Quảng Ninh: Hướng tới “xanh hoá” nền kinh tế
Tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phát triển kinh tế, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn.
Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng “nóng”
Từ một địa phương có nền kinh tế chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác than. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã có bước chuyển hóa vượt bậc từ "nâu" sang "xanh". Trở thành một trong những tỉnh đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, tỉnh Quảng Ninh phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức trong bảo vệ môi trường sinh thái. Bởi việc tận dụng, khai thác những tiềm năng thế mạnh sẽ tạo ra áp lực lớn đối với môi trường.
Xuất phát từ thực tế đó, tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp đồng bộ trên quan điểm nhất quán phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trên quan điểm “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng nóng”. Bắt đầu từ năm 2011, địa phương này đã xây dựng và thực hiện lộ trình “xanh hóa”, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Thách thức, trở ngại là không nhỏ nhưng kiên định với mục tiêu đề ra, địa phương này đã nỗ lực trong chuyển đổi xanh dựa vào ba trụ cột: Thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với tận dụng xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, cơ hội mới và công nghệ mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại…
Mới đây, tỉnh Quảng Ninh được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vinh danh là tỉnh dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của cả nước năm 2023, với tổng điểm 4 chỉ số thành phần là 26 điểm. Việc được công nhận vị trí dẫn đầu về chí số PGI chính là thông điệp thể hiện sự quyết tâm của tỉnh Quảng Ninh trong việc đồng hành cùng Chính phủ nhằm đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.
Theo ông Nghiêm Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh luôn tìm tòi và đột phá, đưa công cuộc đổi mới đi vào chiều sâu, hướng trọng tâm vào chất lượng phát triển, chất lượng sống của người dân; chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xanh hoá. Cùng với môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, yếu tố thân thiện với môi trường, phát triển bền vững đang trở thành yếu tố được các nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp quan tâm khi đến với Quảng Ninh.
Còn ông Hoàng Vĩnh Khuyến - Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ: “Hiện nay, chúng tôi đã có những nhà đầu tư vào để khai thác và triển khai theo quy hoạch của huyện. Để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của huyện, chúng tôi xác định không thu hút đầu tư bằng mọi giá. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp khi vào đầu tư tại huyện phải đáp ứng được tiêu chí, tiêu chuẩn chung của huyện”.
Khuyến khích tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn
Tỉnh Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Để sớm hiện thực hóa mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mô hình kinh tế tuần hoàn góp phần gia tăng giá trị cho doanh nghiệp, giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Đặc biệt, trong chiến lược thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh quan tâm thu hút đầu tư theo hướng có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường làm tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Ông Phạm Hồng Điệp – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Shinec, Chủ đầu tư Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B, tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, phía doanh nghiệp đang triển khai dự án Cụm công nghiệp phía Đông Đầm Hà B tại huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh. Đây là cụm công nghiệp tổng hợp phát triển theo mô hình tuần hoàn sinh thái, tuân thủ các tiêu chuẩn phát triển bền vững ESG. Trong cụm công nghiệp này có kinh tế tuần hoàn, có sống cộng sinh với nhau, có cảnh quan và có giá trị lịch sử.
Còn theo đại diện Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina, KCN Đông Mai, tỉnh Quảng Ninh rất quyết liệt trong công tác bảo vệ môi trường, ưu tiên lựa chọn các dự án đầu tư công nghệ cao, ít phát thải, ít tác động đến môi trường. Trong quá trình đầu tư xây dựng, phía công ty cũng phải bảo đảm tỷ lệ cây xanh nhằm tạo không gian xanh trong khuôn viên nhà máy theo đúng cam kết với địa phương.
Theo đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh, hiện hầu hết các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều có hệ thống xử lý nước thải, làm tốt công tác xử lý chất thải rắn. Tất cả khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung bảo đảm thu gom toàn bộ nước thải phát sinh, đã có phương án ứng phó và khắc phục sự cố của hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Được biết, tỉnh Quảng Ninh hiện đang chuyển đổi từ quy hoạch phát triển khu công nghiệp truyền thống sang phát triển “hệ sinh thái công nghiệp” với yêu cầu gắn giữa công nghiệp hóa với dịch vụ hóa và đô thị hóa, giữa công nghiệp hóa với bảo vệ môi trường theo nguyên lý kinh tế tuần hoàn…
Địa phương này đã chủ trương tập trung thu hút những dự án vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để hình thành hệ sinh thái trên cơ sở thuận lợi về khoảng cách địa lý. Đồng thời, quyết liệt trong việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, xúc tiến huy động các nguồn lực đầu tư cho thu gom, xử lý rác thải bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, tập trung xúc tiến đầu tư đối với các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu.
Đối với lĩnh vực du lịch, đến nay tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch một cách đồng bộ, hiện đại, hấp dẫn để tạo ra những bước phát triển đột phá mang bản sắc riêng.
Còn trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản, từ năm 2023, tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu các cơ sở nuôi trồng thủy sản phải thay thế phao nhựa HDPE thân thiện với môi trường, thay thế cho phao xốp. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thành mục tiêu thay thế phao xốp sang phao nhựa HDPE. Các chuẩn kỹ thuật liên quan đến hoạt động nuôi trồng thủy sản có sử dụng phao nổi cũng đã được ban hành.