Nghiên cứu - Trao đổi

Giải bài toán thu hút đầu tư vào điện gió ngoài khơi

Yến Nhung 10/11/2024 04:00

Theo chuyên gia, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo “cú hích” mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư cũng như triển khai các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt vào tháng 5 năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi đạt 6.000MW vào năm 2030. Tuy nhiên, từ đó đến nay vẫn chưa có dự án nào được quyết định chủ trương hoặc giao đầu tư. Không ít nhà đầu tư cũng đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu điện gió ngoài khơi từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ". Một số nhà đầu tư "nản lòng" đã rời đi.

fgjhf20230905071633 (1)
Không ít nhà đầu tư đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu điện gió ngoài khơi từ nhiều năm nay, song đến nay vẫn "giậm chân tại chỗ" - Ảnh minh họa: ITN

Trong báo cáo mới nhất, Bộ Công Thương cho biết đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo mới, như điện gió ngoài khơi, có chi phí đầu tư và sản xuất điện cao hơn so với nguồn điện truyền thống. Để đảm bảo khả thi cho các dự án, Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) đã cơ bản hoàn thiện các cơ chế, chính sách về điện gió ngoài khơi với kỳ vọng sẽ tạo nên “cú hích” mạnh mẽ trong việc triển khai các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam.

Tại Kỳ họp thứ 8 này, Quốc hội khóa XV đã tiếp tục thảo luận về Dự thảo. Liên quan đến chính sách ưu tiên đối với việc đầu tư vào điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi, đại biểu Trần Quốc Tuấn, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh đề nghị, Ban soạn thảo cần bổ sung các loại hình điện trên vào Điều 27 về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công.

“Bởi hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Điển hình như các nhà đầu tư cần sự bảo đảm của Nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa, dịch vụ trong nước…”, đại biểu này chia sẻ.

Theo đại biểu Trần Quốc Tuấn, nếu được bổ sung ưu tiên đầu tư sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên quan đến đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư, đầu tư công, đại biểu Nguyễn Hữu Thông Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận đề nghị, bổ sung thêm loại hình “điện gió ngoài khơi” trong các loại hình điện để làm cơ sở cho triển khai thực hiện trên thực tế.

Bởi Việt Nam rất có tiềm năng phát triển điện gió ngoài khơi và hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin chủ trương đầu tư loại hình này nhưng chưa được quy định trong Dự thảo.

"Tuy nhiên, cần có điều khoản nhằm hạn chế các nhà đầu tư điện gió ngoài khơi chuyển nhượng dự án cho các đối tác khác," đại biểu Nguyễn Hữn Thông nhấn mạnh.

5-7 (1)
Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo “cú hích” mạnh mẽ trong việc thu hút đầu tư cũng như triển khai các dự án điện gió ngoài khơi của Việt Nam - Ảnh minh họa: ITN

Cũng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên cho rằng, điện gió ngoài khơi là ngành mới, việc giao cho các doanh nghiệp nhà nước triển khai một số dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên là bước đi cần thận trọng.

Tuy nhiên, cũng cần tính đến thực tế là các doanh nghiệp nhà nước lớn trong ngành năng lượng của Việt Nam như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đều chưa có kinh nghiệm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi. Trong đó, EVN đang trong tình trạng thua lỗ.

“Để bảo đảm thành công của các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên cả về mặt công nghệ, hiệu quả kinh tế, Dự thảo nên bổ sung quy định về việc cho phép các tập đoàn Nhà nước được đề xuất đối tác cho hoạt động khảo sát và triển khai các dự án điện gió ngoài khơi đầu tiên”, đại biểu Tạ Thị Yên đề xuất.

Theo đại biểu, việc lựa chọn đối tác có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và công nghệ trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước tận dụng được nguồn lực, giảm bớt gánh nặng tài chính cũng như chia sẻ rủi ro nếu có. Mô hình đối tác này cũng giúp giảm thiểu những quan ngại về vấn đề an ninh, do doanh nghiệp nhà nước vẫn là đối tác nắm quyền kiểm soát đối với dự án.

Đồng quan điểm, ông Mark Hutchinson, Chủ tịch Nhóm công tác Đông Nam Á của Hội đồng Năng lượng gió toàn cầu (GWEC) cho rằng, một trong những chiến lược quan trọng mà Việt Nam có thể học hỏi các nước trên thế giới là cách tiếp cận hợp tác quốc tế với các đối tác giàu kinh nghiệm.

“Tôi đồng ý với ý tưởng cho phép doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam hợp tác với các công ty quốc tế trong các dự án thí điểm đầu tiên. Các đối tác quốc tế không chỉ mang đến kiến thức, kinh nghiệm và công nghệ mà còn hỗ trợ tài chính và cung ứng chuỗi sản xuất. Ngược lại, các đối tác trong nước có lợi thế về sự hiểu biết về pháp luật, văn hóa và chính trị”, ông Hutchinson chia sẻ.

Yến Nhung