Giải ngân vốn đầu tư công: Phải "dám làm, dám chịu trách nhiệm"
Các bộ, ngành, địa phương cần biến áp lực này thành việc làm và hành động cụ thể, nỗ lực cao nhất, dám làm, dám chịu trách nhiệm để "về đích" mục tiêu 95%.
Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) vừa được các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và sẽ tiếp tục thảo luận tại hội trường vào ngày 6/11 tới.
Ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết, đến thời điểm này, thời gian giải ngân vốn đầu tư công chỉ còn đúng 3 tháng (tháng 11, 12 và tháng 1 năm sau), đây là áp lực rất nặng nề.
“Đã hết tháng đầu của quý IV mà tỷ lệ giải ngân của cả nước mới đạt trên 52% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Như vậy, vẫn còn tới gần một nửa số vốn cần phải đưa vào trong xã hội. Đây là áp lực rất lớn cho các bộ, ngành, địa phương, nhất là đối với những bộ, ngành, địa phương đang có tỷ lệ giải ngân thấp”, ông Đức nhấn mạnh.
Trong khi đó, mục tiêu của Chính phủ đặt ra là giải ngân đạt trên 95%. Do đó, để “tiêu” được hết số tiền đã được giao, Vụ trưởng Vụ Đầu tư cho rằng: “Cần biến áp lực thành những hành động cụ thể, các bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào những giải pháp đã thực hiện và đã mang lại hiệu quả cao cho đơn vị mình thời gian qua để đẩy việc giải ngân lên”.
Thúc đẩy việc “tiêu” hết số vốn này trong 3 tháng “nước rút” tới, ông Dương Bá Đức cho biết, Bộ Tài chính đang tiếp tục đề nghị UBND cấp tỉnh triển khai nghiêm túc, quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công của tất cả các nguồn vốn: ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn bổ sung ngoài kế hoạch theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ.
Bộ Tài chính cũng đề nghị lãnh đạo các địa phương chỉ đạo chủ đầu tư, sở, ngành và các cơ quan liên quan thực hiện rà soát tất cả các dự án trong kế hoạch đầu tư công năm 2024, đẩy mạnh công tác thanh toán, quyết toán công trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công; chủ động rà soát, báo cáo kịp thời phương án điều chuyển vốn giữa các dự án không có khả năng giải ngân hoặc chậm giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân tốt hơn, có nhu cầu bổ sung vốn; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo UBND cấp tỉnh gửi các bộ có liên quan để tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định theo quy định trước ngày 15/11/2024.
Riêng đối với các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị các địa phương tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh giải ngân theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 1008/QĐ-TTg ngày 19/9/2024 về Quyết định Kế hoạch triển khai đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc", văn bản số 673/TTg-CN ngày 5/9/2024 về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm để phấn đấu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc vào cuối năm 2025 hưởng ứng phong trào thi đua và các thông báo, văn bản chỉ đạo có liên quan.
Trong khi đó, GS-TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng, cần có sự chỉ đạo quyết liệt và trao trách nhiệm cho mỗi cấp, mỗi bộ, ngành trong thực hiện các nhiệm vụ về giải ngân. Đây phải được coi là chỉ tiêu đánh giá việc hoàn thành công việc của giai đoạn 5 năm.
"Bên cạnh đó, cũng cần phải có thái độ nghiêm khắc để tăng tính trách nhiệm của từng đơn vị, địa phương lên. Đây cũng chính là sức ép buộc cán bộ thực thi công vụ phải dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm", ông Cường nhấn mạnh.
Về lâu dài, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội cho rằng cần phải có quy định pháp lý cho phép các cơ quan, cá nhân thực thi công vụ được quyền vận dụng những quy định có thể không có trong luật pháp nhưng lại phù hợp với thực tế và giải quyết được vướng mắc địa phương đang gặp phải. Nhưng đi đôi với quyền đó, các cơ quan, cá nhân phải có trách nhiệm giải trình vì sao lại chọn cách đó và cách đó phải không vụ lợi cho bất kỳ một cá nhân, hội, nhóm nào.
Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền tới các địa phương như ông Cường nói cũng là 1 trong 5 nhóm giải pháp mới được đưa ra tại Dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), kỳ vọng đưa ra giải pháp lâu dài cho “căn bệnh trầm kha” chậm giải ngân vốn đầu tư công.
Nói như Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương: "Dự thảo lần này sẽ là đột phá về phân cấp, phân quyền mạnh mẽ và triệt để". Ví dụ, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn hay hàng năm thay vì sẽ phải báo cáo với Thường vụ Quốc hội và Quốc hội sẽ được đề xuất phân cấp cho Chính phủ và Thủ tướng để điều chỉnh linh hoạt, nhanh hơn và có hậu kiểm. Sau khi điều chỉnh sẽ báo cáo lại với Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội tại kỳ họp gần nhất để theo dõi, giám sát.
Bộ KH&ĐT cũng kiến nghị sửa đổi thẩm quyền phê duyệt dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. Cụ thể, với địa phương, sẽ phân cấp thẩm quyền này của HĐND về cho UBND, Chủ tịch UBND phê duyệt các chủ trương đầu tư dự án trên tinh thần: Đối với các UBND có các cơ quan chức năng, có lực lượng, có nguồn lực, có thể làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư và phê duyệt.
Dự thảo cũng đưa ra điểm mới thứ hai là thể chế hóa ngay các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho áp dụng thí điểm tại một số địa phương.
Điểm mới thứ ba là nâng cao công tác chuẩn bị đầu tư dự án. Trong đó, việc cho phép sử dụng vốn chi thường xuyên để chuẩn bị đầu tư nhận được sự ủng hộ rất cao của các bộ, ngành, địa phương.
“Điều này sẽ khắc phục được hạn chế lâu nay là muốn chuẩn bị đầu tư dự án phải điều chỉnh kế hoạch đầu tư công để có vốn chuẩn bị đầu tư”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương khẳng định.
Từ góc độ chuyên gia, ông Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam kỳ vọng hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công được cải thiện khi cải cách nhấn mạnh vào phân cấp, phân quyền mạnh mẽ theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng đề xuất, với những văn bản dưới luật, các bộ, ngành phải tiếp tục cụ thể hóa, rõ ràng những vấn đề thuộc thẩm quyền, hướng dẫn rất cụ thể để địa phương chủ động, mạnh dạn làm, mạnh dạn quyết định.