Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới
Với quan điểm "chuyển từ lượng sang chất", nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tiếp tục xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu góp phần thay đổi diện mạo nông thôn.
Triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới (NTM), cùng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị các cấp, và sự hưởng ứng, chung tay góp sức của nhân dân, những năm qua tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng, cuộc sống của người dân ngày càng văn minh, hiện đại.
Thành phố Tây Ninh có 7 phường, 3 xã. Năm 2011, Thành phố bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với 3 xã Bình Minh, Tân Bình và Thạnh Tân. Đến nay, Thành phố đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Đến nay, 100% xã trên địa bàn Thành phố đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới, trong đó có 2/3 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Hiện Thành phố không còn hộ nghèo chuẩn Trung ương; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt gần 74 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%; tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt gần 100% và tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia đạt trên 70%.
Sau gần 15 năm phấn đấu xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện Bến Cầu từng bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Huyện Bến Cầu với xuất phát điểm là huyện nông thôn biên giới nghèo của tỉnh, cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp còn thấp, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Sau gần 15 năm phấn đấu xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt huyện từng bước chuyển mình mạnh mẽ, kinh tế phát triển theo hướng bền vững, hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ, khang trang, đời sống vật chất, tinh thần người dân ngày càng được nâng cao.
Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM trở thành phong trào sôi nổi, được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, huyện Bến Cầu có 8/8 xã đạt chuẩn NTM, 3/8 xã đạt chuẩn xã NTM nâng cao (Long Thuận, Long Khánh, Long Chữ). Huyện phấn đấu đến cuối năm 2024, xây dựng huyện đạt chuẩn NTM.
Thời gian qua, huyện Gò Dầu đã đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đáp ứng mục tiêu, nâng cao đời sống tinh thần của cư dân nông thôn, chất lượng cuộc sống người dân được cải thiện. Đến nay, toàn huyện có 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó, xã Bàu Đồn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Phước Đông và Thanh Phước đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đặt chỉ tiêu 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 36 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 12 xã NTM kiểu mẫu, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 50% huyện đạt chuẩn huyện NTM. Chỉ tiêu nghị quyết được UBND tỉnh cụ thể hoá bằng kế hoạch, chỉ đạo thực hiện, trong đó đặt ra mục tiêu cao hơn để phấn đấu thực hiện.
Ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, Chương trình MTQG xây dựng NTM đã góp phần mang lại đổi thay nhanh chóng, rõ nét về diện mạo kinh tế- xã hội ở khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, ổn định.
Tính đến nay, Tây Ninh có 65/71 xã (92%) đạt chuẩn NTM, trong đó: 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 1 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Dự kiến đến cuối năm 2024, Tây Ninh tăng thêm 3 xã đạt chuẩn NTM, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 68/71 xã (95,7%), đạt 100% so kế hoạch năm 2024; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM nâng cao là 26 xã (36,6%), vượt mục tiêu giao năm 2024; 1 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là 4/71 xã (5,6%), đạt 100% so kế hoạch năm 2024...
Đến năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành các mục tiêu: 71 xã đạt chuẩn NTM (100%), 25 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 4 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Theo ông Nguyễn Đình Xuân, nhờ xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người được cải thiện; chính sách an sinh, phúc lợi xã hội được bảo đảm, kịp thời chăm lo cho đối tượng chính sách; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99,4%; hệ thống điện lưới nông thôn được quan tâm cải tạo và từng bước nâng cấp theo hướng an toàn, tin cậy, ổn định, bảo đảm mỹ quan.
Bên cạnh đó, hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn tiếp tục được đẩy mạnh đầu tư, nhất là hạ tầng giao thông. Hệ thống hạ tầng nông thôn đã được cải thiện rõ rệt, nâng cấp hơn, có 4.630 km đường giao thông nông thôn và đầu tư cải tạo 272 công trình thủy lợi, đảm bảo tưới tiêu cho hơn 28.520 ha đất nông nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có 98 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP, trong đó có 01 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang trình Bộ NN&PTNT đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Tỉnh Tây Ninh cũng tập trung cải thiện hạ tầng giáo dục, hệ thống y tế và cơ sở vật chất văn hóa, nâng cao chất lượng đời sống của người dân. Thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn dự kiến đạt 68 triệu đồng/người/năm vào cuối năm 2024.
Ngày 20/6/2024, UBND tỉnh Tây Ninh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 – 2025 với mục tiêu tổng quát: Tiếp tục triển khai Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2021 - 2025 gắn với thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, quá trình đô thị hoá, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; Thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; Nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy bình đẳng giới; Xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ và từng bước hiện đại, bảo đảm môi trường, cảnh quan nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản sắc văn hóa truyền thống, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững.