Cơ hội cho ngành hàng không và thương mại bán lẻ Việt Nam
Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, The Trinity Forum 2024 sẽ mang đến cơ hội lớn cho ngành hàng không và thương mại bán lẻ Việt Nam.
Theo đó, Diễn đàn Thương mại Bán lẻ Hàng không hàng đầu thế giới 2024 (Trinity Forum 2024) lần đầu được tổ chức tại TPHCM, do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) và Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) đồng đăng cai tổ chức.
Với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới để duy trì sự tương thích trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng thay đổi", The Trinity Forum 2024 xoay quanh các phiên thảo luận về các chủ đề như: Đổi mới trong trải nghiệm sân bay, chiến lược mở rộng và phát triển sân bay, tương lai bán lẻ du lịch hàng không, tối ưu hóa trải nghiệm hành khách và các xu hướng tiêu dùng thông minh.
Phát biểu tại Diễn đàn, ông Nguyễn Đức Hùng – Phó Tổng giám đốc ACV cho biết, Trinity Forum 2024 không chỉ giúp các đại biểu, khách mời quốc tế hiểu rõ hơn về sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam mà còn góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tiềm năng và cơ hội hợp tác phát triển với ngành hàng không Việt Nam, thúc đẩy sự đầu tư từ các đối tác quốc tế.
“Hiện nay, ACV đang quản lý, vận hành 22 cảng hàng không trên cả nước, bao gồm 10 cảng hàng không quốc tế và 12 cảng hàng không nội địa, với năng lực phục vụ đã đạt được 116 triệu hành khách vào năm 2019, an toàn và hiệu quả”, ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, năm 2023-2024, với sự phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19, hệ thống cảng hàng không của ACV đã hồi phục nhanh chóng, phục vụ hơn 113 triệu lượt hành khách mỗi năm, trong đó hành khách quốc tế chiếm 30% tổng sản lượng hành khách. Tổng doanh thu đạt 20.000 tỷ đồng (800 triệu USD), tăng 24,24% so với năm 2022.
Từ sự nỗ lực quyết tâm không ngừng nghỉ trong việc đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng cảng hàng không, ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật số vào quản lý vận hành cảng hàng không đã giúp cho doanh thu từ các dịch vụ phi hàng không của ACV phục hồi đáng kể sau đại dịch, đang trên lộ trình cải thiện hiệu suất để. Doanh thu từ dịch vụ phi hàng không trong năm 2023 đạt khoảng 3.686 tỷ đồng (tương đương 153 triệu USD), chiếm khoảng 18,83% tổng doanh thu của ACV.
Đồng thời, giai đoạn 2021-2030, ACV đã, đang và có kế hoạch đầu tư 400.000 tỷ đồng (gần 16 tỷ USD) vào các dự án quan trọng như Cảng hàng không quốc tế Long Thành (giai đoạn 1), công suất 25 triệu hành khách/năm, Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất, mở rộng nhà ga hành khách quốc tế T2 Cảng hàng không Quốc tế Nội Bài... để nâng tổng công suất toàn mạng cảng hàng không lên 284 triệu hành khách vào năm 2030 theo định hướng của Đảng và Nhà nước.
“Chính vì vậy, ACV nhận định rằng việc tập trung nhiều hơn vào đầu tư và phát triển các loại hình dịch vụ kinh doanh phi hàng không là rất quan trọng, sẽ góp phần không nhỏ trong việc phát triển nguồn thu đạt mục tiêu 30 - 40% tổng doanh thu bằng việc đa dạng hóa các dịch vụ như thương mại bán lẻ, miễn thuế, ẩm thực, giải trí để cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ, trải nghiệm hành khách tại Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Cảng hàng không Tân Sơn Nhất, Nội Bài cũng như tại những dự án nâng cấp mở rộng nhà ga tại các Cảng hàng không chi nhánh...”, ông Nguyễn Đức Hùng đánh giá.
Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn đánh giá, Trinity Forum 2024 là một cơ hội quý giá để Việt Nam thể hiện năng lực tổ chức các sự kiện quốc tế, khẳng định vai trò và vị thế của đất nước trong thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ hàng không.
Dẫn số liệu báo cáo của Hội đồng Sân bay Quốc tế (ACI), ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho biết, năm 2023, doanh thu phi hàng không đã tăng trưởng và chiếm đến 30-40% tổng doanh thu của các sân bay toàn cầu. Ông cho rằng, đây là dấu hiệu tích cực cho thấy ngành bán lẻ du lịch và miễn thuế đang trên đà phục hồi sau đại dịch.
Và theo các chuyên gia, tại Việt Nam, với vị trí chiến lược tại châu Á và với tốc độ tăng trưởng du lịch, sự gia tăng tầng lớp trung lưu, và các nỗ lực cải thiện cơ sở hạ tầng sân bay của Chính phủ không những đang tạo đà phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế mà còn mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành bán lẻ và dịch vụ phi hàng không, đưa Việt Nam trở thành điểm đến tiềm năng cho ngành thương mại hàng không.
“Tôi tin rằng, với tầm nhìn và ý chí đổi mới của các tập đoàn lớn có mặt hôm nay, chúng ta sẽ mở ra những con đường hợp tác, cải cách và ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất nhằm mang đến trải nghiệm tối ưu cho hành khách trên toàn thế giới, đồng thời giúp cải tiến việc quản lý, gia tăng lợi nhuận cho các nhà điều hành sân bay cũng như các đối tác liên quan”, Chủ tịch IPPG Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.