Điện Biên phát huy đòn bẩy khoa học, công nghệ
Ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ là đòn bẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Điện Biên.
Theo ông Nguyễn Đức Hạnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Điện Biên: Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, chuyển giao công nghệ trên địa bàn tỉnh được tăng cường theo hướng gắn với sản xuất và phục vụ đời sống Nhân dân, góp phần tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm. Nhiều tổ chức, hộ dân trên địa bàn tỉnh đã có những cách làm hay, sáng tạo; mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từ đó góp phần nâng tầm sản phẩm nông nghiệp địa phương.
Nghiên cứu theo đơn đặt hàng
Từ năm 2020 - 2025 (dự ước năm 2025), Điện Biên triển khai 65 nhiệm vụ KH&CN; chuyển giao kết quả, sản phẩm của 26 nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN cho các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị, thành phố, các tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN đã cung cấp luận cứ khoa học để đề ra chính sách, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, giải pháp quản lý trên một số lĩnh vực; phát triển du lịch cộng đồng gắn với du lịch nông nghiệp xanh, phát huy tiềm năng du lịch lịch sử giúp người dân tăng thu nhập từ nguồn lợi du lịch, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế; hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh như: gạo Điện Biên, cà phê Mường Ảng, chè shan tuyết Tủa Chùa. Hầu hết các nhiệm vụ được xác định theo hình thức đặt hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, vì thế kết quả nghiên cứu đã gắn sát với thực tiễn, có khả năng ứng dụng ngay trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ, qua đó tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
“9 tháng đầu năm 2024 Sở tiếp tục theo dõi, quản lý, 27 nhiệm vụ KH&CN, trong đó: 11 nhiệm vụ cấp quốc gia;16 nhiệm vụ cấp tỉnh. Riêng lĩnh vực nông nghiệp chiếm 10 nhiệm vụ (chiếm 62,5%). Điện Biên đã tuyển chọn tổ chức và cá nhân thực hiện 05 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh (03 nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp; 02 nhiệm vụ lĩnh vực xã hội - nhân văn); tư vấn xác định nhiệm vụ năm 2025: 06 nhiệm vụ (04 nhiệm vụ lĩnh vực nông nghiệp; 02 nhiệm vụ lĩnh vực xã hội - nhân văn). Bên cạnh đó, việc tổ chức triển khai các quyết định, chương trình, đề án của quốc gia tại địa phương như: chương trình 1322 về năng suất chất lượng, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, đề án thúc đẩy chuyển giao, làm chủ và phát triển công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam; đề án 100 về truy xuất nguồn gốc, đề án 996 hoạt động đo lường tại doanh nghiệp, ... góp phần hỗ trợ doanh nghiệp trong việc quảng bá, lưu thông, bảo vệ và phát triển về tiêu chuẩn đo lường chất lượng và sở hữu trí tuệ nhất là các sản phẩm chủ lực của tỉnh.”- ông Hạnh nhấn mạnh.
Gỡ các “nút thắt”
Tuy nhiên, trên thực tế, việc phát triển ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng phát triển, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp. Trình độ KH&CN của tỉnh nhìn chung còn khoảng cách so với nhóm đầu khu vực Trung du miền núi phía bắc. Năng lực nghiên cứu ứng dụng của các tổ chức nghiên cứu còn khiêm tốn. Việc chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt là các kết quả phát triển công nghệ từ nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước cho doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Năng lực hấp thụ công nghệ, đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp trong tỉnh còn nhiều hạn chế.
Việc huy động các nguồn vốn ngoài ngân sách cho phát triển khoa học và công nghệ còn hạn chế; các hoạt động khuyến khích doanh nghiệp tích cực đầu tư, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa còn hạn chế; sự gắn kết giữa khoa học - đào tạo, giữa nghiên cứu - sản xuất, kinh doanh, giữa nhà khoa học - người dân, giữa nghiên cứu ứng dụng và triển khai ra diện rộng còn có khoảng cách nhất định; hiện nay mới chỉ tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản phẩm nông nghiệp, văn hóa, du lịch. Doanh nghiệp chưa thực sự là trung tam, đóng vai trò quyết định cho đổi mới sáng tạo.
Nhận diện rõ những khó khăn thách thức, để gỡ các “nút thắt” tạo bước đột phá trong ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ thời gian qua, Sở KH&CN đã tham mưu tỉnh nhiều giải pháp đồng bộ.
Trên cơ sở Nghị quyết của Đảng, các văn bản Quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành có liên quan, Sở KH&CN đã chủ trì, phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản về quản lý nhà nước trong hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh cụ thể: Kế hoạch số 133-KH/TU triển khai thực hiện Kết luận số 69-KL/TW ngày 11/01/2024 của Bộ Chính trị, khóa XIII về việc tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 01/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Chương trình hành động số 125/CTr-TU thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 30/7/2024 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng quốc gia đến năm 2030 và những năm tiếp theo; các cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy, hỗ chợ doanh nghiệp nâng cao năng xuất chất lượng sản phẩm hàng hóa, phân cấp thẩm quyền xử lý tài sản trang bị đối với nhiệm vụ khoa học nghệ thuộc phạm vi quản lý của tỉnh; phân cấp quản lý nhà nước đối với một số lĩnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn tỉnh; Quy định mức hỗ trợ đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong nước đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh…
Việc kịp thời tham mưu ban hành các văn bản chỉ đạo đã góp phần thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh, góp phần đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất và đời sống, tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả SXKD góp phần thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đề ra đối với hoạt động khoa học và công nghệ, từng bước đổi mới hoạt động đối với hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh.
Tiếp tục đổi mới
Theo ông Hạnh: Hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả; là một nhân tố quyết định nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội, địa phương và doanh nghiệp; là nền tảng để thực hiện chuyển đổi số; góp phần quan trọng nâng cao mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, phát triển kinh tể - xã hội nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh. Để đạt được mục tiêu trên trong thời gian tới Điện Biên phải tập trung nâng cao năng lực quản lý nhà nước về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo: Đổi mới toàn diện hoạt động quản lý, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở theo hướng công khai, minh bạch, khách quan, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; chuyển đổi số quy trình quản lý, cơ sở dữ liệu các nguồn lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; đổi mới chế độ quản lý tài chính, thanh quyết toán, chấp nhận nguyên tắc rủi ro và có độ trễ trong hoạt động khoa học và công nghệ; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Thu hút, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Từng bước nâng cao số lượng và chất lượng nguồn nhân lực kho học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.
“Trong thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: cơ cấu lại hệ thống các nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm phục vụ thiết thực các hướng trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổ chức xây dựng và triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu cấp quốc gia, cấp tỉnh để giải quyết những vấn đề thực tiễn về cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế của địa phương như: gạo Điện Biên; chè Tủa Chùa; cà phê Mường Ảng, Tuần Giáo; mắc- ca tại các huyện Tuần Giáo, Mường Nhé, Mường Ảng, Điện Biên, Điện Biên Đông và thành phố Điện Biên Phủ... Tỉnh cũng sẽ chú trọng ứng dụng các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực du lịch, từng bước nâng cao chất lượng các loại hình du lịch, dịch vụ. Mục tiêu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh. Lựa chọn những tiến bộ khoa học và công nghệ có hiệu quả, phù hợp với nhu cầu phát triển và điều kiện thực tế của tỉnh, để triển khai ứng dụng, chuyển giao. Chú trọng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số, công nghệ xanh, công nghệ tuần hoàn. Lựa chọn đối tượng tiếp nhận công nghệ có đủ điều kiện để triển khai ứng dụng tại địa phương.”- ông Hạnh chia sẻ.