Công nghệ

Nam Định: Thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số

Trung Thành 11/11/2024 00:30

Nam Định xác định rõ nhiệm vụ chuyển đổi số là một trong những giải pháp quan trọng, để thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Hỗ trợ doanh nghiệp hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn

Để góp phần thúc đẩy phát triển doanh nghiệp chuyển đổi số, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã triển khai các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy việc ứng dụng rộng rãi thương mại điện tử trong doanh nghiệp.

Hiện tại sàn giao dịch thương mại điện tử là PostMart.vn, Voso.vn, Nam Định đã có gần 500 sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất được giới thiệu, kinh doanh hiệu quả trên 2 sàn giao dịch này.

1(1).jpg
Bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử của Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI (Ảnh Báo Nam Định)

Trong đó sản phẩm truyền thống của tỉnh như gạo tẻ, gạo đặc sản tám xoan, nếp hương của các đơn vị uy tín như HTX dịch vụ nông nghiệp Hải Toàn (Hải Hậu). HTX dịch vụ nông nghiệp Bốn Thuận (Vụ Bản); nước mắm truyền thống Lâm Bão, Ninh Cơ (Hải Hậu), Ninh Cường (Trực Ninh). Muối thảo dược, muối biển nhạt Roya của Công ty TNHH Thương mại Muối sạch Nam Định. Dây thìa canh, cà gai leo, đông trùng hạ thảo. Miến gạo, miến dong, bánh nhãn (Hải Hậu). Kẹo sừu châu (thành phố Nam Định)…

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định: Tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 143/KH-UBND về việc triển khai Chương trình thúc đẩy, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh hiện diện trực tuyến tin cậy, an toàn với các dịch vụ số sử dụng tên miền quốc gia “.vn”. Trong đó, mục đích của kế hoạch: Nhằm nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh về tầm quan trọng của việc hiện diện trực tuyến, xây dựng thương hiệu số trên môi trường internet thông qua việc ứng dụng các dịch vụ số (website, email) sử dụng tên miền quốc gia “.vn” trong các hoạt động kinh tế số, xã hội số của tỉnh.

Theo đó, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu: Các sở, ban, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan chủ động triển khai truyền thông về chương trình ưu đãi đến các đối tượng trong phạm vi quản lý (qua các kênh truyền thông của đơn vị quản trị vận hành và qua các phương tiện truyền thông đại chúng).

Hình thức truyền thông: Báo chí, truyền hình, truyền thanh, hệ thống truyền thanh cơ sở, mạng xã hội (zzalo, face book…), website của các sở, ban, ngành và tổ chức chính trị xã hội, logo, tờ rơi, banner, Standee…

Tổ chức hội thảo, tập huấn hướng dẫn cho doanh nghiệp, người dân cách thức đăng ký, sử dụng tên miền “biz.vn”, “id.vn” và các dịch vụ số (website/CV online, email ...), để hiện hiện trực tuyến, xây dựng thương hiệu trên môi trường Internet.

UBND tỉnh Nam Định giao Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm tổ chức triển khai, giám sát, tổng hợp báo cáo kết quả chương trình trong tỉnh trước UBND tỉnh. Phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, tổ chức, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc thực hiện kế hoạch này. Giám sát, tổng hợp kết quả thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh. Các sở, ban ngành tỉnh, các tổ chức hiệp hội, tổ công nghệ số cộng đồng. Tỉnh đoàn Thanh niên tổ chức triển khai, giám sát, gửi báo cáo kết quả chương trình trong lĩnh vực quản lý về Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tổng hợp…

Thúc đẩy đầu tư công nghệ số

Theo Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Nam Định: Hiện nay, 100% các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đầu tư máy tính kết nối mạng internet băng thông rộng qua ADSL hoặc cáp quang, sử dụng email để giao dịch với khách hàng và nhà cung cấp. Một số doanh nghiệp đã chú trọng về mặt nhân sự, có cán bộ chuyên trách về CNTT, thương mại điện tử.

3(1).jpg
Nam Định đã có gần 500 sản phẩm của trên 100 doanh nghiệp trên sàn PostMart.vn, Voso.vn (Ảnh minh họa)

Các doanh nghiệp cũng thường xuyên truy cập các trang mạng chuyên ngành để tìm hiểu các chủ trương, chính sách mới. Tìm kiếm đối tác, khai thác tốt các dịch vụ công trực tuyến do cơ quan quản lý Nhà nước cung cấp; tìm hiểu thông tin về các thị trường xuất khẩu trên Cổng thông tin xuất khẩu của tỉnh và Cổng thông tin thị trường nước ngoài của Bộ Công Thương.

Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập trang website, facebook, fanpage để giới thiệu doanh nghiệp và sản phẩm đến thị trường trong và ngoài nước; một số website đã sử dụng 2 ngôn ngữ (tiếng Việt và tiếng Anh), cung cấp các tiện ích như xác nhận đơn hàng qua email, SMS; lọc/tìm kiếm sản phẩm; hỗ trợ trực tuyến, tiếp cận và sử dụng tốt các công cụ về marketing online, đặt hàng, thanh toán. Đã tham gia tiếp cận người tiêu dùng và quảng cáo, bán hàng trên sàn thương mại của tỉnh và tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử lớn có uy tín trong và ngoài nước (Postmart.vn, Voso.vn…).

Theo UBND xã Trực Chính – Trực Ninh – Nam Định: Để thúc đẩy phát triển kinh tế số và xã hội số, địa phương đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng để phổ biến kiến thức kỹ năng số, phát triển thương mại điện tử và an toàn thông tin cũng như đưa sản phẩm tiêu biểu lên sàn thương mại điện tử, qua mạng xã hội, qua nhóm bán hàng zalo, facebook…

Đặc biệt xã hiện có 3 sản phẩm được đánh giá xếp hạng OCOP 3 sao là sản phẩm Trà củ sen, Tinh bột củ sen, tinh bột sắn dây của Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI được giới thiệu, bán sản phẩm trên các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn quốc. Từ 3 sản phẩm này, hiện tại Công ty đã nhân rộng ra hàng chục sản phẩm như tinh bột nghệ và các loại trà thảo mộc khác (trà lá sen, trà bí đao; trà gạo lứt huyết rồng…).

Hiện tại, Công ty bố trí 5 nhân viên chuyên làm nhiệm vụ livestream bán hàng trên các sàn giao dịch thương mại điện tử với hàng trăm đơn hàng đã được giao dịch thành công/ngày. Mô hình kinh doanh của Công ty Cổ phần Nông nghiệp VIAGRI đã nhanh chóng lan tỏa được các hộ sản xuất, kinh doanh trong xã học tập giới thiệu, phân phối tiêu thụ trên các nền tảng mạng xã hội zalo, facebook, youtube và các sàn giao dịch thương mại điện tử, mở ra hướng phát triển thị trường mới cho các sản phẩm của địa phương.

Được biết, để chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành trong xây dựng chính quyền điện tử phục vụ người dân, doanh nghiệp đã tạo sự chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn.

Thời gian tới, Nam Định tiếp tục chỉ đạo thực hiện nâng cao hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số. Tiếp tục tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, doanh nghiệp để đầu tư nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ viễn thông, tiến tới thúc đẩy đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Trung Thành