Sửa Luật Quảng cáo: Cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất
Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012, tuy nhiên, theo cơ quan thẩm tra cần tiếp tục rà soát để bảo đảm sự thống nhất…
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 08/11, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo.
Thông tin tại hội trường về Dự án Luật (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch – Nguyễn Văn Hùng cho biết, Dự thảo Luật được xây dựng trên tinh thần kế thừa các quy định về phạm vi điều chỉnh tại Luật Quảng cáo năm 2012, quy định về hoạt động quảng cáo; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động quảng cáo; quản lý Nhà nước về hoạt động quảng cáo. Luật sửa đổi, bổ sung một số quy định về quản lý nội dung và điều kiện quảng cáo; quản lý hoạt động quảng cáo trên môi trường mạng, dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới và quảng cáo trên phương tiện báo chí; hoạt động quảng cáo ngoài trời.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, Dự án Luật đã bám sát mục đích, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa nội dung 03 Chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật đã được thông qua bằng việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Quảng cáo năm 2012, cụ thể như: Đối với Chính sách 1 “Hoàn thiện các quy định về nội dung và hình thức quảng cáo phù hợp với sự phát triển đa dạng của hoạt động quảng cáo”. Dự án Luật sửa đổi 04 Điều, bổ sung 02 Điều và 01 khoản.
Cụ thể, sửa đổi, bổ sung khái niệm người chuyển tải sản phẩm quảng cáo tại khoản 8 Điều 2; sửa đổi, bổ sung điểm b khoản 2 Điều 10 về trách nhiệm của Tổ chức nghề nghiệp về quảng cáo.
Sửa đổi, bổ sung Điều 19 về yêu cầu đối với nội dung quảng cáo: Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây hiểu lầm về tính năng, chất lượng, công dụng, tác dụng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Trường hợp quảng cáo có kèm ghi chú, khuyến cáo thì phần ghi chú, khuyến cáo phải bảo đảm hình thức thể hiện rõ ràng, đầy đủ, dễ tiếp cận. Phân định nội dung quảng cáo.
Sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 4 Điều 20 về điều kiện quảng cáo hàng hóa, dịch vụ đặc biệt để bảo đảm cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với thủ tục và tên gọi của các loại giấy phép đã được pháp luật chuyên ngành quy định. Bổ sung Điều 15a quy định về quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo là người có ảnh hưởng theo quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng…
Đối với Chính sách 2 “Hoàn thiện quy định về quản lý hoạt động quảng cáo trên báo chí, môi trường mạng và dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới”. Dự án Luật sửa đổi 03 Điều, bổ sung 01 khoản.
Cụ thể, sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo in tại Điều 21: diện tích quảng cáo trên báo in không được vượt quá 30% tổng diện tích một ấn phẩm báo hoặc 40% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí, trừ báo, tạp chí chuyên quảng cáo và phải có dấu hiệu phân biệt quảng cáo với các nội dung khác.
Sửa đổi quy định về hoạt động quảng cáo trên báo nói, báo hình (Điều 22) về: tăng thời lượng quảng cáo trên kênh truyền hình trả tiền; trong chương trình phim truyện; thể hiện sản phẩm quảng cáo kèm theo nội dung thông tin chính thức bằng hình thức chạy chữ hoặc một chuỗi hình ảnh chuyển động…
“Đối với Chính sách 3 “Hoàn thiện quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời”. Dự án Luật sửa đổi 08 Điều, bổ sung 01 khoản.
Cụ thể, nhằm thực hiện có hiệu quả mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, Dự án Luật đã chỉnh sửa các thủ tục không phù hợp; tối ưu hóa quy trình giải quyết, bảo đảm đơn giản, dễ thực hiện, tiết kiệm thời gian, chi phí của tổ chức cá nhân, như: Sửa đổi, bổ sung Điều 28 về các yêu cầu đối với hoạt động quảng cáo trên màn hình chuyên quảng cáo như: không sử dụng âm thanh; độ sáng màn hình tuân thủ theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về công trình chiếu sáng; trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tấn công mạng.
Sửa đổi, bổ sung Điều 29 về Hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trên bảng quảng cáo, băng-rôn: cắt, giảm các thành phần hồ sơ không còn phù hợp với thực tế gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Báo cáo thẩm tra Dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội – Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo năm 2012; cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật.
Hồ sơ dự án Luật đảm bảo yêu cầu về thời hạn; các tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật cơ bản phù hợp với quy định. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện một số tài liệu của hồ sơ Dự án Luật, bảo đảm đầy đủ, chính xác. Một số nội dung trong Dự thảo Luật cần tiếp tục rà soát, bảo đảm sự thống nhất với một số luật có liên quan.
Tại Báo cáo thẩm tra, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số nội dung liên quan: Về giải thích từ ngữ (khoản 1 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 2); Về trách nhiệm quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo (khoản 2 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 5); Về quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo (khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 15a); Về yêu cầu về nội dung quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt (khoản 7 Điều 1 dự thảo Luật bổ sung Điều 19a); Về quảng cáo trên báo in (khoản 9 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21); Về quảng cáo trên báo nói, báo hình (khoản 10 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 22);Về quảng cáo trên mạng (khoản 11 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 23); Về cấp giấy phép xây dựng công trình quảng cáo (khoản 15 Điều 1 dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 31).