Doanh nghiệp

Công viên logistics - mô hình mới tối ưu chuỗi cung ứng nông sản

Thy Hằng 09/11/2024 01:32

Các công viên logistics được kỳ vọng giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh nhất với chi phí thấp nhất, đặc biệt là hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu.

dd-1726741022485210802331.jpg


Công viên Logistics Viettel dự kiến thuê hạ tầng tại Khu trung chuyển thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Tổng Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post) vừa công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua chủ trương đầu tư dự án Công viên Logistics Viettel tại Lạng Sơn.

Doanh nghiệp này cho biết sẽ chủ trương ký hợp đồng thuê công trình, hạ tầng tại Khu trung chuyển thuộc khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn. Đồng thời thành lập chi nhánh Công viên Logistics Viettel Lạng Sơn tại huyện Cao Lộc.

Theo quy hoạch, Khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn là khu kinh tế tổng hợp, trung tâm dịch vụ cửa khẩu và hậu cần logistics quốc gia và quốc tế và là cửa ngõ quan trọng nối Trung Quốc và các nước Đông Nam Á. Đây là một trong những trung tâm về thương mại, dịch vụ, du lịch và công nghiệp của vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Theo một báo cáo gần đây của SSI Research, Viettel Post sẽ đưa Công viên logistics tại Lạng Sơn đi vào hoạt động từ đầu tháng 12/2024, thúc đẩy phát triển logistics thương mại điện tử xuyên biên giới và cửa khẩu thông minh.

Đây được xem là động thái mới nhất của Viettel Post trong việc xúc tiến khai thác mảng dịch vụ logistics xuyên biên giới. Trước đó, hồi tháng 3/2024, Viettel Post đã ký kết thoả thuận hợp tác với chính quyền TP.Bằng Tường và TP.Nam Ninh (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) để thành lập văn phòng đại diện và xây dựng Trung tâm giao dịch nông sản Trung Quốc - ASEAN.

Đồng thời, Viettel Post cũng có kế hoạch khai thác các đoàn tàu liên vận Việt Nam - Trung Quốc và vận chuyển container lạnh. Tính đến thời điểm hiện tại, Viettel Post đang là đơn vị logistics đầu tiên của Việt Nam hợp tác với chính quyền địa phương tại Trung Quốc để hoàn thiện hạ tầng mạng lưới vận chuyển xuyên biên giới.

Trong kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4, công ty này cũng đã công bố sẽ dựa trên hoạt động kinh doanh hiện tại để đầu tư thêm vào mảng Logistics và hội nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối, giúp hoàn thiện mạng lưới logistics và giảm chi phí logistics của Việt Nam

SSI Research nhận thấy công ty đang tìm hiểu các cơ hội để đầu tư vào 3 phân khúc chính: dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.

Đại diện Viettel Post cho biết, với mục tiêu xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, tổng công ty đang triển khai việc xây dựng các trung tâm logistics ở vùng biên giới và lắp đặt hệ thống soi chiếu tự động kết nối với dữ liệu hải quan để phục vụ cho việc thông quan một cách nhanh chóng (cửa khẩu thông minh).

Một hạ tầng logistics xuyên biên giới sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam khi lượng sản xuất ra chỉ được tiêu thụ 10% tại nội địa và 90% được xuất khẩu. Để thực hiện kế hoạch này, trong giai đoạn 1, Viettel Post thực hiện kết nối các thị trường tiêu thụ hàng hoá tại Đông Nam Á (như Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar) và Trung Quốc, đại diện Viettel Post chia sẻ.

Viettel Post hiện đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào 3 phân khúc gồm dịch vụ logistics B2B cho các nhà sản xuất và nhà bán lẻ trong nước, dịch vụ giao hàng B2C cho thương mại điện tử xuyên biên giới và dịch vụ logistics biên giới thông minh B2B.

Các kế hoạch đầu tư trên được kỳ vọng góp phần tối ưu chi phí logistics, rút ngắn thời gian vận chuyển, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, và nâng cao vị thế logistics của Việt Nam trong việc kết nối các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Ảnh màn hình 2024-11-08 lúc 14.14.00
Hệ thống công viên logistics sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch.

Trong đó, hệ thống công viên logistics sẽ cung cấp trọn gói các dịch vụ logistics như công nghệ bảo quản sau thu hoạch, dịch vụ thông quan, kiểm hóa, kiểm dịch mà kết quả sẽ được công nhận ở các quốc gia khác. Mạng lưới công viên logistics cũng sẽ giúp kết nối các vùng, miền nuôi trồng, các khu công nghiệp với các hub giao thông của đường bộ, đường sắt, đường biển, đường hàng không và các cửa khẩu.

Được biết, để làm các công viên logistics, cung cấp toàn trình, đầy đủ các hệ thống từ kho thông minh, dịch vụ hải quan, Viettel Post sẽ dùng kỹ sư có trình độ đại học để khai thác. Đồng thời, tất cả dùng robot, tiêu chuẩn cao nhất, và thiết lập ra một tiêu chí, KPI phục vụ cho vận hành ở mức cao nhất.

“Các công viên logistics có mức độ tự động hóa cao nhất, có thể giảm 60-70% nhân công. Điều này sẽ giúp tối ưu chi phí, với thời gian lưu chuyển hàng hóa nhanh nhất, chi phí thấp nhất”, ông Hoàng Trung Thành, Tổng Giám đốc Viettel Post chia sẻ.

Đồng thời cho biết, các công viên logistics với dịch vụ toàn trình gồm kho, lưu kho, dịch vụ hải quan, dịch vụ vận tải và không chỉ Việt Nam mà cả xuyên biên giới để giúp cho hàng hóa lưu thông nhanh nhất, chi phí thấp nhất sẽ giúp cho hàng hóa nông, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam được đưa sang các thị trường tiêu thụ trọng điểm như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc với thời gian nhanh nhất, đặc biệt là thị trường Trung Quốc, vì hàng nông nghiệp của Việt Nam đưa sang đây là phần quan trọng.

Trên thực tế, động thái này của Viettel Post cho thấy sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp vào hệ thống logistics cửa khẩu, đặc biệt là cửa khẩu Lạng Sơn - nơi kết nối láng giềng quan trọng, thị trường lớn của Việt Nam là Trung Quốc trong bối cảnh hoạt động xuất, nhập khẩu ngày càng sôi động, lượng hàng hóa tăng cao.

Cụ thể, năm 2023, tổng kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua Lạng Sơn đạt hơn 52 tỷ USD, tăng 85,12% so với năm 2022. Trong sáu tháng năm 2024, kim ngạch xuất, nhập khẩu trên địa bàn đã đạt gần 28,2 tỷ USD, tăng gần 29% so với cùng kỳ năm 2023. Dự kiến, năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất, nhập khẩu qua các cửa khẩu ở Lạng Sơn ước đạt hơn 55 tỷ USD,...

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn Ðoàn Thanh Sơn khẳng định, thời gian tới, Lạng Sơn sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp logistics nâng cao hiệu quả hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn, đóng góp chung vào xây dựng và thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics của cả nước.

Tỉnh sẽ tập trung thu hút đầu tư, hoàn thiện hạ tầng logistics qua việc rà soát các quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tính đồng bộ của hạ tầng giao thông và dịch vụ vận tải; nâng cấp các tuyến đường vành đai biên giới, đường ra các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh để kết nối giao thông, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics; đặc biệt là hoàn thành tuyến đường cao tốc Chi Lăng-Hữu Nghị và đường sắt liên vận quốc tế Ðồng Ðăng-Bằng Tường,...

Thy Hằng