Nghiên cứu - Trao đổi

Sửa Luật Đầu tư công: Thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án

Gia Nguyễn 06/11/2024 04:30

Trước những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) được cho sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công…

Theo đó, Dự thảo Luật gồm 07 Chương, 109 Điều (sửa đổi 44 điều, trong đó có 16 điều chỉ sửa đổi, bổ sung từ ngữ nhằm quy định rõ, tạo sự thống nhất, đồng bộ trong triển khai, không làm thay đổi nội hàm chính sách so với Luật Đầu tư công năm 2019; bổ sung 15 Điều; bãi bỏ 07 Điều).

sua-luat-dau-tu-cong-24.5.1.1.1.jpg
Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) đem đến nhiều kỳ vọng nhất là trong bối cảnh hiện nay - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật hướng tới sửa đổi 5 nhóm chính sách lớn được cụ thể hóa gồm: Nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; Nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; Nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp Nhà nước; Nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); Nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục; bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật…

Đặc biệt, trong nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng là cho phép tách công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng thành dự án độc lập đối với tất cả các nhóm dự án (bao gồm cả dự án nhóm B, C). Quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ giao một UBND cấp tỉnh là cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Chủ tịch UBND cấp tỉnh được lựa chọn giao một UBND cấp huyện làm cơ quan chủ quản thực hiện dự án trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên hoặc tổ chức thực hiện dự án theo thẩm quyền. Cho phép bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tại địa phương.

sua-luat-dau-tu-cong-24.5.1.1.2.jpg
Dự án Luật này được đánh giá sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công - Ảnh minh họa: ITN

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Nguyễn Chí Dũng, Dự án Luật đã nhận được sự đánh giá cao của các bộ ngành, địa phương, tổ chức quốc tế, nhà tài trợ nước ngoài, nhất là việc đã tháo gỡ căn bản các tồn tại, hạn chế, vướng mắc, điểm nghẽn phát sinh trong quá trình thi hành Luật Đầu tư công năm 2019; các quy định về phân cấp, phân quyền, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm để dễ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, đánh giá, đáp ứng yêu cầu quản lý và sử dụng nguồn lực đầu tư công để thực hiện ba đột phá chiến lược, nhất là đột phá về hạ tầng trong tình hình mới…

Thực tế, tham gia góp ý vào Dự án Luật này, nhiều ý kiến đều cho hay, việc sửa đổi Dự án Luật Đầu tư công sẽ tạo động lực thúc đẩy tiến độ triển khai thực hiện dự án, giải ngân vốn đầu tư công…

Cho ý kiến đối với Dự án Luật này tại phiên thảo luận Tổ mới đây, Phó Chủ tịch Quốc hội - Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) có vai trò quan trọng trong việc tháo gỡ những điểm nghẽn hiện nay.

Thực tế, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nhiều năm qua luôn không đạt yêu cầu và kế hoạch đề ra, việc sửa đổi luật lần này có đạt được mục tiêu tháo gỡ những điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công, có làm tăng hiệu suất đầu tư công so với trước đây.

Vì vậy, việc sửa đổi Luật Đầu tư công phải tạo ra hiệu quả đầu tư công - một trong những nguồn động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời không để lại hệ lụy, đặc biệt là hệ lụy về công tác cán bộ.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị khi phân cấp, phân quyền, tính cam kết trách nhiệm của các chủ thể phải gắn liền với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán.

Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi Luật Đầu tư công hết sức cần thiết trong bối cảnh tình hình giải ngân đầu tư công cả nước chưa đạt như kỳ vọng, với mục tiêu năm 2024 đạt 95%.

Theo các đại biể, nội dung liên quan đến việc phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm nhóm B, nhóm C do cấp mình quản lý. Đồng thời, phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách địa phương do cấp mình quản lý sẽ góp phần công khai minh bạch, tăng cường hiệu quả của các dự án đầu tư công tại các địa phương.

Đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư luôn là vấn đến khó khăn vướng mắc gặp phải đối với các dự án đầu tư công. Vì thế, việc cho phép tách dự án giải phóng mặt bằng, tái định cư thành dự án riêng đã góp phần thúc đẩy quá trình triển khai các dự án.

Gia Nguyễn