Thông tin doanh nghiệp

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất: An ninh năng lượng quốc gia

Chính Sỹ 04/09/2024 15:04

Dung Quất là nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước, có vai trò quan trọng, đặt nền móng cho ngành công nghiệp lọc hoá dầu và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Với vai trò quản lý, vận hành nhà máy lọc dầu đầu tiên của đất nước - Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) mang trong mình khát vọng tiên phong, với nhiệm vụ phát triển ngành công nghiệp lọc hoá dầu Việt Nam.

Ảnh 1 Khám phá Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi bơm “máu” cho nền kinh tế
Khám phá Nhà máy lọc dầu Dung Quất - nơi bơm “máu” cho nền kinh tế

Trong những năm qua, Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất luôn hoạt động liên tục, an toàn, ổn định ở công suất tối ưu; đáp ứng ngày càng cao nhu cầu xăng dầu trong nước. Để có được thành tựu đó, tập thể ban lãnh đạo, người lao động Công ty đã áp dụng nhiều giải pháp từ sản xuất, bảo dưỡng, đặc biệt áp dụng nhiều giải pháp đột phá, sáng tạo, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất, kinh doanh.

Liên tục Vận hành nhà máy ở công suất tối ưu:

Nếu lấy công suất của phân xưởng CDU làm căn cứ công suất toàn Nhà máy thì phân xưởng này đã và đang hoạt động tối ưu nhất. Năm 2021, công suất trung bình của CDU là 100%, thì đến năm 2022 đạt 108%. Năm 2023, phân xưởng CDU hoạt động ở công suất 111%, tức NMLD Dung Quất hoạt động ở 111% công suất.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, NMLD Dung Quất đã thử nghiệm thành công tăng công suất phân xưởng CDU lên 118%, RFCC lên 110%, KTU lên 140% công suất thiết kế. Thử nghiệm chế biến dầu thô mới Bunga Orkid với 20%vol và sản xuất thành công 500 tấn sản phẩm mới hạt nhựa PP định hình nhiệt TF4035.

Chỉ số hiệu quả sử dụng năng lượng (EII) của Nhà máy đã thấp hơn 100% lần đầu tiên kể từ khi đi vào vận hành, cho thấy sự nỗ lực vượt bậc của BSR trong việc tối ưu hóa hoạt động sản xuất và tiết kiệm năng lượng.

Song song với công tác bảo đảm vận hành an toàn Nhà máy, việc cải tiến công tác quản trị, kiểm soát rủi ro cũng được BSR liên tục triển khai, trong đó cải tiến quy trình nhận diện và đánh giá rủi ro để bảo đảm khả năng “nhận diện từ sớm, xử lý từ xa” tất cả các yếu tố kỹ thuật phát sinh trong quá trình vận hành; xây dựng hồ sơ quản lý rủi ro cho các hạng mục có mối nguy ảnh hưởng đến an toàn, gián đoạn vận hành của Nhà máy; chuẩn bị đủ nguồn lực sẵn sàng xử lý mọi mối nguy trong thời gian ngắn nhất.

Mục tiêu ưu tiên hàng đầu nhằm bảo đảm an toàn vận hành cho NMLD Dung Quất là bảo đảm độ tin cậy thiết bị. Trong 3 năm qua, công tác kiểm tra toàn diện thiết bị đã được triển khai sâu rộng với 6.896 thiết bị và đường ống trên tổng số 7.030 điểm, thiết bị cần kiểm tra. Trong số các điểm, thiết bị cần kiểm tra, đã hoàn thành 100% đối tượng kiểm tra ăn mòn dưới lớp bảo ôn (CUI). Đã phát hiện và sửa chữa kịp thời nhiều vị trí thiết bị bị ăn mòn nặng để bảo đảm tính toàn vẹn cơ khí.

Công tác đánh giá nâng cao độ tin cậy cũng được đặc biệt chú trọng, bảo đảm mức độ sẵn sàng hoạt động của thiết bị trong Nhà máy đạt đến 95,6%. Đây là tỷ lệ ngang với nhóm các nhà máy tiên tiến trên thế giới. Trong đó, BSR đã áp dụng 100 giải pháp để cải tiến, nâng cao độ tin cậy thiết bị trong nhà máy.

Động lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Quảng Ngãi:

Trải qua 16 năm hình thành và phát triển, BSR đã hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Kết quả qua từng năm của BSR cho thấy tầm nhìn, đường lối, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước trong việc xây dựng NMLD Dung Quất tại tỉnh Quảng Ngãi.

Sự lớn mạnh của BSR không chỉ được thể hiện trong ngành dầu khí mà còn là vị thế đứng trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năm 2023, BSR là doanh nghiệp đứng thứ 4 trong Top 500 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất Việt Nam và được tổ chức Fitch Ratings xếp hạng tín nhiệm ở mức BB+ với “Triển vọng ổn định”.

Ảnh 3 Vai trò của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
Vai trò của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia

BSR không chỉ khẳng định là doanh nghiệp hàng đầu của PVN mà còn là doanh nghiệp chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi. Kể từ khi đưa vào hoạt động, NMLD Dung Quất đã có nhiều tác động lớn đến kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và khu vực miền Trung - Tây Nguyên như góp phần phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng; liên kết ngành, vùng, hỗ trợ phát triển du lịch, dịch vụ; logistics, vận tải hàng hóa và kinh tế biển; phát triển công nghiệp nói chung và công nghiệp phụ trợ gắn với các sản phẩm lọc hóa dầu, năng lượng; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài...

Khu kinh tế Dung Quất đã có những bước phát triển mạnh mẽ, trong đó có vai trò đặc biệt quan trọng của NMLD Dung Quất.

Hiện nay, trên địa bàn Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có khoảng 350 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư hơn 380,4 nghìn tỷ đồng, trong đó có 54 dự án nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 1,9 tỷ USD và 296 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký gần 337 nghìn tỷ đồng. Có 197 doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm cho hơn 63 nghìn lao động và BSR là doanh nghiệp lớn nhất - là cực nam châm tăng trưởng cho kinh tế tỉnh Quảng Ngãi và thu hút đầu tư.

Khi chọn Dung Quất là nơi đặt NMLD đầu tiên của đất nước, Chính phủ, PVN đã giao cho BSR những nhiệm vụ rất quan trọng, đó là góp phần tự chủ nguồn cung xăng dầu cho đất nước, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ngãi và thực hiện tốt trách nhiệm an sinh xã hội. Trong suốt quá trình hoạt động, BSR đã luôn hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, khẳng định vị trí quan trọng trong sự phát triển ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam và là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ngãi.

Xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia

Ngày 3/11/0222, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 26-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ nhiệm vụ đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế biển.

Nghị quyết 26-NQ/TW là “kim chỉ nam” hành động để các ban, bộ, ngành định hướng việc cơ cấu lại ngành công nghiệp, ưu tiên và khuyến khích phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, lợi thế. Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị cũng nêu rõ nhiệm vụ “mở rộng và xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại KKT Dung Quất”. Đây là một quyết sách rất quan trọng của Bộ Chính trị cũng thể hiện sự quan tâm của Bộ Chính trị đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của miền Trung, trong đó có tỉnh Quảng Ngãi; việc xây dựng trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia ở đây sẽ tạo đòn bẩy mới cho sự phát triển kinh tế của Quảng Ngãi với hạt nhân là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Để thực hiện các mục tiêu trên, BSR đang tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án nâng cấp mở rộng NMLD Dung Quất và quyết tâm, nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đạt được những thành tựu trên chặng đường phát triển mới.

Thực hiện thành công dự án nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, BSR sẽ nâng tổng công suất chế biến, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu chế biến để đảm bảo nguồn cung ổn định, lâu dài, giúp tối ưu hóa chi phí đầu vào, bảo đảm khả năng cạnh tranh và nâng cao tiêu chuẩn môi trường của sản phẩm (EURO V).

Sau 16 năm hình thành và phát triển, đến thời điểm hiện tại, BSR đã có được đội ngũ nhân sự hơn 1.500 người có trình độ, chuyên môn cao trong lĩnh vực lọc hoá dầu. Đến nay, chỉ còn khoảng 10 chuyên gia nước ngoài (trước kia 200 chuyên gia) và 17 nhân sự người Việt Nam được công nhận là chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực lọc hoá dầu đang làm việc tại BSR. Đây được xem là bước phát triển vững mạnh, khẳng định người lao động Việt Nam, nhân sự của BSR đã làm chủ công nghệ lọc hoá dầu, đảm bảo cho việc hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất.

Trong thời gian đến, để hình thành trung tâm lọc hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất, BSR cần tập trung mọi nguồn lực để triển khai dự án nâng cấp, mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất và các dự án hoá dầu, sau hoá dầu, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, kéo dài chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần khẳng định sự phát triển bền vững ngành Dầu khí Việt Nam, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng quốc gia./.

Chính Sỹ