Thái Bình: Bàn việc ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án nhà ở xã hội
Dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh Thái Bình phải bảo đảm có cơ sở pháp lý.
Đó là nội dung được đưa ra tại cuộc họp nghe báo cáo Tờ trình dự thảo Nghị quyết của HĐND tỉnh Thái Bình về việc ban hành cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn mới đây.
Theo đó, dự thảo Nghị quyết quy định về cơ chế hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội không bằng vốn đầu tư công và không thuộc trường hợp dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được giao theo quy định tại điểm c, khoản 4 Điều 84 của Luật Nhà ở 2023 trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Đối tượng áp dụng là các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh.
Về cơ chế hỗ trợ, hỗ trợ toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, bao gồm cả quy đất nhà ở xã hội trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở thương mại. Đồng thời, hỗ trợ toàn bộ kinh phí đầu tư xây dựng hạng mục san lấp mặt bằng đến cốt thiết kế theo quy hoạch chi tiết được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhưng không quá 10 tỷ đồng. Các nội dung hỗ trợ khác liên quan đến phát triển nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Dự thảo Nghị quyết cũng quy định rõ nguyên tắc, phương thức hỗ trợ và nội dung chuyển tiếp.
Theo ông Nguyễn Quang Hưng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thái Bình, tỉnh Thái Bình đề nghị Sở Xây dựng tiếp thu các ý kiến của các sở, ngành, địa phương để hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết bảo đảm có cơ sở pháp lý, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, làm rõ phạm vi và đối tượng áp dụng theo quy định của các văn bản luật liên quan.
Ông Hưng cũng cho ý kiến cụ thể vào các nội dung dự thảo nghị quyết bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định, hỗ trợ hiệu quả các dự án nhà ở xã hội khi nghị quyết ban hành, bảo đảm quyền và lợi ích đúng đối tượng thụ hưởng.
Được biết, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Bình đã và đang thực hiện mục tiêu xây dựng tỉnh hướng hiện đại, là tỉnh ven biển phía Đông Nam vùng đồng bằng sông Hồng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, ở trung tâm tam giác phát triển vùng Duyên hải Bắc Bộ gồm: Hà Nội - Ninh Bình - Hải Phòng.
Tỉnh Thái Bình cũng xác định lấy Khu kinh tế Thái Bình là động lực phát triển đồng bộ trên cả 3 lĩnh vực gồm: công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ hướng đến sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững. Trong đó, lấy công nghiệp là động lực chủ yếu cho tăng trưởng, phấn đấu đưa Thái Bình trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghiệp lớn của vùng.
Theo UBND tỉnh Thái Bình, hiện các khu, cụm công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh thu hút trên 110.000 lao động. Trong đó, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp trên 63.000 người, trong các cụm công nghiệp khoảng 55.000. Theo Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Thái Bình, tổng diện tích đất quy hoạch cho phát triển công nghiệp là hơn 8.000ha, dự báo đến năm 2025, quy mô dân số của khu kinh tế này là 227.000 người. Đến năm 2040, quy mô dân số của khu kinh tế là 300.000 người.
Sự phát triển mạnh về công nghiệp và phát triển kinh tế đô thị sẽ thu hút đông người lao động đến làm việc, gia tăng nhu cầu về nhà ở, đặc biệt là nhu cầu về nhà ở của công nhân khu công nghiệp và người thu nhập thấp khu vực đô thị.
Theo đại diện nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Liên Hà Thái, việc xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động làm việc trong khu công nghiệp không chỉ tạo nên một môi trường sống và làm việc thuận tiện, giúp người lao động cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng năng suất lao động mà còn góp phần đồng bộ hóa trong việc tạo dựng một khu công nghiệp xanh, bền vững với nhiều tiện ích.
Hiện, nhằm đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân làm việc trong các khu công nghiệp, tỉnh Thái Bình đang đẩy mạnh thực hiện phát triển nhà ở xã hội. Địa phương này cũng thực hiện mục tiêu đến năm 2025, xây dựng khoảng 11.100 căn nhà ở xã hội. Phấn đấu đến năm 2030, toàn tỉnh có diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 35m2 sàn/người.
Theo ông Phạm Việt Anh - Giám đốc Sở Xây dựng Thái Bình, thực hiện đề án phát triển nhà ở xã hội tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh Thái Bình đã xây dựng, hoàn thành 8 dự án nhà ở xã hội với tổng 2.000 căn hộ.
Để nâng cao hiệu quả công tác phát triển nhà ở xã hội, theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Thái Bình, các địa phương tập trung làm tốt công tác quy hoạch, triển khai thực hiện quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở, rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất làm cơ sở giao đất thực hiện dự án. Các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, sớm bàn giao đất cho nhà đầu tư để triển khai thực hiện dự án.
Các sở, ngành của tỉnh Thái Bình tổ chức lập đề xuất chủ trương các dự án phát triển nhà ở xã hội độc lập, các dự án phát triển nhà ở thương mại, trong đó bố trí quỹ đất nhà ở xã hội để tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án theo quy định. Đồng thời, tham mưu điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm phục vụ cho việc phát triển nhà ở xã hội…