Họp hội đồng bình chọn “Dự án Đáng sống 2024”: tuyển chọn những dự án sáng giá
Bước sang năm thứ 7, “Dự án Đáng sống 2024” tiếp tục đóng vai trò cầu nối thiết thực giữa cư dân và chủ đầu tư, góp phần xây dựng những đô thị “đáng sống”.
Sáng 6/11, Ban tổ chức cùng Hội đồng chuyên gia đã tổ chức cuộc họp để thảo luận và lựa chọn ra các dự án bất động sản chất lượng. Đây là lần thứ 7 Chương trình Bình chọn Dự án Đáng sống được tổ chức.
“Dự án Đáng sống 2024” tiếp tục nhận được sự tham gia của Hội đồng Cố vấn chuyên môn là các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bất động sản gồm: Ông Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam; Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam; Ông Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng, Ủy Viên Thường trực Hội KTS Việt Nam; GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường; Ông Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA); Ông Trần Minh Tùng - Trưởng bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc & Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội; PGS TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững; GS TSKH Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam; Ông Vũ Văn Thanh - Trưởng phòng Quản lý lưu trú du lịch, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam.
Tại cuộc họp, Nhà báo Nguyễn Linh Anh - Tổng Biên tập Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Trưởng ban tổ chức chương trình cho biết, Chương trình Dự án Đáng sống nhằm vinh danh các doanh nghiệp, dự án đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường bất động sản Việt Nam. Đồng thời, hướng đến mục tiêu nâng cao ý thức trách nhiệm của các doanh nghiệp trong việc đầu tư, xây dựng và đưa ra thị trường những dự án, sản phẩm có chất lượng, uy tín. Từ đó, nâng cao ý thức của khách hàng cũng như người tiêu dùng trong việc chọn lựa các dự án, góp phần hoàn thiện chính sách và phát triển thị trường bất động sản bền vững.
Ông Nguyễn Linh Anh cho biết, năm 2024, dù 3 luật liên quan tới thị trường bất động sản (Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Đất đai) đã có hiệu lực song thị trường địa ốc mới chỉ dần phục hồi và chưa thực sự đột phá. Trước bối cảnh đó, Chương trình Bình chọn Dự án Đáng sống sẽ góp phần thúc đẩy thị trường cũng như đánh giá, ghi nhận những nỗ lực của doanh nghiệp trong ngành thời gian qua.
“Các tiêu chí đánh giá Dự án Đáng sống được xây dựng chặt chẽ, phù hợp để tìm ra những dự án xứng đáng nhất” - ông Linh Anh nhấn mạnh.
Bà Lưu Vân - Đại diện Ban Thư ký Chương trình Bình chọn Dự án Đáng sống thông tin: Năm 2024, Ban Thư ký đã nhận được 120 bộ hồ sơ tham gia Chương trình bình chọn Dự án Đáng sống trên cả hệ thống online và offline. Sơ tuyển đợt 1 còn 50 dự án đầy đủ thông tin được xác nhận đến từ 35 chủ đầu tư. Sơ tuyển đợt 2 còn 25 dự án thuộc nhóm bất động sản và nhóm dự án nghỉ dưỡng. Các dự án được phân bổ đồng đều trên khắp cả nước.
Ban Tổ chức luôn bám sát diễn biến thị trường khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8/2024, ngoài việc thay đổi tiêu chí để phù hợp với bối cảnh phát triển mới, các hạng mục đánh giá cũng được Ban Tổ chức và Hội đồng sắp xếp lại theo 2 nhóm: Một là nhóm các Dự án Đáng sống dành cho 3 thể loại: (i) các dự án nhà ở thương mại đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; (ii) các dự án nhà ở thương mại đang hoàn thiện và chuẩn bị đưa vào sử dụng; (iii) các dự án nhà ở xã hội đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng; Hai là nhóm các Dự án đáng trải nghiệm dành cho các dự án công trình nghỉ dưỡng.
Chương trình tiếp tục có sự tham gia của các dự án nhà ở xã hội nhằm góp phần hưởng ứng Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội” theo Quyết định 338/QĐ-TTg ngày 03/04/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội KTS Việt Nam đánh giá cao Chương trình Bình chọn Dự án Đáng sống thường niên. Ông Tùng cho rằng, năm 2024 cần chú trọng đến phân khúc nhà ở xã hội khi bình chọn các dự án.
Ngoài ra, ông Tùng đề xuất tiêu chí bình chọn dự án đáng sống cần tiếp tục dựa trên những đánh giá trực tuyến của cư dân bởi một trong những tiêu chí quan trọng của chương trình đó là mức độ hài lòng của người dân.
Góp ý tại cuộc họp, PGS TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng đề xuất cần xem xét ở mức độ đầu tư của chủ đầu tư liên quan đến môi trường sống, tiện ích có tính bền vững cho dự án. Đặc biệt có các nhóm tiêu chí rõ ràng về các ứng dụng như vật liệu xanh, tiêu chí xanh.
Đồng quan điểm, GS.TSKH Đặng Thị Kim Chi - Phó Chủ tịch Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đề nghị xem xét các tiêu chí về môi trường ở, sự tham gia vào kiến tạo nên một đặc thù của thành phố, tuần hoàn phân loại rác thải, chất thải, quản lý được dòng tài nguyên. Các yếu tố này sẽ là điểm cộng cho các dự án tham gia.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) chia sẻ dưới góc độ triển khai dự án thực tế, ông Hiệp cho rằng nên bổ sung tiêu chí viễn thông, một dự án cao cấp cần ứng dụng mạng 5G mới có thể được bình chọn là dự án đáng sống.
Đồng thời, một khía cạnh để minh chứng cho dự án có pháp lý rõ ràng chính là việc người mua nhà phải có sổ đỏ. Xét về tiêu chí đánh giá các dự án khu đô thị, ông Hiệp đề xuất cần cụ thể hoá hơn tiêu chí hạ tầng kĩ thuật và hạ tầng xã hội.
KTS Đào Ngọc Nghiêm – Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam cũng bày tỏ quan điểm truyền thông rộng rãi chương trình. Chương trình bình chọn lần này đánh dấu một cơ hội quan trọng để tạo đà cho sự hồi phục của thị trường bất động sản.
Tuy nhiên, để tôn vinh các dự án đáng sống cần sự quan tâm toàn diện đến những thách thức và tình hình xã hội hiện tại. Đồng thời, truyền tải thông điệp để mọi người hiểu rõ hơn về bản chất của những dự án "đáng sống" và những giá trị mà chúng mang lại cho cuộc sống người dân.
Cùng quan điểm, theo KTS Đỗ Viết Chiến - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), mặc dù các bộ luật mới đã chính thức có hiệu lực song thị trường bất động sản vẫn cần thêm thời gian để có độ "ngấm" và chưa thực sự khởi sắc. Do đó, ông Chiến kỳ vọng bước sang năm 2025 cơ cấu và tiêu chí trao chứng nhận sẽ cần nâng cao hơn để phù hợp với các tiêu chuẩn mới.
Trong khi đó, PGS.TS Trần Minh Tùng - Trưởng Bộ môn Kiến trúc dân dụng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội cũng cho biết, bước sang năm thứ 8 sẽ cùng Ban tổ chức hoàn thiện các tiêu chí mới đối với từng hạng mục nhà ở theo hướng chặt chẽ nhất để phù hợp với các quy định của luật mới.