"Hé lộ" chính sách sắp tới của Mỹ thời Trump 2.0
Chiến thắng của ông Donald Trump báo hiệu sự quay trở lại của nhiều chính sách kinh tế đã được áp dụng trong nhiệm kỳ đầu, nổi bật là thuế quan.
Ông Donald Trump sẽ có 4 năm để thực hiện lời hứa với các cử tri Mỹ về lạm phát thấp và ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, lần này, các chuyên gia dự báo sẽ có những điều chỉnh đáng kể: thuế quan sẽ áp dụng rộng và cao hơn, trong khi các đợt cắt giảm thuế sẽ được thiết kế nhắm vào một số đối tượng cụ thể hơn.
Thuế quan là ưu tiên hàng đầu
Năm 2016, ông Trump đã sử dụng thuế quan như một công cụ chính sách nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước và bảo vệ nền kinh tế khỏi sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Lần này, nhiều khả năng ông Trump sẽ tiếp tục kế hoạch tăng thuế, với mức dự kiến lên tới 60% đối với Trung Quốc và 10-20% với các quốc gia khác.
Việc tăng thuế này có thể đẩy lạm phát lên cao hơn, đặc biệt trong bối cảnh cầu nội địa tăng trưởng mạnh, chuỗi cung ứng dễ bị tổn thương do các xung đột địa chính trị, và lạm phát vẫn là một mối lo hiện hữu. Morgan Stanley ước tính rằng chính sách này có thể khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng 0,9%.
Tuy nhiên, một số cố vấn cho rằng mức tăng thuế thực tế có thể sẽ thấp hơn, bởi thuế quan có thể được sử dụng như một "chiến thuật" đàm phán để buộc các quốc gia khác hạ thấp rào cản thương mại.
Cắt giảm thuế trong nước
Ông Trump và các nghị sĩ Đảng Cộng hòa đang ưu tiên gia hạn các điều khoản cắt giảm thuế từ năm 2017, dự kiến sẽ hết hạn vào năm 2025. Ước tính chi phí cho việc gia hạn này là khoảng 5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
Ngoài ra, ông Trump còn đưa ra nhiều đề xuất khác, như giảm thuế doanh nghiệp, miễn thuế cho trợ cấp an sinh xã hội và làm thêm giờ, cũng như khấu trừ lãi vay mua xe, thuế địa phương và tiểu bang. Ước tính, các chính sách này có thể làm tăng thêm khoảng 4 nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách của Mỹ trong 10 năm tới.
Dù ông Trump có kế hoạch cắt giảm chi tiêu ở một số lĩnh vực để bù đắp phần nào cho các khoản này, nhưng ông cũng đồng thời có dự định tăng chi tiêu ở các lĩnh vực khác. Nhìn chung, các chính sách cắt giảm thuế có thể mang lại một số lợi ích cho tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro làm tăng thâm hụt và lãi suất.
Phục hồi sản xuất trong nước
Chương trình kinh tế của ông Trump không chỉ tập trung vào tăng trưởng mà còn nhằm phục hồi các công việc trong ngành sản xuất, vốn là trụ cột của nhiều cộng đồng tại Mỹ.
Ông Trump cũng muốn giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, qua đó củng cố vị thế của Mỹ trong bối cảnh địa chính trị hiện tại.
Trong khi GDP và lạm phát là các chỉ số kinh tế dễ đo lường, những chuẩn mực như bảo vệ giá trị truyền thống và duy trì sự thịnh vượng cho các gia đình và cộng đồng lại là những tiêu chí mà ông Trump xem trọng hơn.
Robert Lighthizer, người từng là Đại diện Thương mại của ông Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã nói: “Người bảo thủ mong muốn bảo vệ các giá trị và thể chế truyền thống, duy trì cấu trúc xã hội, và đảm bảo các điều kiện để các gia đình và cộng đồng phát triển thịnh vượng.”
Ngoài ra, các nhà kinh tế cũng đang chờ ông Trump thực hiện cam kết giảm bớt các quy định trong lĩnh vực sáp nhập doanh nghiệp và ngành dầu khí, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và củng cố niềm tin kinh doanh.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng tác động của các chính sách này rất khó đo lường vì nhiều yếu tố khác, như giá dầu và tình hình kinh tế toàn cầu, cũng ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế Mỹ.
Một điểm nổi bật khác là kế hoạch kiểm soát người nhập cư trái phép, nhằm giảm áp lực lên tiền lương và giá cả. Mặc dù vậy, với quy mô của thị trường lao động Mỹ, các chuyên gia dự đoán tác động sẽ không quá rõ rệt.