Kinh tế địa phương

Huyện Yên Châu (Sơn La): Xây dựng sản phẩm OCOP với tiêu chuẩn 4 sao

Nguyễn Tuấn 05/11/2024 14:54

Huyện Yên Châu chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, gắn với thế mạnh của địa phương.

Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.

yenbai1(1).jpg

Huyện Yên Châu được biết đến với thương hiệu “xoài tròn” được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục nguồn gen cây trồng quý hiếm và được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý “xoài tròn Yên Châu” tại 3 xã Chiềng Pằn, Sặp Vạt, Viêng Lán.

Sản phẩm OCOP gắn với thế mạnh địa phương

Không chỉ được biết đến với xoài tròn địa phương, Yên Châu còn được biết đến với nhiều loại nông sản như chuối sấy dẻo, chuối sấy giòn, tỏi đen Yên Châu, hoa đu đủ đực sấy lạnh, lê Tai nung...

Huyện Yên Châu đã chú trọng xây dựng các sản phẩm OCOP, gắn với thế mạnh của địa phương. Trong đó, sản phẩm xoài sấy dẻo, chuối sấy giòn, chuối sấy dẻo, rượu chuối, tỏi đen Yên Châu và tinh bột nghệ được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 và 4 sao.

Hiện nay, huyện có diện tích cây ăn quả trên 11.300 ha. Huyện đã xây dựng vùng quả an toàn, phát triển chuỗi liên kết, trên địa bàn huyện có 62 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, các hợp tác xã tập trung chủ yếu vào sản xuất quả cây ăn quả chủ yếu là cây nhãn, xoài, mận.

Đến nay, đã có 32/62 hợp tác xã sản xuất quả an toàn theo quy trình VietGAP với diện tích là trên 773 ha sản lượng quả đạt trên 7.500 tấn, quản lý 67 mã số vùng trồng cho cây ăn quả, với diện tích trên 1.140 ha, sản lượng trên 9.750 tấn.

Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển trồng mới thêm một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như Lê, Chanh leo…

yenbai2.jpg
Sản phẩm soài sấy dẻo đang hướng tới đăng ký sản phẩm OCOP

Theo ông Cao Xuân Dũng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Châu toàn huyện hiện có 11 sản phẩm đạt OCOP, trong đó tỏi đen và trà hoa đu đủ đực đang là những sản phẩm OCOP tiêu biểu mà huyện đang xây dựng thương hiệu.

Để nâng cao giá trị các sản phẩm đặc trưng của địa phương tham gia chương trình OCOP, huyện Yên Châu đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các cơ sở sản xuất tham gia.

Kết nối với các đơn vị cấp tỉnh hỗ trợ tập huấn kiến thức và kỹ năng tham gia chương trình, thường xuyên tổ chức các buổi khảo sát thực tế quá trình sản xuất và hướng dẫn trực tiếp tại từng cơ sở.

Tiến hành hỗ trợ cho các sản phẩm, ý tưởng có tiềm năng, khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các chủ thể đầu tư mở rộng quy mô, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào quá trình sản xuất.

Tìm hiểu các sản phẩm OCOP của địa phương, bà Nguyễn Thị Yến Linh, Giám đốc HTX Tây Bắc chia sẻ qua tìm hiểu sản phẩm tỏi đen có nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe như chống lão hóa, phòng ngừa các bệnh tim mạch, ung thư, tăng cường sức đề kháng...

Với lợi thế của địa phương có diện tích trồng tỏi lớn, đất đai phù hợp để trồng tỏi, nguyên liệu đầu vào nhiều, giá cả hợp lý, HTX đã đầu tư dây chuyền sản xuất sản phẩm tỏi đen.

“Hiện nay, sản phẩm tỏi đen của HTX đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh và hướng tới đăng ký OCOP cho một số sản phẩm khác của HTX để nâng tầm thương hiệu riêng”, bà Nguyễn Thị Yến Linh nhấn mạnh.

Không chỉ có sản phẩm tỏi đen “Diệp Bách”, trà hoa đu đủ đực, chuối sấy, xoài sấy… mà nhiều sản phẩm khác của các doanh nghiệp HTX trên địa bàn huyện đã dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường tiêu dùng.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống của địa phương đang được hoàn thiện theo quy chuẩn, một số sản phẩm đã tạo được vị thế trên thị trường trong nước và quốc tế.

“Đây sẽ là hướng đi hiệu quả trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn của huyện nói riêng và tỉnh nói chung ngày càng phát triển”, bà Nguyễn Thị Yến Linh bày tỏ.

Được biết, hiện tại HTX đang có 8 máy làm tỏi đen, trong đó 4 máy chuyên ủ men và 4 máy sấy, công suất mỗi máy khoảng 1,5 tấn tỏi tươi/mẻ, các máy sấy đều được lắp đạt hệ thống điều khiển thông minh từ xa.

Mỗi tháng, HTX sản xuất 3 tấn tỏi đen giá bán 800.000 đồng/kg, chủ yếu xuất bán tại các thị trường Đà Nẵng, Cần Thơ, Hải Phòng, Thanh Hóa. Có thời điểm cũng đã xuất bán cho thị trường ngoài nước như Mỹ, Canada cho doanh thu 2,5-3 tỷ đồng/năm. Ngoài ra, HTX phát triển thêm các sản phẩm rượu tỏi đen, mật ong ngâm tỏi đen…

Trong quá trình sản xuất, sản phẩm tỏi đen của HTX hoàn toàn không có chất phụ gia hay chất bảo quản, là sản phẩm hoàn toàn tự nhiên. Hiện nay HTX Tây Bắc đang xây dựng các sản phẩm với thương hiệu “Diệp Bách” đã được người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng, thường xuyên đạt và lấy làm quà biếu tặng bạn bè người thân.

yenbaia.jpg
Trồng soài ghép xã Chiềng Hặc (Sơn La)

Triển khai đồng bộ, nâng cao thu nhập cho người dân

Với mong muốn xây dựng Trà hoa đu đủ làm sản phẩm OCOP và được thị trường biết đến rộng rãi hơn nữa, đầu năm 2022, HTX Tuổi trẻ 26/3, (tiểu khu 4, thị trấn Yên Châu, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La) đã đăng ký với UBND huyện Yên Châu hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện các quy trình và được các cơ quan chuyên môn của huyện khảo sát, đánh giá tiềm năng, nguồn gốc sản phẩm chế biến hoa đu đủ, phối hợp hướng dẫn quy trình sản xuất; hoàn thiện hồ sơ tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc HTX Tuổi trẻ 26/3 cho biết cây đu đủ được trồng tại hầu hết các xã trên địa bàn huyện nhưng rải rác trong vườn, chủ yếu phục vụ nhu cầu của gia đình và thường sử dụng hoa đu đủ tươi, phơi hoa khô, sao khô pha nước uống, hoặc dùng làm món ăn.

Qua nghiên cứu về những tác dụng của hoa đu đủ trong hỗ trợ điều trị nhiều bệnh. Sản phẩm hoa đu đủ của HTX Tuổi trẻ 26/3 được sản xuất theo quy trình, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sự chuyển mình mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp của huyện Yên Châu đã từng bước khẳng định những chủ trương, quyết sách, khâu đột phá của Đảng bộ huyện Yên Châu đã đề ra qua các kỳ đại hội là đúng đắn và phù hợp. Góp phần đưa nền nông nghiệp của huyện từng bước phát triển vững chắc.

Tính đến hết năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước địa phương của huyện ước đạt 901 tỷ 764 triệu đồng và bằng 130,12% so với Nghị quyết HĐND huyện. Trong đó, thu ngân sách trên địa bàn ước đạt trên 63 tỷ 712 triệu đồng.

Và đúng như khẳng định của ông Tòng Thế Anh, Bí thư Huyện ủy Yên Châu, tỉnh Sơn La, những năm qua huyện Yên Châu (Sơn La) đã tận dụng lợi thế của địa phương, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân.

Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, Đảng bộ huyện tập trung lãnh đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo lợi thế từng vùng, phát triển trồng cây ăn quả, cây công nghiệp trên đất dốc, kết hợp phát triển chăn nuôi đại gia súc gắn với trồng cỏ. Đặc biệt là việc chuyển đổi diện tích trồng cây hàng năm trên nương sang trồng cây ăn quả được đẩy mạnh.

Nhờ đó đến nay trên địa bàn huyện Yên Châu đã hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung với tổng diện tích trên 11.554 ha cây ăn quả, với một số cây ăn quả chủ yếu như xoài 3.283 ha, nhãn 2.828 ha, mận hậu 3.532 ha, chuối 803 ha, chanh leo 80 ha, cây ăn quả khác 1.028 ha, sản lượng quả mỗi năm trên 93.000 tấn, nhiều sản phẩm quả đã xuất khẩu sang thị trường khó tính như: Trung quốc, Úc, Mỹ… và bán rộng rãi trên thị trường trong nước.

Đến nay toàn huyện đã có 816,9 ha diện tích cây trồng đã được cấp chứng nhận VietGAP, gồm 803,6 ha cây ăn quả, 13,3 ha rau, quản lý 36 mã số vùng trồng cho 670,7 ha diện tích cây ăn quả các loại.

Bên cạnh đó, huyện đang tiếp tục nghiên cứu, tuyên truyền vận động nhân dân phát triển trồng mới thêm một số loại giống cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương như Lê, Chanh leo, dâu tây, na sầu riêng.... Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt 58 triệu đồng.

Nguyễn Tuấn