Ngành cá tra sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025
Với những kỳ vọng về giá xuất khẩu tiếp tục ấm lên, ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong quý III/2024, xuất khẩu cá tra đạt 544 triệu USD, tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2023. Lũy kế 9 tháng 2024, xuất khẩu cá tra đạt kim ngạch 1,46 tỷ USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái...
Về thị trường xuất khẩu cá tra, dẫn số liệu của Tổng cục Hải quan, VASEP cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/9/2024, hầu hết các thị trường đều ghi nhận tăng trưởng khá tích cực. Cụ thể, Mỹ đạt 240 triệu USD, tăng 23%; Brazil đạt 81 triệu USD, tăng 26%; Thái Lan đạt 43 triệu USD, tăng 9%.
Đáng chú ý, tính đến ngày 15/9/2024, Mexico tiếp tục dẫn đầu khối thị trường CPTPP về tiêu thụ cá tra Việt Nam với 55 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là Canada với 28 triệu USD, tăng 13%.
Ngoài ra, những tuần đầu tháng 9/2024, việc giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng, cho thấy giá có dấu hiệu ấm dần lên. Tuần 37, giá cá tra nguyên liệu là 26.400 đồng/kg, giảm so với mức 28.900 đồng/kg của tuần 33, nhưng vẫn tương đối cao so với các thời điểm khác trong 8 tháng đầu năm 2024.
Theo Cục Thủy sản, tính đến giữa tháng 9/2024, diện tích thả nuôi cá tra tại Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ giảm 2% so với cùng kỳ, ước đạt 4,241 ha. Nguyên nhân chủ yếu do điều kiện thời tiết bất lợi và giá cá tra duy trì ở mức thấp, khiến người nông dân hạn chế mở rộng diện tích thả nuôi.
Ngoài ra, diễn biến cá bệnh đang diễn ra phổ biến tại các vùng nuôi khiến tỷ lệ cá hao hụt trong ao khá cao, tạo nên những tổn thất không nhỏ cho các hộ nuôi. Dù vậy, nhờ vào việc áp dụng kỹ thuật nuôi hiện đại và cải thiện năng suất, sản lượng cá tra nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long trong 9 tháng năm 2024 tăng 8,4% so với cùng kỳ, đạt khoảng 1,03 triệu tấn, giúp đảm bảo nguồn cung cá tra ổn định ngay cả khi các hộ nuôi điều chỉnh lượng thả mới phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Ngành cá tra vẫn duy trì được sự phát triển bền vững bất chấp những khó khăn ngắn hạn về điều kiện thả nuôi và dịch bệnh.
Đánh giá về triển vọng ngành cá tra Việt Nam, bà Lê Hằng, chuyên gia của VASEP nhận định, với những kỳ vọng về giá xuất khẩu tiếp tục ấm lên, xuất khẩu cá tra Việt Nam trong quý IV/2024 vẫn sẽ đạt kết quả khả quan, khi thời điểm này các thị trường đang dần chuẩn bị nguồn hàng để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng trong dịp lễ hội cuối năm 2024.
Trong đó, đáng chú ý các sản phẩm cá tra có giá trị gia tăng sẽ tiếp tục bứt phá, tăng trưởng mạnh mẽ ở các thị trường, đặc biệt là Trung Quốc. Do đó, việc chuẩn bị nguồn hàng đáp ứng nhu cầu thị trường sẽ giúp doanh nghiệp không lãng phí tiềm năng, mà còn có cơ hội mở rộng thị phần cho các sản phẩm này.
Xa hơn, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) nhận định rằng, ngành cá tra Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì triển vọng khả quan trong năm 2025, sự tăng trưởng được hỗ trợ chủ yếu bởi sự gia tăng về sản lượng xuất khẩu sang Mỹ trong khi giá bán bình quân toàn ngành chỉ cải thiện nhẹ do gặp nhiều thách thức hơn tại Trung Quốc.
Tại Mỹ, PHS cho rằng, lệnh cấm nhập khẩu thủy sản có nguồn gốc Nga dù được chế biến từ bên thứ 3 cùng với sự khan hiếm nguồn cung cá rô phi từ Trung Quốc tạo cơ hội cho cá tra Việt Nam trở thành sản phẩm thay thế tiềm năng cho các loại cá thịt trắng này. Theo đà tăng về sản lượng xuất khẩu, chúng tôi kỳ vọng rằng giá cá tra xuất khẩu sang Mỹ sẽ tiếp tục được cải thiện trong năm 2025.
Tuy nhiên, PHS cũng lưu ý về rủi ro chính sách kinh tế khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ, đặc biệt là việc áp thuế quan cao đối với hầu hết hàng nhập khẩu từ các quốc gia, bao gồm cá tra Việt Nam.
“Dù vậy, chúng tôi cho rằng mức thuế 10% - 20% áp dụng cho hầu hết quốc gia sẽ không làm giảm khả năng cạnh tranh của Việt Nam, trong khi mức thuế 60% đối với Trung Quốc có thể mang lại lợi thế cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh thị phần giữa cá tra Việt Nam với cá rô phi Trung Quốc tại Mỹ”, PHS đánh giá.
Công ty Chứng khoán này cho rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc có thể gặp nhiều thách thức hơn khi chịu áp lực cạnh tranh rất lớn với cá minh thái Nga và sự chuyển dịch cơ cấu sản phẩm cá tra phi lê sang sản phẩm cá tra nguyên con có giá trị gia tăng thấp làm giảm giá trị thương mại của ngành.
Trong khi đó, tại thị trường EU, PHS cho rằng, xuất khẩu cá tra Việt Nam vẫn sẽ chưa thật sự bứt phá khi mức độ cạnh tranh cả về giá và chất lượng vẫn kém hơn so với các dòng cá thịt trắng khác.