Chính trị

Thủ tướng Phạm Minh Chính bắt đầu chuyến công tác tại Trung Quốc

Bảo Lam 05/11/2024 10:37

Điểm dừng chân đầu tiên của Thủ tướng trong chuyến công tác là Côn Minh, Trung Quốc. Thủ tướng và đoàn Việt Nam sẽ tham dự các hội nghị và làm việc tại Trung Quốc từ 5-8/11/2024.

Sáng nay (5/11), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay quốc tế Trường Thủy (thành phố Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc), bắt đầu chuyến công tác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh GMS, Hội nghị Cấp cao ACMECS, Hội nghị Cấp cao CLMV và làm việc tại Trung Quốc từ ngày 5-8/11/2024 theo lời mời của Thủ tướng Trung Hoa Lý Cường.

uyvien.jpg
Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam Lưu Vân Phi đón Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay quốc tế Trường Thủy - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tại sân bay, về phía Trung Quốc có Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy tỉnh Vân Nam Lưu Phi; Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam Hà Vĩ; Phó Chủ nhiệm Ban Ngoại vụ tỉnh Vân Nam Mã Tác Hân.

Cùng đón Thủ tướng Chính phủ về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Côn Minh Hoàng Minh Sơn; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu Nguyễn Việt Dũng; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Nam Ninh Đỗ Nam Trung; cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam và đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Côn Minh.

Đây là những hoạt động cấp cao trực tiếp đầu tiên của các cơ chế GMS (3 năm/lần), ACMECS và CLMV (2 năm/lần) kể từ năm 2018. Việt Nam luôn coi trọng các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, trong đó coi GMS và ACMECS là các cơ chế có ý nghĩa chiến lược, gắn với các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; coi CLMV là cơ chế nhằm gia tăng sự hỗ trợ và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của tiểu vùng Mekong.

Dự kiến trong chuyến công tác Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ làm việc tại tỉnh Vân Nam và thành phố Trung Khánh. Trong đó, tại thành phố Côn Minh (tỉnh Vân Nam), cùng với tham dự các hội nghị của các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ dự và phát biểu tại Phiên họp hẹp và Phiên toàn thể Hội nghị Thượng đỉnh GMS 8; dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ACMECS 10; dự và phát biểu tại Hội nghị Cấp cao CLMV 11; có các cuộc tiếp xúc song phương với lãnh đạo các nước trong khuôn khổ tham dự các hội nghị.

Trong chuyến công tác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV, cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới; khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ có các các hoạt động song phương với Trung Quốc tại Vân Nam và Trùng Khánh, gồm các cuộc tiếp xúc với lãnh đạo Trung Quốc và các tỉnh, thành phố; thăm các cơ sở kinh tế, xã hội tại Trung Quốc, tiếp xúc với kiều bào, cộng đồng người Việt tại Trung Quốc... Qua đó, tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và "Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam-Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược" ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững.

Chia sẻ về ý nghĩa của chuyến công tác, Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Phạm Sao Mai cho biết, sự tham dự hội nghị GMS lần thứ 8 của Thủ tướng Chính phủ và đoàn đại biểu Việt Nam là hoạt động thiết thực triển khai đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, hiệu quả và nâng tầm đối ngoại đa phương.

Đồng thời khẳng định sự coi trọng của Việt Nam đối với các cơ chế hợp tác tiểu vùng, trong đó có hợp tác GMS. Các sáng kiến của Việt Nam tại hội nghị sẽ góp phần đẩy mạnh các nội dung và trụ cột hợp tác của cơ chế GMS, trong đó có tăng cường kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý bền vững nguồn nước.

“Đây cũng là sự khẳng định vai trò của Việt Nam là thành viên sáng lập của GMS, đóng góp hiệu quả vào thực hiện các mục tiêu và tầm nhìn chung của GMS”, Đại sứ Phạm Sao Mai nhấn mạnh.

Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình cho rằng, sự tham dự hội nghị GMS lần thứ 8 của Thủ tướng Phạm Minh Chính được kỳ vọng chuyển tải nhiều thông điệp ý nghĩa tới tiểu vùng, khu vực và cộng đồng quốc tế.

Đó là, nâng cấp nội hàm hợp tác tiểu vùng. Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chuyển đổi sâu rộng, toàn diện chưa từng có, xu hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển bền vững, bao trùm trở nên cấp bách hơn bao giờ hết, tiểu vùng Mekong cần có những bước “đột phá” để đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Tại các Hội nghị lần này, bên cạnh các vấn đề truyền thống như kinh tế, tạo thuận lợi thương mại và đầu tư, kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước xuyên biên giới, Thủ tướng Chính phủ và các nhà lãnh đạo sẽ tập trung thảo luận những vấn đề mới, trong đó nổi bật là đổi mới sáng tạo.

“Những lĩnh vực hợp tác mới là nguồn xung lực mạnh mẽ định vị các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV không chỉ là các cơ chế hạt nhân truyền thống trong hợp tác tiểu vùng, mà còn là những cơ chế tiên phong đưa tiểu vùng Mekong lên một tầm cao mới trong chuỗi giá trị khu vực và quốc tế”, Thứ trưởng Phạm Thanh Bình bày tỏ.

Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.

9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt gần 150 tỷ USD.

Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt gần 44 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hết tháng 9, có 10 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 1 nhóm chục tỷ USD là điện thoại và linh kiện đạt 10,86 tỷ USD.

Tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào từ thị trường này cũng tăng kỷ lục. 9 tháng, Việt Nam chi 105 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 25,6 tỷ USD).

Có 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.

Cán cân thương mại sau 9 tháng, Việt Nam nhập siêu 61,4 tỷ USD, tăng 70,1%, vượt mức nhập siêu của cả năm ngoái khoảng 12 tỷ USD.

Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn, tuy nhiên cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại.

Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này.

Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.

Bảo Lam