Tăng cường vai trò của doanh nhân nữ trong hành trình chuyển đổi kép
Doanh nhân nữ với bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo mạnh mẽ có thể trở thành những nhà lãnh đạo dẫn dắt hành trình chuyển đổi kép.
Phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân nữ Việt Nam 2024 do Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) và Quỹ châu Á tổ chức, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, kỷ nguyên chuyển đổi kép là giai đoạn đầy thách thức nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp. Phụ nữ với bản lĩnh kiên cường và sức sáng tạo mạnh mẽ có thể trở thành những nhà lãnh đạo dẫn dắt hành trình chuyển đổi kép và làm chủ kỷ nguyên này.
Bà Nguyễn Minh Hằng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam có rất nhiều lợi thế để phát triển như: đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hoá, đa dạng hoá, là bạn, là đối tác tin cậy, có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế.
Việc triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại này đã tạo cho chúng ta một cục diện đối ngoại rất tốt với các nền kinh tế trên thế giới, mở ra rất cơ hội hợp tác chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta cần tận dụng quá trình chuyển đổi kép này để phát triển.
Việt Nam đi sau nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để đi tắt, đón đầu, phát triển vượt bậc. Chúng ta có nguồn nhân lực rất rồi dào, trong đó có sự tham gia của các lao động nữ, doanh nhân nữ cùng với khát vọng vươn lên xây dựng đất nước, tự tôn dân tộc sẽ đưa nước ta bước vào kỷ nguyên phát triển mới. Mặc dù gặp không ít thách thức, nhưng với truyền thống kiên cường, các nữ doanh nhân sẽ vượt qua để nắm bắt cơ hội và phát triển.
“Trong kỷ nguyên chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để có được thành công, chúng ta cần có sự tiếp cận mới, phụ nữ là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của quá trình chuyển đổi kép này. Chính vì vậy, nữ doanh nhân cần thay đổi tư duy, nắm bắt công nghệ, các tri thức mới để làm chủ trong thời kỳ chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Bộ ngoại giao và các cơ quan của Việt Nam tại nước ngoài sẵn sàng kiến tạo, kết nối, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận với các quốc gia, nhà đầu tư, công nghệ,… trên thế giới.”, bà Hằng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông Michael R. DiGregorio - Trưởng đại diện Quỹ châu Á tại Việt Nam đánh giá, khi nhiệt độ bề mặt toàn cầu đang tăng lên, thế giới đang cần sự lãnh đạo của phụ nữ để ứng phó với những mối đe doạ đang đến gần. "Có nhiều giải pháp có thể nằm trong quá trình chuyển đổi số và thế giới cần những phụ nữ sáng tạo để tìm ra những phương pháp đó", ông DiGregorio nhận định.
Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định, thách thức đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ còn lớn hơn rất nhiều. Bởi các doanh nghiệp do nữ làm chủ mới đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển, bị hạn chế về nguồn nhân lực cũng như năng lực ứng phó với những yếu tố khách quan.
Cụ thể, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, đối với các doanh nghiệp do nữ làm chủ, tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh đang trở nên vô cùng thách thức.
Theo bà Tamesis, Việt Nam tuy đã đạt được tiến bộ đáng kể trong trao quyền cho phụ nữ, nhưng các nữ doanh nhân vẫn đối mặt với thách thức của quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mang lại như: Tiếp cận tài chính khó khăn, tiếp cận số và tài chính xanh vẫn là rào cản. Bên cạnh đó, kiến thức số đã mở ra, nhưng an ninh mạng vẫn là rào cản để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ.
“Ngoài ra, các kỳ vọng về giới cũng có thể hạn chế cơ hội của phụ nữ trong kinh doanh và tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh”, bà Pauline Tamesis cho biết.
Tương tự, bà Bùi Thu Thuỷ - Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chỉ ra 3 “rào cản” đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp do nữ làm chủ trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bao gồm: Nguồn lực tài chính; nhân lực thực hiện và các giải pháp để thực hiện chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
Theo đó, về nguồn vốn, bà Bùi Thu Thuỷ cho rằng, hiện doanh nghiệp Việt Nam chỉ có khoảng 3 - 5% là doanh nghiệp có quy mô lớn, có nguồn lực sẵn sàng để chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Còn lại 95 - 97% là doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô vốn bình quân từ 10 - 20 tỷ đồng, do đó nguồn vốn cho vấn đề chuyển đổi số, chuyển đổi xanh là vô cùng khó khăn.
Để giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, bà Thuỷ cho rằng, cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng và phía ngân hàng. Theo đó, nhà nước cần đưa ra cơ chế, chính sách rõ ràng như thế nào là tiêu chí xanh, dự án xanh để tạo điều kiện cho ngân hàng giải ngân. Vì trên thực tế thời gian qua, nhiều ngân hàng chia sẻ chưa có tiêu chí về dự án xanh.
Đặc biệt, để hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, với vai trò cơ quan nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp, những năm qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chung và hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển đổi kép, nhằm nâng cao năng lực đáp ứng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã phối hợp với nhiều nhà tài trợ để triển khai nhiều sáng kiến, xây dựng tài liệu hỗ trợ doanh nghiệp nhận diện tính sẵn sàng cho hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Có thể thấy, xu hướng chuyển đổi kép càng trở nên quan trọng hơn trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến môi trường và các hệ sinh thái, đến đời sống và sản xuất của con người và cộng đồng doanh nghiệp, cũng như tạo thêm những thách thức cho doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp nữ trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.
Liên Hợp Quốc đã ghi nhận sức mạnh to lớn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo trong việc tạo ra việc làm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và xây dựng cộng đồng kiên cường. Bằng cách trao quyền cho nhiều phụ nữ hơn để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi số và xanh, nền kinh tế quốc gia sẽ thúc đẩy được tiến độ xây dựng một xã hội công bằng, bao trùm và bền vững hơn, nơi không ai bị bỏ lại phía sau.