Sửa Luật Quảng cáo: Cần bao quát hết các vấn đề thực tế
Trong bối cảnh, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ truyền thống sang môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng, sửa Luật Quảng cáo cần bao quát hết các vấn đề thực tế…
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được bố cục gồm 03 Điều, kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật Quảng cáo năm 2012, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo.
Đồng thời, Dự thảo Luật này cũng sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Nêu ý kiến về Dự thảo Luật (sửa đổi), cơ quan soạn thảo cho rằng, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm bắt kịp sự vận động và chuyển biến của xã hội, khắc phục những vấn đề còn vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động quảng cáo phát triển.
Trong bối cảnh, hoạt động quảng cáo đang có sự chuyển dịch từ truyền thống sang môi trường mạng, nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là cần thiết, tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, nội dung Dự thảo Luật (sửa đổi) cần bao quát hết các vấn đề phát sinh, đảm bảo phù hợp thực tế.
Góp ý Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - Đỗ Chí Nghĩa cho rằng, việc sửa đổi luật là cần thiết, song không nên ràng buộc hết tất cả các quy định vào luật, mà cần cân nhắc những điểm chính yếu, phù hợp với thực tế, tránh quy định mênh mông, vô hình trung lại gây thêm khó khăn, phiền phức cho người dân, doanh nghiệp.
“Không những làm cho doanh nghiệp phiền lòng, mà còn làm nản lòng những người muốn tham gia kinh doanh. Sửa đổi, bổ sung phải theo hướng phát huy lĩnh vực quảng cáo vốn rất nhiều tiềm năng, theo tinh thần không để lãng phí, nhưng cũng không được làm phiền xã hội, cũng như tạo ra những hệ quả không tốt về mặt văn hóa”, vị này bày tỏ.
Trong khi đó, quan tâm đến hoạt động quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, một số ý kiến cũng cho rằng, Dự thảo Luật cần quan tâm và có những quy định, điều chỉnh về điều kiện quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định. Bởi, đối với các loại sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đặc biệt ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, tại nhiều quốc gia đã yêu cầu phải quy định nội dung bắt buộc thể hiện trên sản phẩm quảng cáo. Nhưng, tại Luật Quảng cáo hiện hành chưa quy định nội dung này, chỉ quy định trong văn bản hướng dẫn thi hành và tại một số luật chuyên ngành, gây mâu thuẫn, chồng chéo…
Liên quan đến vấn đề này, trước đó, cho ý kiến thẩm tra sơ bộ về Dự án Luật Quảng cáo (sửa đổi), đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nêu rõ, hiện nay thị trường quảng cáo trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng đang có sự chuyển dịch từ quảng cáo trên các phương tiện truyền thống sang quảng cáo trên không gian mạng, đây là nội dung sửa đổi rất quan trọng, do vậy cần tiếp tục đối chiếu, rà soát với các luật chuyên ngành như: Luật Công nghệ thông tin, Luật Viễn thông, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng.
Đáng nói, một số ý kiến cho rằng, Dự thảo Luật (sửa đổi) hiện mới có các quy định tập trung điều chỉnh với hoạt động quảng cáo trên mạng xã hội, chưa bao quát được hoạt động quảng cáo khác trên không gian mạng nói chung. Thực tế đang đòi hỏi không chỉ quản lý với quảng cáo trên các mạng xã hội như Facebook, Tiktok, Youtube, Twitter, Zalo, Instagram… mà còn cần quản lý với quảng cáo trên các hình thức qua thư điện tử, email, các thiết bị viễn thông (tin nhắn SMS hay quảng cáo hiển thị trực tuyến).
Do đó, việc sửa đổi Luật lần này cần bao quát hết các hình thức quảng cáo trên không gian mạng, bảo đảm phù hợp với các quy định liên quan tại Luật An ninh thông tin mạng.
Không chỉ có vậy, nhiều ý kiến cũng đề nghị, một số quy định của Dự thảo Luật này cần được tổng kết thực tiễn, đánh giá tác động kỹ lưỡng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi, trách nhiệm của người tiêu dùng, của doanh nghiệp và công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực quảng cáo như quy định về diện tích quảng cáo trên báo in, thời lượng quảng cáo trên báo hình, trên phim truyện, cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo,…
Được biết, sau tiếp thu, chỉnh lý, theo Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, hôm nay 08/11, Quốc hội sẽ nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.