Sàn thương mại điện tử hoạt động “chui”: Vì sao khó xử lý?
Việc các sàn thương mại điện tử đang lũng đoạn thị trường dù chưa đăng ký hoạt động khiến nhiều người băn khoăn về chế tài xử lý để có một sân chơi bình đẳng…
Thời gian qua, nhiều sàn thương mại điện tử (TMDT) như Shein, 1688 … đã hoạt động xuyên biên giới với mức giá siêu rẻ mà không cần đăng ký nhưng vẫn được hoạt động tại Việt Nam, khiến nhiều người thực sự lo lắng về việc cạnh tranh thiếu bình đẳng, một sân chơi chỉ khiến nhà sản xuất nội địa bị “o ép”.
Mới đây nhất, sàn TMĐT Temu của Trung Quốc, mặc dù mới hoạt động cách đây hơn 1 tháng nhưng với hình thức quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng như facebook hay Instagram, Temu đã nhanh chóng khiến giới trẻ Việt Nam phát cuồng vì mức giá siêu rẻ kèm theo các hình thức quay thưởng hấp dẫn.
Thực tế, dù đã quảng bá và nhận đặt hàng từ đầu tháng 10, song phải đến ngày 24/10, Temu mới có văn bản chính thức gửi Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương về việc thực hiện các yêu cầu tuân thủ pháp luật khi gia nhập thị trường Việt Nam. Điều này đồng nghĩa sàn Temu vẫn hoạt động mà chưa được cấp phép đăng ký tại Việt Nam (?!) Câu chuyện này như giọt nước tràn ly khiến sự lo lắng của các nhà sản xuất nội địa và người tiêu dùng đạt đến đỉnh điểm.
Đáng chú ý, trước đó, các cơ quan quản lý cũng đã có động thái khuyến cáo người dân không nên mua hàng trên các sàn TMĐT này, tránh rủi ro không đáng có. Tuy nhiên, điều này cũng khiến nhiều người phải băn khoăn rằng, tại sao chưa đăng ký vẫn được phép hoạt động? Vì sao cơ quan quản lý không ngăn chặn ngay mà phải khuyến cáo người dùng về rủi ro, không nên mua hàng?
Phải chăng đang có lỗ hổng pháp lý mở đường cho hàng giá rẻ bên ngoài tràn vào nội địa, khiến Bộ Công Thương bị động và thiếu những động thái để xử lý các trường hợp này?
Lý giải điều này, Cục TMĐT và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, theo Điều 67a của Nghị định 85 về TMĐT, không phải tất cả các sàn TMĐT xuyên biên giới đều thuộc phạm vi điều chỉnh, mà chỉ những thương nhân, tổ chức có website đáp ứng các điều kiện nhất định, chẳng hạn như: Có tên miền Việt Nam; hoặc Có ngôn ngữ hiển thị là tiếng Việt; hoặc Có trên 100.000 lượt giao dịch từ Việt Nam trong một năm.
Vì vậy, các sàn TMĐT xuyên biên giới có thể hoạt động mà không cần đăng ký nếu họ chưa đáp ứng các tiêu chí trên, họ cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng theo quy định của nước sở tại và pháp luật quốc tế có liên quan.
Do đó, Bộ Công Thương cho biết cần có thời gian để làm việc trực tiếp với đội ngũ pháp lý của các nền tảng này để họ hiểu rõ hơn về các trách nhiệm pháp lý của họ tại Việt Nam, đồng thời làm rõ các kế hoạch tuân thủ quy định trong tương lai.
Các nền tảng cần khẩn trương nộp hồ sơ ngay khi bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại điện tử tại Việt Nam hoặc ngay khi đáp ứng các điều kiện xác định là đang hoạt động tại Việt Nam, ví dụ như có tên miền Việt Nam, ngôn ngữ tiếng Việt, hoặc lượng giao dịch từ Việt Nam vượt 100.000 giao dịch/năm.
Nếu quá thời hạn mà các sàn vẫn chưa hoàn tất hồ sơ, Bộ Công Thương có thể áp dụng các biện pháp quản lý nghiêm ngặt bằng cách phối hợp với Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông để xem xét, chặn truy cập từ Việt Nam đối với các nền tảng này nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và tuân thủ quy định pháp luật của quốc gia.
Chia sẻ từ góc nhìn chuyên gia, ông Phạm Văn Hùng - Ban pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thực tế cơ quan chức năng có thể áp dụng Nghị định 98/2020/NĐ-CP để xử lý vi phạm và ngăn chặn hoạt động các sàn thương mại điện tử đã hoạt động mà chưa được cấp phép. Ông Hùng cho biết, chế tài xử phạt hiện nay là "buộc gỡ bỏ", nên trong trường hợp doanh nghiệp không gỡ bỏ thì cơ quan quản lý nhà nước cũng không có cơ chế gì để buộc doanh nghiệp thực hiện việc này.
Cũng theo ông Hùng, việc quản lý tên miền cũng được thực hiện theo Nghị định 72/2013/NĐ-CP và Thông tư 24/2015/TT-BTTTT, có quy định về thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật để chặn tên miền. Tuy nhiên, việc áp dụng hình thức này chỉ áp dụng trong trường hợp vi phạm rất nghiêm trọng như an ninh quốc gia, đạo đức xã hội… nên việc chặn tên miền với trường hợp này cũng gặp khó khăn.
“Đối với các ứng dụng (app) hiện cũng không có cơ chế yêu cầu CH Play và AppStore gỡ ứng dụng vi phạm. Vì vậy, cơ quan chức năng có thể xử phạt nhưng chế tài áp dụng bổ sung là gỡ bỏ, chặn tên miền là khó thực hiện”, ông Đức cho biết.