Sửa Luật Điện lực: Cần đáp ứng yêu cầu phát triển
Trước những đòi hỏi từ thực tế, góp ý Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới…
Theo đó, sau nhiều lượt Dự thảo, lấy ý kiến đóng góp của Nhân dân, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Dự thảo Luật (sửa đổi) gồm 9 Chương, 130 Điều, thể chế hóa 6 nhóm chính sách lớn có tính kỹ thuật đặc thù, phức tạp và tương tác sâu, rộng đến nhiều ngành kinh tế, khách hàng tiêu thụ điện. Đây được cho là Dự án Luật quan trọng, chiến lược nhằm tạo khung pháp lý, nền tảng cho phát triển bền vững ngành điện lực, kinh tế - xã hội Việt Nam nhiều năm tới trong tương lai.
Nhấn mạnh tính cấp bách trong sửa đổi Luật Điện lực, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị làm rõ khó khăn, bất cập hiện nay, từ đó có định hướng và cụ thể hóa các chủ trương của Đảng vào chính sách, pháp luật, đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất, cho tiêu dùng, cho nhu cầu điện của quốc gia. Trong đó, lưu ý có các quy định về phát triển điện, điều hòa điện, quy hoạch điện, đặc biệt có đủ nguồn điện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư.
Thực tế cho thấy, những nội dung, định hướng chủ trương được Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đề xuất luôn nhận được những đánh giá cao của các chuyên gia, tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi cần có tầm nhìn để đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.
Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, để Dự thảo Luật (sửa đổi) được xem xét thông qua theo quy trình một kỳ họp cơ quan soạn thảo cần tập trung cao độ, khẩn trương hoàn thiện các vấn đề đã chín, đã rõ, đồng thời tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến chính sách của Nhà nước về phát triển năng lượng, phạm vi điều chỉnh, quy hoạch đầu tư các dự án phát triển điện lực.
Đại biểu đề nghị, việc sửa đổi luật Điện lực cần bám sát các chính sách phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới, bổ sung quy định về phát triển điện gió ngoài khơi, mở rộng, huy động sự tham gia của các doanh nghiệp nước ngoài vào lĩnh vực có công nghệ mới và khó này, nhưng vẫn đảm bảo đảm bảo an ninh năng lượng Việt Nam.
Đánh giá kỹ tác động và bổ sung quy định rõ trách nhiệm trong phát triển điện gió ngoài khơi, đặc biệt là điều kiện chuyển nhượng dự án để đảm bảo tính thống nhất pháp luật, vì đây là lĩnh vực mới, liên quan đến quốc phòng, an ninh và chủ quyền; đồng thời, quy định rõ thẩm quyền phê duyệt dự án theo Luật Đầu tư và trách nhiệm của các địa phương, bộ, ngành liên quan.
Theo đại biểu, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) cũng có các quy định về bảo vệ môi trường, nhưng chưa rõ, các quy định chưa có sự khác biệt so với Luật Bảo vệ môi trường trong việc bảo vệ môi trường liên quan đến các dự án điện mặt trời, điện gió, điện rác… vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách ưu đãi và phân bổ các nguồn lực cho năng lượng tái tạo góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam phấn đấu đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đặc biệt, cần bổ sung nguyên tắc bảo vệ môi trường, xử lý các tấm pin mặt trời hết hạn sử dụng. Việc khảo sát và phát triển năng lượng cần được điều chỉnh để đảm bảo tính đồng bộ với các luật liên quan. Các dự án tự sản, tự tiêu năng lượng tái tạo cần quy định rõ ràng về quy mô và thủ tục đăng ký. Ngoài ra, việc nâng cấp thiết bị và tháo dỡ dự án cũng cần quy định phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.
Cùng với vấn đề đã nêu, một số ý kiến cũng đề nghị, việc sửa đổi luật cần có chính sách khuyến khích mạnh hơn để phát triển gió, điện mặt trời ở vùng sâu, vùng xa; có các quy định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng; rà soát tính đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành…
Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn, qua tiếp xúc cử tri, vẫn còn nhiều hộ dân và có nhiều thôn cho đến thời điểm hiện nay chưa có điện lưới, vấn đề này đã được cử tri phản ánh nhiều lần. Nếu Dự thảo Luật quy định giao kinh phí, ngân sách, kỹ thuật cho các tỉnh miền núi thì sẽ khó khả thi.
Vì vậy, đại biểu đề nghị quy định theo hướng Trung ương sẽ đảm trách phần lớn nhiệm vụ này, giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sớm được sử dụng điện.
Còn theo đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, cần bổ sung quy định “đảm bảo hài hòa lợi ích của các ngành, doanh nghiệp trong phát triển nhiệt điện khí” vào Dự án Luật.
“Việc ưu tiên phát triển nhiệt điện khí cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, tránh trường hợp bên bán nhiên liệu có lợi nhuận cao trong khi bên mua điện phải mua với giá cao”, đại biểu bày tỏ.
Đồng quan điểm, nhiều ý kiến cũng kỳ vọng Luật Điện lực (sửa đổi) khi được thông qua sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh năng lượng và chú trọng đến chính sách cho những vùng miền khó khăn, hộ nghèo và cận nghèo, đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới.