Chính trị

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình

Hằng Thy 04/11/2024 15:11

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

tbt to lam2
Tổng Bí thư Tô Lâm.

Trao đổi về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tại lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng đối với cán bộ quy hoạch Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIV mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết, kỷ nguyên là một giai đoạn lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của xã hội - văn hóa - chính trị - tự nhiên.

Kỷ nguyên thường được sử dụng để phân chia thời gian trong lịch sử theo những biến cố lớn hoặc có sự thay đổi căn bản trong đời sống chính trị hay khoa học, công nghệ, môi trường. Ví dụ: Kỷ nguyên Công nghiệp, Kỷ nguyên thông tin, Kỷ nguyên Kỹ thuật số, Kỷ nguyên vũ trụ. Còn trước đây là Kỷ nguyên Đồ đá, Kỷ nguyên Cổ đại, Kỷ nguyên Trung cổ…

Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển động mạnh mẽ, dứt khoát, quyết liệt, tích cực, nỗ lực, nội lực, tự tin để vượt qua thách thức, vượt qua chính mình, thực hiện khát vọng, vươn tới mục tiêu, đạt được những thành tựu vĩ đại.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dân giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm

“Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh”. – Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo nhận định của Tổng Bí thư Tô Lâm, những thành tựu vĩ đại đạt được sau 40 năm đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng đã giúp đất nước tích lũy thế và lực cho sự phát triển bứt phá trong giai đoạn tiếp theo.

Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; lợi ích quốc gia, dân tộc được bảo đảm.

Hiện nay là thời điểm ý Đảng hòa quyện với lòng dân trong khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, sớm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, sánh vai với các cường quốc năm châu.

Tổng Bí thư Tô Lâm

Theo thống kê mới nhất, quy mô nền kinh tế năm 2023 tăng gấp 96 lần so với năm 1986. Việt Nam trong nhóm 40 nước có nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài; có quan hệ ngoại giao với 193 nước là thành viên Liên Hiệp Quốc; xây dựng các mối quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả các cường quốc trên thế giới và khu vực.

Cùng với đó, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh; hoàn thành về đích sớm các mục tiêu Thiên niên kỷ. Tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng, an ninh không ngừng nâng cao; tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.

“Thế giới đang trong thời kỳ thay đổi có tính thời đại, từ nay đến năm 2030 là giai đoạn quan trọng nhất để xác lập trật tự thế giới mới, đây cũng là thời kỳ cơ hội chiến lược quan trọng, giai đoạn nước rút của cách mạng Việt Nam để đạt mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng, tạo tiền đề vững chắc đạt mục tiêu 100 năm thành lập nước”. – Tổng Bí thư Tô Lâm nói.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, sự biến chuyển có tính thời đại đem đến thời cơ, thuận lợi mới, đồng thời cũng có nhiều thách thức, trong đó mặt thách thức nổi trội hơn và thời cơ mới còn có thể xuất hiện trong khoảnh khắc giữa những thay đổi đột biến trong cục diện thế giới. Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất là trí tuệ nhân tạo và công nghệ số đem đến cơ hội mà những quốc gia đang phát triển, chậm phát triển có thể nắm bắt để đi trước đón đầu, phát triển vượt bậc.

7 ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý về 7 định hướng chiến lược đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

1. Cải tiến phương thức lãnh đạo của Đảng

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, trong hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Yêu cầu đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền, bảo đảm Đảng là người cầm lái vĩ đại, đưa dân tộc ta tiến lên mạnh mẽ đang đặt ra cấp thiết.

Từ đó, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên một số giải pháp chiến lược, đó là: Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng. Tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, bộ “tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của Đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các “tế bào” của Đảng...

2. Tăng cường tính đảng trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh quan điểm pháp luật trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa cần phải liên tục được hoàn thiện để thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng, phát huy dân chủ, vì con người, công nhận, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, cần đổi mới mạnh mẽ công tác lập pháp, trong đó: Chuyển đổi tư duy xây dựng pháp luật theo hướng vừa bảo đảm yêu cầu quản lý Nhà nước vừa khuyến khích sáng tạo, giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Tư duy quản lý không cứng nhắc, dứt khoát từ bỏ tư duy “không quản được thì cấm”. Các quy định của luật phải mang tính ổn định, có giá trị lâu dài. Đổi mới quy trình xây dựng, tổ chức thực hiện pháp luật. Bám sát thực tiễn, đứng trên mảnh đất thực tiễn Việt Nam để xây dựng các quy định pháp luật phù hợp. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...

3. Tinh gọn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, hiệu quả

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, nhiệm vụ này đang đặt ra rất cấp thiết với chủ trương chiến lược, đó là: Tiếp tục tập trung xây dựng, tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả; tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của Đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là “bộ tổng tham mưu”, đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước. Cắt giảm đầu mối trung gian không cần thiết, sắp xếp tổ chức theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự thống nhất trong quản lý nhà nước và phát huy tính chủ động, sáng tạo, nâng cao khả năng tự chủ, tự cường của các địa phương.

4. Chuyển đổi số

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chuyển đổi số không đơn thuần là việc ứng dụng công nghệ số vào các hoạt động kinh tế - xã hội, mà còn là quá trình xác lập một phương thức sản xuất mới tiên tiến, hiện đại - “phương thức sản xuất số”.

Do đó cần tập trung xây dựng hành lang pháp lý cho phát triển số, tạo nền tảng để Việt Nam nắm bắt cơ hội từ Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Có cơ chế đột phá thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng nền tảng số kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, tổ chức. Đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn.

5. Chống lãng phí

Tổng Bí thư Tô Lâm nêu rõ, thực tế cho thấy, lãng phí hiện nay diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Do đó, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cần đẩy mạnh phòng, chống lãng phí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý, các định mức kinh tế - kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Hoàn thiện các quy định xử lý hành vi lãng phí. Giải quyết dứt điểm tồn tại kéo dài đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, dự án hiệu quả thấp, gây thất thoát, lãng phí lớn. Xây dựng văn hóa phòng, chống lãng phí.

6. Cán bộ

Tổng Bí thư cho rằng đây là vấn đề “rất trọng yếu”, “quyết định mọi việc”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đang đặt ra cấp thiết.

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, cần đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo đếm được. Tăng cường tự đào tạo, tự bồi dưỡng, nhất là đối với yêu cầu của chuyển đổi số. Xây dựng cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín...

7. Kinh tế

Theo đánh giá của Tổng Bí thư Tô Lâm, tổng thể kinh tế Việt Nam có sự tăng trưởng liên tục từ khi thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, thường xuyên ở trong nhóm những quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Song nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiện hữu, nguy cơ kinh tế Việt Nam rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Do đó Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ đạo cần đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, nguồn lực trong dân, phát triển khoa học và công nghệ đồng bộ, thông suốt. Tập trung phát triển lực lượng sản xuất mới gắn với hoàn thiện quan hệ sản xuất. Đẩy mạnh công nghệ chiến lược, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo làm động lực chính cho phát triển.

Hằng Thy