Kinh tế

“Cửa rộng” cho hàng Việt Nam sang UAE

Hà Thu 02/11/2024 17:44

Với Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (Hiệp định CEPA), khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên.

Trong những năm qua, quan hệ thương mại Việt Nam với UAE trên đà phát triển mạnh với nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong giai đoạn 2018-2023, tổng trao đổi thương mại giữa hai nước bình quân đạt khoảng 5 tỷ USD/năm. Về cán cân thương mại, Việt Nam luôn xuất siêu sang thị trường UAE với giá trị lớn (từ 3-4 tỷ USD/năm).

Năm 2023, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt gần 4,7 tỷ USD, tăng 5,9% so với năm 2022, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt hơn 4 tỷ USD, tăng 4,3% và nhập khẩu đạt trên 676 triệu USD, tăng 16%.

chuluc.jpg
Sản phẩm chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường UAE là điện thoại các loại và linh kiện với kim ngạch đạt trên 2,5 tỷ USD/năm - Ảnh minh họa

Trong 8 tháng đầu năm 2024, tổng trao đổi thương mại hai chiều đạt trên 4,47 tỷ USD, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó Việt Nam xuất khẩu đạt 3,85 tỷ USD, tăng 47,5% và nhập khẩu đạt 623,5 triệu USD, tăng 32,5%.

Tính đến hết tháng 9/2024, thương mại song phương Việt Nam và UAE đạt gần 5 tỷ USD, tăng hơn 1,4 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang UAE đạt 4,31 tỷ USD, tăng mạnh 43,67% so với cùng kỳ 2023, tương đương kim ngạch tăng 1,31 tỷ USD.

Vẫn theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang thị trường Trung Đông này là điện thoại và linh kiện với kim ngạch đạt 2,54 tỷ USD, tăng "khủng" tới 56,85% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, có nhiều nhóm hàng đạt kim ngạch từ vài chục đến vài trăm triệu USD có thể kể đến như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 357 triệu USD; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 380 triệu USD; giày dép các loại đạt 151,2 triệu USD…

Việt Nam xuất siêu gần 4 tỷ USD sang thị trường UAE.

Tính đến hết tháng 9 có 3 nhóm hàng nhập khẩu từ UAE đạt kim ngạch trăm triệu đô gồm: sản phẩm khác từ dầu mỏ đạt 252,77 triệu USD; khí đốt hóa lỏng đạt 187,2 triệu USD; chất dẻo nguyên liệu đạt 128,38 triệu USD.

Theo các chuyên gia kinh tế, UAE với dân số khoảng 9,35 triệu người, quy mô GDP của UAE hiện nay vào khoảng 415 tỷ USD, GDP bình quân đầu người đạt 44.315 USD/người/năm, đây là một con số tương đối cao.

Bên cạnh đó, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% (chủ yếu là chăn nuôi và trồng cây chà là) nên UAE phải nhập khẩu hầu hết các loại lương thực, thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.

Do đó, UAE hầu như không có rào cản thương mại đối với việc nhập khẩu các sản phẩm nói trên. Tuy nhiên, các sản phẩm khi nhập khẩu vào UAE phải đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là về hàm lượng hóa chất, thuốc trừ sâu trên sản phẩm không được phép vượt quá mức quy định. Ngoài ra, đối với nhóm thực phẩm và đồ uống, mỹ phẩm … cần phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn Halal.

Hiệp định CEPA với UAE là hiệp định tự do thương mại thứ 17 Việt Nam tham gia ký kết, đặt mục tiêu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 20 tỷ USD trong thời gian tới.

Hiệp định CEPA được ký kết trong bối cảnh quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và UAE đang phát triển mạnh mẽ. Việc ký kết Hiệp định sau khoảng thời gian kỷ lục một năm đàm phán với 5 phiên đàm phán chính thức, trong đó có 3 phiên trực tiếp ở cấp Bộ trưởng, là minh chứng rõ rệt cho cam kết đưa hợp tác thương mại – đầu tư giữa hai bên lên một tầm cao mới.

CEPA là FTA đầu tiên Việt Nam đàm phán với một nước Ả-rập ở khu vực Trung Đông và châu Phi và là bước khởi đầu cho việc thúc đẩy quan hệ không những với UAE mà còn cả khu vực.

Hiệp định này không chỉ tạo đột phá trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại giữa Việt Nam - UAE, mà còn là động lực thu hút đầu tư mạnh mẽ từ UAE vào Việt Nam trong các lĩnh vực như năng lượng, công nghiệp, công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho biết, UAE được xem là cửa ngõ quan trọng để hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Đông và châu Phi trong những năm tới.

Đây là hy vọng cho các doanh nghiệp xuất khẩu đang gặp khó tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc. Hơn thế nữa, việc triển khai các Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện sẽ giúp cải thiện thương mại và hội nhập vào chuỗi giá trị toàn cầu và cũng chính là động lực quan trọng, cơ hội cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tại đây.

Theo khuyến cáo của Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải, để đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường này, doanh nghiệp Việt Nam cần có bước đi thận trọng để tránh rủi ro. Một số giải pháp có thể sử dụng như ký hợp đồng với đại lý, nhà phân phối tại UAE, hoặc mở văn phòng đại diện, chi nhánh, hay có thể nhượng quyền thương mại...

"Hiện Bộ Công thương đang tích cực phối hợp các cơ quan chức năng hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, giao thương, quảng bá sản phẩm và tím kiếm khách hàng tại khu vực thị trường đầy tiềm năng này", ông Trần Thanh Hải thông tin.

Theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, với CEPA, khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại UAE chắc chắn sẽ tăng lên và đây là cơ hội để doanh nghiệp Việt đuổi kịp, thậm chí vượt lên các đối tác khác ở thị trường quan trọng này.

Ngoài ra, cơ cấu nền kinh tế và thương mại của hai nước mang tính bổ sung cho nhau. Do vậy, CEPA là tiền đề thuận lợi để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu những mặt hàng thế mạnh sang UAE và tiếp đó là các nước trong khu vực Trung Đông, Tây Á, châu Phi.

Với kinh nghiệm ký kết và thực thi 16 FTA, Việt Nam và UAE thống nhất triển khai hiệu quả CEPA để tạo đột phá cho trao đổi thương mại, mở cửa thị trường hơn nữa, hướng tới mục tiêu đưa kim ngạch thương mại song phương lên trên 10 tỷ USD trong thời gian tới.

Hà Thu