Quy hoạch sử dụng đất quốc gia: Phải bảo đảm đồng bộ trong điều chỉnh
Để Quy hoạch sử dụng đất quốc gia tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội cho cả nước và từng địa phương, nhiều ý kiến cho rằng, phải bảo đảm đồng bộ trong điều chỉnh…
Theo quy định của Luật Đất đai năm 2024, Chính phủ đã trình Quốc hội điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 với 8 chỉ tiêu sử dụng đất gồm: nhóm đất nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên), nhóm đất phi nông nghiệp (trong đó có các loại đất: đất quốc phòng, đất an ninh); không trình Quốc hội phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất quốc gia.
Việc tính toán, xác định 8 chỉ tiêu sử dụng đất trong Quy hoạch sử dụng đất quốc gia điều chỉnh lần này sẽ tiến hành rà soát kỹ lưỡng, cân đối các chỉ tiêu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và các địa phương. Trong đó, ưu tiên bố trí quỹ đất sử dụng cho mục đích quốc phòng, an ninh, giữ ổn định quỹ đất trồng lúa để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, quản lý chặt chẽ đất rừng, duy trì độ che phủ rừng để góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Nhìn nhận về nội dung này, nhiều ý kiến cho hay, điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia là phù hợp với yêu cầu thực tế phát triển, nhất là trong bối cảnh nước ta đang chuẩn bị triển khai một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam).
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, các ý kiến cũng cho rằng, cần đánh giá tác động của chính sách, pháp luật đến việc thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất, tiếp tục rà soát, làm rõ nguyên nhân đề xuất điều chỉnh các chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất, bảo đảm sát với nhu cầu thực tiễn.
Tham gia góp ý nội dung này, đại biểu Trương Quốc Huy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam đề nghị, chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 cần có sự cân đối để các địa phương có điều kiện phát triển được giao thêm đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, qua đó nâng nguồn thu ngân sách Nhà nước, tăng tỷ lệ điều tiết, hỗ trợ địa phương còn khó khăn.
Đặc biệt, nếu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia trình đợt này trung ương chỉ quản lý một số chỉ tiêu còn lại giao cho các tỉnh sẽ bảo đảm sự linh hoạt trong quản lý. Đồng thời, cần bảo đảm quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất có sự thống nhất, trùng khớp nhau mới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trước mắt và lâu dài.
Theo đại biểu Trương Quốc Huy, khi điều chỉnh quy hoạch cần lưu ý việc triển khai Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đất giao thông sẽ tăng lên rất nhiều, đi theo đó giảm đất trồng lúa nên việc điều chỉnh hết sức cần thiết, nhất là đối với những địa phương có đường sắt tốc độ cao đi qua như Hà Nam sẽ có hành lang rất rộng phục vụ cho đường sắt, dẫn đến đất lúa giảm, các dự án khác sẽ phải dừng lại, vì thế việc điều chỉnh quy hoạch phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương là hết sức quan trọng.
Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Yến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, việc Chính phủ chủ động trình chủ trương điều chỉnh là hợp lý và kịp thời để đáp ứng yêu cầu cấp bách của tình hình.
Theo đại biểu, một số số liệu cần được cập nhật thêm để phản ánh chính xác hiện trạng, vì Chính phủ mới cập nhật đến 31/12/2023 là chưa đầy đủ.
Bên cạnh đó, với các chỉ tiêu phân bổ đất đai, quy hoạch sử dụng đất quốc gia cần phân bổ hợp lý giữa đất nông nghiệp, công nghiệp và các loại đất khác nhằm bảo đảm không gian phát triển bền vững cho mọi ngành nghề. Đặc biệt, cần có sự quan tâm đặc biệt đến đất nông nghiệp, đất lâm nghiệp và đất dành cho phát triển hạ tầng giao thông.
Vì vậy, đại biểu kiến nghị, Chính phủ xem xét kỹ lưỡng việc bảo vệ quỹ đất trồng lúa và độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh lương thực, sinh kế của nông dân, cũng như bảo vệ môi trường.
Đồng quan điểm, tham gia góp ý, nhiều ý kiến cũng đề xuất, chủ trương điều chỉnh Quy hoạch đất quốc gia cần làm rõ các tác động của phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến quá trình đô thị hóa và phát triển hạ tầng, rà soát kỹ lưỡng nhu cầu sử dụng đất của địa phương và có phương án phân bổ phù hợp.
Đáng nói, quá trình lập, điều chỉnh quy hoạch cần bảo đảm các định hướng chiến lược của Đảng, Nhà nước trong việc giữ diện tích đất trồng lúa, độ che phủ rừng, quan tâm đến việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, đất để phục vụ việc ứng phó với biến đổi khí hậu như hiện tượng sạt lở, ngập úng, bồi lấp đất...
Được biết, chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ là một trong những nội dung quan trọng được Quốc hội tiếp tục đưa ra thảo luận tại hội trường ngày hôm nay 04/11.