Doanh nghiệp

Hà Nội: Gỡ “nút thắt” cơ chế

Nguyễn Minh 08/11/2024 07:30

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu hỗ trợ công nghệ doanh nghiệp NVV. Để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số phát triển bền vững, Hà Nội gỡ “nút thắt” từ cơ chế.

7d6bfd5c2cf794a9cde6.jpg
Ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA).

Trong khuôn khổ Chương trình Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Kết nối cùng Phát triển "Link to Grow" - Hà Nội và các tỉnh thuộc Vùng đồng bằng sông Hồng với chủ đề công nghệ số, công nghệ cao và các sản phẩm thuộc ngành công nghiệp điện tử, hệ sinh thái liên quan (Hanoi DigiTech 2024), chiều 7/11, tại Bảo tàng Hà Nội (đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội (HPA) chủ trì, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), Sở TT&TT thành phố Hà Nội tổ chức Tọa đàm chuyên đề: Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa của thành phố Hà Nội.

Chuyển đổi số -Xu hướng tất yếu

Tại Tọa đàm chuyên đề: Chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa (NVV) của thành phố Hà Nội, ông Lê Tự Lực, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội (HPA) khẳng định, chuyển đổi số hiện nay không chỉ tạo cơ hội kết nối mạng lưới, thu gọn khoảng cách giữa các bộ phận trong tổ chức, nâng cao hiệu suất quản trị doanh nghiệp và tối ưu hóa năng suất làm việc của nhân viên, còn giúp cải thiện chất lượng sản phẩm và tăng cường khả năng cạnh tranh.

Để duy trì và nâng cao sự cạnh tranh trong môi trường kinh doanh ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp phải thích nghi với sự thay đổi và sử dụng công nghệ số hóa để tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, cải thiện hiệu suất và chất lượng, tạo ra giá trị cho khách hàng.

“Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa”, ông Lực nhận định.

4a21cd2e2f8597dbce94.jpg
Chuyển đổi số đóng một vai trò quan trọng trong cuộc CMCN 4.0 và có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng theo ông Lực, trong những năm gần đây, các doanh nghiệp Hà Nội đã nhận thức được rõ ràng rằng chuyển đổi số không chỉ là một xu hướng, mà còn là yếu tố quan trọng để duy trì và phát triển doanh nghiệp trong thế giới kỷ nguyên số.

“Nhằm giúp cho các doanh nghiệp trên địa bàn phát triển mạnh cũng như tháo gỡ những khó khăn trong sản xuất kinh doanh, Thành phố đã có chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, phát triển kinh tế số quốc gia nhanh và bền vững”, ông Lực cho hay.

Cần chính sách đủ mạnh

Trước sự tham dự của gần 250 đại biểu, đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, các đơn vị, các hội, hiệp hội, doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm, đã và đang triển khai các hoạt động trong lĩnh vực chuyển đổi số, công nghệ cao, bà nguyễn Việt Huệ, Phó Trưởng phòng hỗ trợ thông tin và Chuyển đổi số, Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT đánh giá, Luật hỗ trợ doanh nghiệp NVV có hiệu lực từ năm 2018, tuy nhiên việc phân bổ ngân sách đến năm 2023 mới triển khai và năm 2024 là năm thứ hai.

“Qua 2 năm triển khai Luật có một số điều bất cập cần phải chỉnh sửa, hiện tại Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu để chỉnh sủa Thông tư. Mặt khác, Bộ cũng đánh giá tỉnh hình triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp NVV để có những định hướng trong trường hợp những chính sách không còn phù hợp nữa sẽ đề xuất Chính phủ trình ra Quốc hội để chỉnh sủa Luật sao cho hợp lý”, bà Huệ nói.

Nêu rõ về định hướng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bà Huệ nhận định, trong quá trình triển khai và tiếp cận các gói hỗ trợ từ phía quốc tế cho thấy, các gói chính sách hỗ trợ doanh nghiệp NVV, đặc biệt là chuyển đổi số hiện nay Việt Nam đang đi rất đúng hướng, vừa là hỗ trợ nâng cao nhận thức, vừa là phát triển các mạng lưới trung gian để quay lại hỗ trợ cho doanh nghiệp, trong đó có một số chính sách liên quan đến đào tạo và tư vấn chuyên sâu như quản lý kho, quản lý dây chuyền sản xuất, quản lý nhân sự.

Bà Huệ cũng kỳ vọng trong thời gian tới có thể triển khai hỗ trợ doanh nghiệp trực tiếp sử dụng các giải pháp công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh và thay đổi quy trình sản xuất của doanh nghiệp.

“Hiện nay Hà Nội là một trong những địa phương tiêu biểu có ban hành Nghị quyết về hỗ trợ cho doanh nghiệp chuyển đổi số. Ngoài ngân sách TƯ phân bổ thì, địa phương cũng bố trí ngân sách để triển khai hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số”, bà Huệ bày tỏ.

5a4dc1bc1517ad49f406.jpg
Bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở KH&ĐT TP.Hà Nội.

Đồng quan điểm trên, bà Đặng Thị Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội, Sở KH&ĐT TP.Hà Nội chia sẻ, ngay sau khi các chủ trương, chính sách của Đảng, Chính phủ được ban hành nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, Trung tâm đã triển khai nghiên cứu, tham mưu UBND Thành phố ban hành Quyết định số 3457/QĐ-UBND ngày 23/09/2022 phê duyệt Kế hoạch hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp NVV trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Sau khi kế hoạch được ban hành, Trung tâm đã khẩn trương hoàn thành xây dựng, thiết lập phần mềm thu thập, đánh giá, phân tích, xử lý thông tin để cung cấp các công cụ, tài liệu, giải pháp về chuyển đổi số, đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp NVV trên địa bàn TP Hà Nội (https://hotrodoanhnghiep.cds.hanoi.gov.vn).

“Hiện phần mềm đã được tích hợp trên Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp của Thành phố để đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp”, bà Hương thông tin.

Đặc biệt, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp NVV về chuyển đổi số đã được triển khai sâu rộng. Minh chứng, Trung tâm đã hoàn thành xây dựng 40 bài giảng trực tuyến về lĩnh vực chuyển đổi số; Tổ chức 108 khóa đào tạo trực tiếp tại 108 doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến về chuyển đổi số; 10 khóa đào tạo (800 học viên) kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số cho người quản lý của doanh nghiệp NVV; 120 khóa đào tạo Khởi sự kinh doanh (9.600 học viên) và 88 khóa đào tạo Quản trị kinh doanh (7.040 học viên) cho doanh nghiệp NVV về chuyển đổi số.

Thực tế cho thấy, Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu trong công tác hỗ trợ về công nghệ cho doanh nghiệp NVV như: Tổ chức triển khai tư vấn giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp về quy trình kinh doanh, quy trình quản trị, quy trình sản xuất, quy trình công nghệ và chuyển đổi mô hình kinh doanh.

Tuy nhiên, bà Hương cũng thẳng thắn nhìn nhận công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số vẫn còn những hạn chế, bất cập và gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, một số chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được quy định tại các văn bản của TƯ chỉ dừng ở mức độ những hỗ trợ nhỏ cho doanh nghiệp, mang tính phụ trợ, chưa thực sự đáp ứng, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu phát triển căn bản của doanh nghiệp nên chậm đi vào cuộc sống.

Ngoài ra, một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ; việc vận dụng cụ thể hóa các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.

Bà Hương dẫn chứng, các nội dung về hỗ trợ thuê mua phần mềm cho doanh nghiệp chuyển đổi số quy định tại Điều 11 Nghị định 80/2021/NĐ-CP ngày 26/08/2021 còn nhiều tranh cãi trong công tác định giá phần mềm hoặc đánh giá hiệu quả của công tác hỗ trợ công nghệ.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số của các sở, ban, ngành và các hiệp hội chưa được quan tâm đúng mức.

474b4e260ab8b2e6eba9.jpg
Triển lãm kết nối giao thương, giới thiệu sản phẩm công nghệ số TP.Hà Nội.

Vì vậy, theo bà Hương, Thành phố Hà Nội cần tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao nhận thức và thái độ, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, người lao động tại các sở ngành, hội, hiệp hội, các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông về các chính sách hỗ trợ quy định tại Kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp NVV chuyển đổi số trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025; Tiếp tục bố trí ngân sách ổn định để bảo đảm công tác hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số được đồng bộ, liên tục, hiệu quả.

Đánh giá vị trí của doanh nghiệp trong lộ trình chuyển đổi số, bà Cao Cẩm Linh, Giám đốc Chiến lược Viettel Logistic cho biết, theo khảo sát của Cục phát triển doanh nghiệp, Bộ KH&ĐT năm 2022, số doanh nghiệp đã làm chủ công nghệ, phần mềm quản lý để phân tích dữ liệu, tự động hoá chiếm 2.2%; đã số hoá tài liệu, quy trình 35.3%; đã từng sử dụng các công nghệ, phần mềm mới nhưng hiện tại không sử dụng là 48.8%; Còn số doanh nghiệp đã có kế hoạch, chiến lược chuyển đổi số là 7.6%; đã đánh giá thực trạng và xác định được mục tiêu của quá trình chuyển đổi số 6.2%.

Để thúc đẩy doanh nghiệp NVV chuyển đổi số, bà Linh kiến nghị, giải pháp hiện nay là doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ và hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực công nghệ số; xây dựng văn hoá số trong doanh nghiệp; đo lường và đánh giá hiệu quả chuyển đổi số.

“Cùng với đó, Nhà nước cần xây dựng chính sách hỗ trợ doanh nghiệp; phát triển hạ tầng công nghệ và an ninh mạng quốc gia;hỗ trợ đào tạo và phát triển nguồn nhận lực công nghệ; tăng cường nhận thức và hỗ trợ truyền thộng”, bà Linh nhận định.

Nguyễn Minh