Bình Dương khánh thành đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng
Sáng 23/9, tại huyện Phú Giáo, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức Lễ khánh thành dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng.
Dự án đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng có chiều dài khoảng 48 km; quy mô 06 làn xe với tổng chiều rộng nền đường 40,5m; vận tốc thiết kế 80 km/giờ; đi qua 03 huyện: Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng và nhánh 5 km nối từ ngã ba Tam Lập - huyện Phú Giáo đến huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước.
Điểm đầu của dự án tại ngã ba Tân Thành giao nhau với đường ĐT746 huyện Bắc Tân Uyên và điểm cuối giáp với Quốc lộ 13 tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng. Đây là dự án nhóm B, công trình giao thông cấp II, với tổng mức đầu tư hơn 5.256 tỷ đồng, từ nguồn vốn Trung ương và vốn ngân sách tỉnh Bình Dương.
Dự án là công trình giao thông trọng điểm của tỉnh Bình Dương. Sau khi đưa vào sử dụng sẽ rút ngắn rất đáng kể thời gian đi lại, tiết giảm chi phí vận chuyển, đáp ứng nhu cầu giao thương và nâng cao năng lực vận tải hàng hóa; tạo động lực và không gian phát triển mới; kết nối giao thông giữa các khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ ở các huyện phía Bắc với các thành phố phía Nam của tỉnh Bình Dương; kết nối liên vùng với tỉnh Bình Phước và các tỉnh khu vực Tây Nguyên thông qua các trục giao thông chính như: Quốc lộ 13, ĐH.613, ĐT.741 nối Quốc lộ 14...
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ khánh thành, ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương đề nghị các chủ đầu tư tích cực, chủ động phối hợp sở, ngành có liên quan khẩn trương hoàn thành các phần việc còn lại; sớm hoàn tất hồ sơ, thủ tục thanh, quyết toán vốn đầu tư công trình đúng theo quy định; thực hiện đúng, đủ, kịp thời và đồng bộ công tác quản lý, bảo hành, duy tu, bảo trì công trình đúng như hợp đồng đã ký kết để công trình đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng được khai thác, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng.
Bên cạnh đó, UBND các huyện Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng tiếp tục nghiên cứu, có kế hoạch đầu tư các dự án giao thông kết nối nhằm tối ưu hoá nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư của dự án, xây dựng mạng lưới giao thông đồng bộ; vừa phục vụ đắc lực nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa góp phần xây dựng và phát triển đô thị theo hướng văn minh, hiện đại.