyên vẹn vẫn là tốt nhất.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã trình Quốc hội chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2030. Chương trình thực hiện với quy mô cả nước và tại một số trung tâm văn hoá Việt Nam ở nước ngoài.

Tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2025-2030 dự kiến là 122.250 tỉ đồng. Dự kiến tổng nguồn lực huy động để thực hiện chương trình giai đoạn 2031-2035 là 134.000 tỉ đồng. Tổng các nguồn lực huy động để thực hiện chương trình phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035 là 256.250 tỉ đồng.

Số tiền này được chi cho 10 mục tiêu liên quan tới phát triển con người, văn hoá, bảo tồn di sản… Trong các mục tiêu cụ thể, Bộ có đề xuất, tới năm 2035, tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia.

Theo đề xuất, thời gian thực hiện Chương trình là 11 năm (từ năm 2025 đến năm 2035), chia làm các giai đoạn.

Năm 2025 tập trung thực hiện các hoạt động xây dựng cơ chế chính sách, hệ thống các văn bản hướng dẫn thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình, hệ thống giám sát, đánh giá; bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ quản lý Chương trình; chuẩn bị đầu tư các nhiệm vụ và các nội dung quản lý khác.

Giai đoạn 2026-2030 tập trung giải quyết các vấn đề hạn chế, thách thức đặt ra trong thời gian qua; triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra đến 2030.

Giai đoạn 2031-2035 tiếp tục xây dựng, phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, động lực để phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; triển khai các nhiệm vụ, mục tiêu đặt ra đến 2035.

Ảnh màn hình 2024-11-03 lúc 16.32.08
Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội đã thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Trước đề xuất này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) bày tỏ quan ngại với chỉ tiêu 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được trùng tu vào năm 2035.

Đại biểu Việt Nga cũng cho rằng cần cân nhắc hơn về những con số cụ thể trong Chương trình có nêu mục tiêu "Phấn đấu đến năm 2030 có 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương tương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ tôn tạo" và "đến năm 2035 có 100% di tích quốc gia đặc biệt và 80% di tích quốc gia được tu bổ tôn tạo".

Bởi theo nữ đại biểu này, các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt của Việt Nam phần lớn là các công trình kiến trúc với đặc điểm vật liệu xây dựng là gỗ, vôi vữa. Trải qua nhiều năm, với sự tác động của khí hậu, thời gian, chiến tranh và cả của con người nên đa số đã xuống cấp, cần tu bổ, tôn tạo.

"Tuy nhiên, không phải tất cả các di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt đều cần tôn tạo, tu bổ, nhất là các di tích khảo cổ". - nữ đại biểu cho ý kiến.

Liên quan đến đề xuất này, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thừa Thiên Huế) đề nghị Chính phủ làm rõ số liệu và tính khả thi đối với mục tiêu "đến năm 2030, phấn đấu 95% di tích quốc gia đặc biệt (tương đương khoảng 127 di tích) và 70% di tích quốc gia (tương đương khoảng 2.542 di tích) được tu bổ, tôn tạo".

Nữ đại biểu này cũng đề nghị phải có những rà soát, đánh giá kỹ lưỡng số liệu, hiện trạng di tích, di sản và các nội dung đưa vào mục tiêu cụ thể để không chỉ đảm bảo tính bao quát mà còn thể hiện được tính dự báo về cả các di tích, di sản có thể được xếp hạng và cả nguồn lực phục vụ tu bổ, tôn tạo các di tích, di sản được nâng hạng, nhất là hạng đặc biệt.

Ở góc độ chuyên gia, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục Quốc hội cho rằng không nên đầu tư vào các công trình văn hóa hoành tráng nhưng không thể khai thác hiệu quả.

"Chúng ta cần tập trung vào các dự án có tính khả thi và bền vững. Thay vì đầu tư vào các công trình lớn mà không có kế hoạch khai thác rõ ràng, các cơ quan quản lý nên ưu tiên phát triển những dự án nhỏ hơn, dễ quản lý và có thể tạo ra nguồn thu ngay từ đầu. Việc này không chỉ giúp giảm rủi ro lãng phí mà còn đảm bảo rằng những dự án này có thể được duy trì và phát triển lâu dài". - ông Bùi Hoài Sơn cho ý kiến.

Ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng cần thực hiện khảo sát và nghiên cứu thị trường để đánh giá nhu cầu thực tế của cộng đồng và du khách trước khi quyết định đầu tư. Sự tham gia của cộng đồng trong việc xác định các nhu cầu và ưu tiên sẽ giúp tạo ra các công trình văn hóa thực sự phục vụ cho lợi ích của người dân. Việc này cũng giúp tăng cường tính khả thi và hiệu quả của các dự án được triển khai.

Thiết nghĩ những trăn trở trên của các Đại biểu Quốc hội và chuyên gia nói trên là có lý bởi trong nhiều năm qua, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và các địa phương đã rất chú trọng công tác trùng tu, tôn tạo di tích, nên nhiều di tích cấp quốc gia, quốc gia đặc biệt đã được tu bổ, tôn tạo, do đó không cần phải nêu chỉ tiêu tu bổ tôn tạo cụ thể như vậy.

Đặc biệt, giai đoạn 2012 - 2015, chúng ta có Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hoá với mục tiêu cụ thể là "Hỗ trợ, tu bổ, tôn tạo tổng thể cho khoảng 300 di tích, khu di tích được công nhận là di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt quan trọng; hỗ trợ chống xuống cấp, tu bổ cấp thiết cho 1.200 đến 1.500 di tích quốc gia".

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển văn hóa giai đoạn 2016 - 2020 đã thực hiện chống xuống cấp, tu bổ di tích, hỗ trợ tu bổ cấp thiết 400 di tích đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, chương trình quốc gia. Sau đó, các địa phương và Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hàng năm vẫn dành nguồn lực để trùng tu, tôn tạo các di tích.

Mặc dù việc trùng tu, tôn tạo trong thời gian gần đây có nhiều tiến bộ về kỹ thuật để đảm bảo tính nguyên vẹn của công trình. Song, trùng tu, tôn tạo không phải là ưu tiên số 1 với các công trình cổ, đặc biệt là những công trình giá trị như di tích cấp Quốc gia Đặc biệt. Bởi nếu công trình, cấu kiện không xuống cấp, để công trình nguyên vẹn vẫn là tốt nhất.

Và việc đặt ra yêu cầu phải tu bổ 100% di tích Quốc gia Đặc biệt và 80% Di tích Quốc gia có thể vừa lãng phí nguồn lực tài chính, vừa có thể tạo những áp lực không đáng có cho hệ thống người làm di tích. Nghiêm trọng hơn, nó có thể khiến các công trình đáng được tập trung đầu tư, xử lý bị triển khai “cào bằng” với những công trình vốn chỉ cần tu bổ một chút như đảo ngói, làm sạch rêu.

Hằng Thy