Du lịch

Định vị thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam

Linh Nga 04/11/2024 02:29

Mục tiêu chung của Đề án là thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa ban hành quyết định số 3222/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án Phát triển du lịch cộng đồng tại Việt Nam.

du-lich-cong-dong-1.jpeg
Phát triển du lịch cộng đồng giúp nâng cao kinh tế địa phương và giữ gìn giá trị văn hóa.

Theo đó, quan điểm chính của Đề án là phát triển du lịch cộng đồng bền vững, phù hợp với chiến lược, quy hoạch phát triển du lịch, chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, an ninh, quốc phòng và trật tự xã hội; phát huy giá trị lợi thế tự nhiên, tài nguyên, thiên nhiên, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh; góp phần giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa, cảnh quan, không gian và bảo vệ môi trường.

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với thúc đẩy tiến bộ, công bằng xã hội. Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh, nguồn lực, đặc trưng của mỗi địa phương, đảm bảo chia sẻ lợi ích hài hòa giữa các bên tham gia, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Huy động các nguồn lực để phát triển du lịch cộng đồng; ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư phát triển tại các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo; lồng ghép với các nội dung thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về: xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; giảm nghèo bền vững trong giai đoạn 2021 - 2025.

Mục tiêu chung của Đề án là thống nhất nhận thức, quan điểm và cơ bản định vị được thương hiệu du lịch cộng đồng tại Việt Nam, gắn phát triển du lịch cộng đồng với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân.

Phát triển sản phẩm, dịch vụ du lịch cộng đồng gắn liền với hoạt động phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; gắn với trải nghiệm thực tế tại các làng nghề và giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc.

Du lịch cộng đồng trở thành một sản phẩm hoàn chỉnh, chủ đạo trong hệ thống sản phẩm của du lịch Việt Nam. Nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch cộng đồng, tiến tới phát triển du lịch bền vững; bảo tồn, đa dạng hóa ngành nghề cho cộng đồng dân cư tại chỗ, cải thiện sinh kế cho người dân, nhất là vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, ven biển và hải đảo.

Mục tiêu cụ thể của đề án là đến năm 2025 tại các điểm du lịch cộng đồng được công nhận ở Việt Nam, cơ bản các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn và phát huy; có 20% điểm du lịch cộng đồng có nhà sinh hoạt cộng đồng; 20% điểm du lịch cộng đồng có đội văn hóa, văn nghệ (câu lạc bộ) truyền thống hoạt động thường xuyên, có chất lượng.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa của các dân tộc, tập tục và lối sống, văn hóa ẩm thực phong phú của các vùng miền là cơ sở để phát triển mạnh loại hình du lịch cộng đồng.

Mô hình này đang dần trở thành xu hướng du lịch mới, được nhiều du khách lựa chọn. Có rất nhiều khu vực phát triển mô hình này như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ… Nguồn thu từ việc phát triển du lịch cộng đồng vừa giúp người dân phát triển kinh tế bền vững, vừa góp phần bảo tồn tài nguyên và giá trị di sản của địa phương.

Chuyên gia du lịch cho rằng, du lịch cộng đồng bắt nguồn từ nhu cầu của những du khách thích sống gần gũi với người dân nông thôn. Tuy nhiên, từ nhu cầu đó, người dân ở nhiều địa phương cứ thế mà làm, nhà này học theo nhà kia, địa phương này học theo địa phương khác... mà không theo một sự hướng dẫn nào.

Các hình thức hoạt động của loại hình du lịch cộng đồng mới chỉ mang ý nghĩa tham quan, hưởng thụ môi trường, ít đạt được mục đích nâng cao nhận thức, giáo dục môi trường và cảm nhận nét đặc sắc, cái hay, cái đẹp trong văn hóa của cộng đồng bản địa.

Du lịch cộng đồng đang trở thành một xu hướng phát triển du lịch bền vững trên thế giới. Với việc phê duyệt Đề án 3222, du lịch cộng đồng được kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng nông thôn, miền núi.

Linh Nga