Tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo
Để tạo môi trường cho phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, đại biểu đề xuất, Chính phủ cần tiếp tục rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 04/11, tham gia thảo luận về về tình hình kinh tế xã hội năm 2024, đại biểu Nguyễn Duy Minh - Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đánh giá cao những kết quả đáng ghi nhận trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là sự quyết tâm của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Để góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Duy Minh đề xuất, Chính phủ rà soát, ban hành các cơ chế, chính sách thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ưu tiên chính sách, tạo môi trường để phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Theo đại biểu Nguyễn Duy Minh, hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp đang chịu sự điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác nhau và rất phân tán, dẫn đến sự thiếu thống nhất và chưa giải quyết được các vấn đề, chưa có chính sách ưu đãi về thuế cho các doanh nghiệp khởi nghiệp và các nhà đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, việc thành lập Trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia tại một số địa phương vẫn còn chậm. Sử dụng tài sản công hỗ trợ cho các dự án khởi nghiệp, quy trình, thủ tục thanh toán của các sản phẩm ý tưởng, mô hình được nhận hỗ trợ kinh phí của ngân sách nhà nước còn khó khăn.
“Vì vậy, Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số luật như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Khoa học và công nghệ để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đổi mới sáng tạo.
Đồng thời chỉ đạo rà soát, đổi mới chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên, sinh viên trong các chuyên ngành về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và vi mạch bán dẫn, thu hút các nhà khoa học trẻ, chuyên gia giỏi, đẩy mạnh hợp tác giữa các trường đại học với doanh nghiệp, nhà đầu tư, viện nghiên cứu. Nghiên cứu những lĩnh vực mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, tài chính thử nghiệm có kiểm soát gắn với đổi mới sáng tạo, sớm trình Quốc hội xem xét có cơ chế, chính sách thí điểm để triển khai”, đại biểu đề xuất.
Liên quan đến vấn đề cơ chế, chính sách, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Đặng Bích Ngọc - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nêu rõ, năm 2024 là năm nước rút, có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết về kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Dưới sự quyết tâm lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, sự đồng hành, giám sát hiệu quả của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt, sát thực tế của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục có xu hướng phục hồi và phát triển, đạt nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình phát triển kinh tế - xã hội vẫn còn đối diện với nhiều khó khăn, thách thức.
Đại biểu cho rằng, phải thẳng thắn nhìn nhận, vấn đề hạn chế trong thể chế, cơ chế đã ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế của người dân. Trong đó phải nói đến tác động không nhỏ do ảnh hưởng của sự lãng phí diễn ra khá phổ biến trong thời gian qua…
Từ thực tiễn đã nêu, đại biểu kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong công tác xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật. Kịp thời ban hành cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; giải pháp khắc phục điểm nghẽn ở thể chế đã được chỉ ra. Thường xuyên đánh giá chất lượng, hiệu quả các chính sách ban hành để kịp thời điều chỉnh.
Đặc biệt có cơ chế kiểm điểm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp với thực tế cuộc sống, cản trở phát triển kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm cho địa phương tổ chức thực hiện với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm, địa phương hưởng”. Thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.