24h

Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính: Cân nhắc đảm bảo tính thống nhất

Gia Nguyễn 07/11/2024 11:01

Tham gia góp ý Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo…

Theo đó, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 07/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia (Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính).

du-an-luat-sua-doi-7-luat-linh-vuc-tai-chinh-07.11.1.2.jpg
Sáng 07/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa 7 Luật lĩnh vực tài chính - Ảnh: Media Quốc hội

Quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Kiểm toán độc lập, đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa, tại Dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã sửa đổi Điều 60 của luật hiện hành quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán độc lập. Trong đó, ban soạn thảo đã đưa ra mức phạt tiền, đồng thời, bổ sung thời hiệu xử phạt là 5 năm.

Theo đại biểu, điều này mâu thuẫn với Luật Xử lý vi phạm hành chính, bởi, hiện Điều 6 Luật này quy định thời hiệu xử phạt là 1 năm, trừ một số hành vi vi phạm sẽ áp dụng thời hiệu xử phạt tới 2 năm...

“Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay được cho là luật chung điều chỉnh việc xử phạt vi phạm hành chính, cho nên việc sửa đổi cần tuân theo quy định tại Điều 6 của Luật này để đảm bảo tính thống nhất”, đại biểu chia sẻ.

du-an-luat-sua-doi-7-luat-linh-vuc-tai-chinh-07.11.1.1.jpg
Đại biểu Lê Xuân Thân – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa tham gia góp ý Dự án Luật - Ảnh: Media Quốc hội

Cùng với nội dung đã nêu, đại biểu Lê Xuân Thân cũng cho rằng, khi sửa đổi, bổ sung Điều 60 quy định về xử phạt hành chính thì cũng nên cân nhắc sửa đổi Điều 61 quy định về giải quyết tranh chấp để đảm bảo tính tương thích với Bộ luật Dân sự khi xảy ra tranh chấp trong lĩnh vực kiểm toán độc lập.

Bởi, Điều 14 Bộ luật Dân sự quy định rất rõ: “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài”.

Vì vậy, để giải quyết các tranh chấp phát giữa đơn vị kiểm toán độc lập và các bên liên quan, nên được áp dụng theo tinh thần Điều 14 Bộ luật Dân sự. Theo đó, cần thiết sửa đổi, bổ sung Điều 61 của Luật Kiểm toán độc lập theo hướng: “Trong trường hợp xảy ra tranh chấp có thể áp dụng theo quy định của pháp luật dân sự hiện hành” để đảm bảo tính tương thích.

“Việc này không chỉ đảm bảo tính đồng bộ trong hệ thống pháp luật mà còn phù hợp với tinh thần, chủ trương của các cơ quan quản lý, xu hướng trên thế giới hiện nay trong việc lựa chọn giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại khi xảy ra tranh chấp...”, đại biểu bày tỏ.

Đồng quan điểm, một số ý kiến cũng cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan Luật Kiểm toán độc lập về việc nâng mức phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong hoạt động lĩnh vực kiểm toán độc lập hoàn toàn phù hợp để đảm bảo tính răn đe, tuy nhiên, mức xử phạt hành chính lại phụ thuộc vào Luật Xử lý vi phạm hành chính, do đó, cần sửa đổi quy định của Luật này để đảm bảo tính thống nhất. Bên cạnh đó, không nên quy định mức xử phạt cụ thể, mà cần tạo sự linh hoạt đối với từng hành vi vi phạm, trong đó nên quy định khung mức phạt tối đa…

Gia Nguyễn