Tạo đột phá trong hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam - Lào
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tại cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone, ngày 6/11.
Nhân dịp tham dự Hội nghị thượng đỉnh Hợp tác tiểu vùng Mê Kông mở rộng (GMS) lần thứ 8 và công tác tại Trung Quốc, hiều ngày 6/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có cuộc gặp song phương với Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone.
Nhắc lại những kết quả quan trọng tại cuộc hội kiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Thongloun Sisoulith bên lề Hội nghị thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo BRICS mở rộng tại Nga hôm 23.10 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên gặp gỡ thể hiện tình cảm gắn bó có một không hai giữa hai nước.
Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone thay mặt Đảng và nhân dân Lào bày tỏ lòng biết ơn chân thành tới Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã ủng hộ, giúp đỡ hết sức mình để Lào hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN và Hội nghị AIPA năm 2024.
“Thành công này không chỉ là của riêng Lào mà còn là thành công chung của hai nước Việt – Lào”. - Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone khẳng định và cho biết, Lào đang hướng đến xây dựng nền kinh tế độc lập, tự cường và trong tiến trình đó sẽ hợp tác chặt chẽ với Việt Nam.
Tai cuộc gặp, hai Thủ tướng dành thời gian điểm lại hợp tác song phương thời gian qua, nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ của hai Chính phủ và nỗ lực của các bộ, ban, ngành ở T.Ư và địa phương hai nước nhằm hiện thực hóa kết quả các trao đổi, thỏa thuận cấp cao, đặc biệt là kết quả chuyến thăm cấp nhà nước tới Lào của Chủ tịch nước Tô Lâm vào tháng 7 và cuộc gặp hai Bộ Chính trị tháng 9 vừa qua. Đồng thời, tích cực triển khai hiệu quả hơn nữa các thỏa thuận cấp cao, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ họp lần thứ 47 Ủy ban liên Chính phủ hai nước thời gian tới.
Hai bên cũng nhất trí làm sâu sắc hơn trụ cột hợp tác về quốc phòng-an ninh, bảo đảm chỗ dựa vững chắc cho nhau; tiếp tục giữ gìn an ninh, xây dựng đường biên giới Việt Nam - Lào hoà bình, hữu nghị, ổn định, phát triển bền vững.
Thủ tướng Sonexay Siphandonekhẳng định Lào luôn coi trọng và ưu tiên các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư, kinh doanh tại Lào, đặc biệt là các lĩnh vực chiến lược như cơ sở hạ tầng, năng lượng, công nghệ cao, kết nối giao thông… Đồng thời, bày tỏ mong muốn thúc đẩy kết nối hai nền kinh tế Lào - Việt, hợp tác cải thiện hệ thống pháp lý nhằm thuận lợi hóa cho hoạt động thương mại - đầu tư.
Đánh giá cao nỗ lực của hai bên trong khai thông một số dự án trọng điểm thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên duy trì đà tích cực, quyết tâm giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc của các dự án trọng điểm khác trong thời gian tới theo tinh thần chỉ đạo của hai Bộ Chính trị. Cá nhân Thủ tướng Chính phủ sẽ hết sức quan tâm, thúc đẩy các cơ quan liên quan của Việt Nam tích cực phối hợp chặt chẽ với phía Lào.
“Việt Nam tiếp tục ưu tiên hỗ trợ Lào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhằm giúp Lào thích ứng với nhu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nhất là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp chiến lược và cán bộ quản lý các cấp”. - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định.
Hai Thủ tướng nhất trí triển khai hiệu quả hơn hợp tác về văn hóa, đẩy mạnh hơn nữa tuyên truyền về truyền thống quan hệ Việt Nam - Lào trong các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hai nước; nhất trí tiếp tục tăng cường trao đổi tin cậy, chia sẻ thông tin kịp thời, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.
Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 5 của Trung Quốc trên thế giới.
9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc đã đạt gần 150 tỷ USD.
Xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc trong 9 tháng qua đạt gần 44 tỷ USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Hết tháng 9, có 10 nhóm hàng xuất khẩu của Việt Nam đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên. Trong đó, có 1 nhóm chục tỷ USD là điện thoại và linh kiện đạt 10,86 tỷ USD.
Tốc độ tăng nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu đầu vào từ thị trường này cũng tăng kỷ lục. 9 tháng, Việt Nam chi 105 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc, tăng 32,5% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương kim ngạch tăng thêm 25,6 tỷ USD).
Có 15 nhóm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 1 tỷ USD trở lên.
Cán cân thương mại sau 9 tháng, Việt Nam nhập siêu 61,4 tỷ USD, tăng 70,1%, vượt mức nhập siêu của cả năm ngoái khoảng 12 tỷ USD.
Kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc tương đối lớn, tuy nhiên cơ cấu hàng hoá nhập khẩu từ thị trường này chủ yếu là nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên không quá đáng ngại.
Hàng hoá nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là nguyên phụ liệu sản xuất có chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh. Việc vận chuyển hai chiều lại gặp nhiều thuận lợi do vị trí địa lý gần gũi nên doanh nghiệp Việt Nam ưu tiên nhập khẩu từ thị trường này.
Trong khi đó, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là nông sản, giá trị tuyệt đối không thể cao như mặt hàng nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất.