Làm chủ cuộc phỏng vấn để chinh phục nhà tuyển dụng
Để làm chủ cuộc phỏng vấn bạn cần có sự chuẩn bị chu đáo từ trước, trong và sau cuộc phỏng vấn.
Tham khảo một số gợi ý sau đây sẽ giúp bạn có sự tự tin cần thiết để có thể chinh phục nhà tuyển dụng và có được công việc mong muốn.
Trước buổi phỏng vấn
Tìm hiểu kỹ về công ty, vị trí công việc
Hiểu rõ về công ty, vị trí công việc ứng tuyển bạn sẽ dễ dàng đưa ra được các câu trả lời chính xác và sâu sát với tình hình thực tế, có tính đặc thù riêng công ty. Việc tìm hiểu về công ty bao gồm các vấn đề như đội ngũ sáng lập, lĩnh vực, phạm vi, thị trường hoạt động, phân khúc khách hàng, dòng sản phẩm - dịch vụ, tiêu chí hoạt động và cả vị thế trên thị trường…
Với các vị trí việc làm ở quận 7, quận 9 hay bất cứ nơi nào khác, bạn cần tìm hiểu những kỹ năng, tố chất đặc biệt và yếu tố nào giúp thành công. Công ty đang cần tuyển kiểu nhân viên với đặc điểm và yêu cầu như thế nào. Thậm chí bạn cũng cần tìm hiểu cả đặc thù công việc, thời gian, địa điểm làm việc, phân khúc khách hàng đối tác, đội ngũ đồng nghiệp… Những điều này giúp bạn có nhận định chính xác về công việc ứng tuyển, hơn nữa bạn sẽ dễ dàng đưa ra được những câu trả lời thuyết phục nhất.
Lập danh sách câu trả lời và luyện tập
Sau khi tìm hiểu bạn sẽ có cơ sở để đưa ra những câu trả lời chính xác và bám sát thực tế công ty nhất có thể. Tuy nhiên, muốn tự tin và làm chủ cuộc phỏng vấn, bạn cần liệt kê một danh sách các câu hỏi và nghiên cứu câu trả lời hiệu quả. Trong quá trình luyện tập bạn nên chú ý cả việc điều chỉnh âm lượng, cách diễn đạt dễ nghe và tạo cảm tình với người phỏng vấn.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần luyện tập ngôn ngữ cơ thể, phong thái, chú ý đến biểu cảm trên gương mặt… để trở nên chuyên nghiệp. Bạn cũng có thể nhờ những người có chuyên môn đánh giá những điểm chưa được để sửa. Sự chuẩn bị này thực sự cần thiết, là cách hữu ích giúp bạn có thể dễ dàng làm chủ cuộc phỏng vấn.
Trong buổi phỏng vấn
Chú ý đến thời gian, phong thái
Bạn cần chuẩn bị chu đáo về phương tiện đi lại để đảm bảo đến buổi phỏng vấn trước đó từ 5-10 phút. Đồng thời, vẻ bề ngoài của bạn cần được trau chuốt, từ kiểu tóc, trang phục, phụ kiện… gọn gàng, chỉnh tề và phù hợp với môi trường công việc. Điều này sẽ giúp bạn trông chuyên nghiệp, chứng tỏ sự nghiêm túc coi trọng vị trí ứng tuyển.
Bạn nên chú ý đến phong thái khi tham gia phỏng vấn. Khi bạn đã có sự chuẩn bị tốt nhất, sự tự tin lúc này sẽ phát ra từ bên trong con người bạn. Tuy nhiên, nên chú ý tự tin mà không kiêu ngạo, tự nhiên, thân thiện mà không suồng sã… Đó chính là cách bạn làm chủ cuộc phỏng vấn hiệu quả và tạo được ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng.
Trả lời câu hỏi rõ ràng, đúng trọng tâm
Khi nhận được câu hỏi của nhà tuyển dụng, bạn nên tránh trả lời hấp tấp, vội vàng, hoặc trả lời lòng vòng. Hãy chú ý đến cả lớp nghĩa ẩn sau câu hỏi của nhà tuyển dụng để đưa ra câu trả lời phù hợp nhất, rõ ràng và đúng trọng tâm.
Bạn có thể nêu các dẫn chứng trong câu trả lời, chẳng hạn liệt kê một số luận điểm, luận cứ và chứng minh bằng con số cụ thể sẽ có sức thuyết phục hơn. Cách trả lời bám sát tình hình thực tế thay vì trả lời chung chung sẽ có chiều sâu và chứng tỏ khả năng làm chủ cuộc phỏng vấn của bạn.
Tuy nhiên, nếu nhận được câu hỏi quá khó, không nên trả lời qua loa làm mất thời gian, kém hiệu quả và thể hiện sự bị động. Lúc này, bạn có thể thẳng thắn thừa nhận mình chưa sẵn sàng cho câu hỏi và sẽ nghiên cứu thêm. Tùy vào tình huống giao tiếp và thái độ của người phỏng vấn, bạn có thể tìm kiếm sự gợi ý từ họ để có câu trả lời tốt nhất.
Đặt câu hỏi cho nhà tuyển dụng
Đừng để cuộc phỏng vấn trở thành một chiều thụ động khi bạn chỉ nghe và trả lời câu hỏi. Bạn nên đặt những câu hỏi thực sự mang lại giá trị để nhà tuyển dụng có thể cung cấp thêm thông tin hữu ích cho bạn.
Đặt câu hỏi trong phỏng vấn giúp bạn thể hiện rõ sự chủ động, tạo bầu không khí thân thiện, cởi mở và mang tính đối thoại hai chiều. Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá cao khi ứng viên đặt ra những câu hỏi hay, thực tế với công ty, với vị trí công việc.
Sau buổi phỏng vấn
Viết email cảm ơn gửi nhà tuyển dụng là điều bạn nên làm sau khi kết thúc buổi phỏng vấn. Hãy chia sẻ thêm mong muốn được làm việc và cam kết nếu được trở thành nhân viên của công ty sẽ nỗ lực không chỉ vì lợi ích cá nhân mà còn vì sự phát triển lâu dài chung của công ty. Đây cũng là cách chứng tỏ sự chủ động và chuyên nghiệp của bạn. Sự chuẩn bị chu đáo và thái độ tích cực sẽ giúp bạn thuyết phục nhà tuyển dụng thành công.