TP HCM: Doanh nghiệp sản xuất "sốt ruột" vì bảng giá đất mới
Nhiều doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn TP HCM bày tỏ lo ngại bảng giá đất điều chỉnh có thể khiến chi phí thuê đất của doanh nghiệp tăng hàng tỷ đồng.
Từ ngày 31/10/2024, TP HCM đã chính thức áp dụng bảng giá đất mới. Việc giá đất tăng sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí thuế đất của doanh nghiệp đang thuê đất trả tiền hàng năm.
Doanh nghiệp chịu nhiều ảnh hưởng
Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch HUBA, cách tính đơn giá thuê đất đề xuất có thể làm tăng chi phí thuê lên rất cao. Theo cách tính mới, giá thuê đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp sẽ tăng 35-50%; đất thương mại, dịch vụ tăng 18-53%. Điều này gây khó khăn với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và ảnh hưởng đến việc thu hút đầu tư của thành phố.
Lo ngại về giá đất tăng, trong một chia sẻ mới đây, ông Tô Ngọc Ngời, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và xuất nhập khẩu Lâm Sản Sài Gòn cho hay, đất thương mại dịch vụ đang cho thuê kho bãi và khu đất có mật độ xây dựng thấp, bị giới hạn chiều cao nằm trong vùng lõi 930 ha là tăng mạnh nhất.
Trong đó, công ty Lâm Sản Sài Gòn đang thuê khu đất 1.325 m2 trên đường Trương Định quận 3 để làm văn phòng, nếu theo quyết định cũ, tiền thuê đất hàng năm là 4,2 tỷ đồng. Còn tính theo bảng giá đất mới (theo tỷ lệ đơn giá thuê đất hàng năm Sở Tài chính đề xuất), tiền thuê là hơn 6,1 tỷ đồng, tăng hơn 30%. "Đây là con số quá sức chịu đựng và doanh nghiệp không thể nào gánh nổi", ông Ngời cho biết.
Cũng nêu tình trạng trên, bà Bùi Thị Nữ, Phó phòng quản lý giám sát đầu tư các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM cho biết, trên địa bàn 11 khu chế xuất đang thuê đất nhà nước theo diện trả tiền hàng năm, nếu đơn vị nào đang ký thuê ổn định trong 5 năm, 2-3 năm tới vẫn được áp dụng bảng giá cũ, còn lại sẽ chịu ảnh hưởng khá lớn.
Theo bà Nữ, hiện nay đơn giá thuê đất được tính theo tỷ lệ 0,25-3% mỗi năm. "Chúng tôi đang đề xuất thành phố áp dụng tỷ lệ 0,25-0,3% cho đất khu công nghiệp và kỳ vọng sớm có chính thức để cộng đồng doanh nghiệp sớm hoàn tất nghĩa vụ, đi vào sản xuất kinh doanh", bà Nữ nói thêm.
Đề nghị hạ tỷ lệ đơn giá thuê đất
Để gỡ khó cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp TP HCM (HUBA) và Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa qua đã có kiến nghị hạ tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất với nhóm đất nông nghiệp ở mức 0,25%; Nhóm khu công nghệ cao, công viên phần mềm 0,3%. Nhóm đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp khu vực 1 0,5%, khu vực 2 0,4%, khu vực 3 0,3%. Với nhóm đất thương mại, dịch vụ áp dụng mức từ 0,5-1%.
Liên quan đến nội dung trên, thông tin từ ông Đào Quang Dương, Phó trưởng phòng Kinh tế đất, Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP HCM, Sở Tài chính vừa đề xuất quy định mức tỷ lệ % tính đơn giá thuê đất hàng năm với nhóm thương mại, dịch vụ là 0,5-1,5%; đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp (không phải là đất thương mại dịch vụ mục đích kinh doanh) từ 0,5-1%; đất nông nghiệp 0,25%, đất trong Khu công nghệ cao, Khu công viên phần mềm Quang Trung là 0,5%.
Ngoài ra, ông Đào Quang Dương cũng cho biết, sẽ có 2 trường hợp bị tác động vì bảng giá mới là khi đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (một năm 0,15%) và trường hợp thu tiền thuế đất hàng năm.
Với thuế đất phi nông nghiệp, theo quy định, thuế được áp dụng ổn định trong chu kỳ 5 năm, tức đến hết năm 2027 doanh nghiệp mới phải áp dụng bảng mới. Với thuế đất hàng năm, bảng giá đất tăng thì thuế tăng và kéo theo giá mặt bằng cũng tăng. Đơn giá thuê đất hằng năm = Tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất (x) Giá đất tính tiền thuê đất. Trong đó, tỷ lệ (%) tính đơn giá thuê đất một năm hiện là từ 0,25- 3%. Sở Tài chính đang lên dự thảo lấy ý kiến áp dụng tỷ lệ mới từ 0,25–1%, vừa đảm bảo cân đối thu ngân sách thành phố, doanh nghiệp cũng không chịu mức thu tăng cao.
Riêng với thị trường bất động sản nhà ở, ông Dương khẳng định bảng giá đất không ảnh hưởng đến chi phí kinh doanh, giải phóng mặt bằng... Trước nay chi phí mặt bằng vẫn hoạt động với cơ chế doanh nghiệp thoả thuận với người dân theo giá thị trường. Giá bán áp dụng quy luật cung - cầu. Vậy nên, theo ông, trên lý thuyết, bất động sản nhà ở không bị tác động.