Nâng tầm giá trị nông sản bản địa Việt từ khởi nghiệp xanh
Hai dự án Nâng cao giá trị trái tắc, bưởi, mãng cầu xiêm và Bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami đạt giải nhất tại cuộc thi Khởi nghiệp Xanh 2024.
36 dự án đến từ 26 tỉnh thành trên khắp cả nước như: An Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Đắk Nông, Nghệ An, Thanh Hóa, Lạng Sơn, Hà Giang... Trong đó, nhiều dự án do phụ nữ làm chủ. Đặc biệt, có nhiều bạn trẻ, thanh niên nông thôn, phụ nữ là đồng bào các dân tộc: Dao, Mông, Mường, Nùng, Tày, Thái, Raglai…
Tham gia cuộc thi năm nay, nhiều dự án triển vọng, khai thác tài nguyên bản địa quê hương như dự án nâng cao giá trị quả mận kết hợp phát triển du lịch cộng đồng tại huyện Bắc Nặm, Bắc Kạn của Cà Thị Bẩy; dự án Than hoạt tính Chapi: Khai thác bền vững và phát triển sinh kế cho đồng bào Raglay; khởi nghiệp với chanh rừng Co Loi - Mẫu Sơn của hai bạn trẻ Tô Phương Quỳnh và Nguyễn Thị Phương Thùy (Lạng Sơn) đang học lớp 12…
Anh Tuấn Anh chủ dự án Các dòng bánh khoai mì dinh dưỡng Cusami đạt giải nhất của cuộc thi chia sẻ, loại bánh đặc biệt này được làm từ 100% củ khoai mì tươi ngon, giàu tinh bột hấp thu chậm, không chứa gluten, rất phù hợp cho người ăn kiêng, người mắc bệnh tiểu đường và những người có vấn đề về tiêu hóa. Hiện dự án đang có hai dòng chính: bánh giò khoai mì, bánh khoai mì nướng.
Hai giải 2 thuộc về dự án “Nâng cao giá trị quả bơ Tây Nguyên - Mỹ phẩm thiên nhiên Pơ Lang”, do nhóm thí sinh Phạm Thị Thu Hằng, Vũ Thị Huệ, Đinh Huy Thắng đến từ Đắk Lắk; và dự án “Ứng dụng khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo trong tổ chức liên kết nuôi heo thảo dược vì sinh theo chuỗi giá trị có kiểm soát" của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hoài Sen, Nguyễn Thị Hiền đến từ tỉnh Quảng Bình.
Ba giải 3 thuộc về dự án “Nâng tầm giá trị của chiếc CHIẾU truyền thống thành những sản phẩm không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại”, do Lê Thị Phương Thảo là chủ dự án (tỉnh An Giang); Dự án “Bảo tồn và phát triển ẩm thực cộng đồng Kontum”, của nhóm thí sinh Nguyễn Đức Hoàng, Nguyễn Ngọc Luyến đến từ tỉnh Kontum; Dự án “Sản phẩm quà tặng thiết kế sang trọng từ rác thải vỏ sò ốc”, của nhóm thí sinh Nguyễn Thị Hồng Lan, Dương Quang Chung, Phan Trần Thanh Trúc đến từ Vũng Tàu.
Ba giải khuyến khích thuộc về các dự án: “Sản xuất trà OolongSen (100% lá sen tươi)”, của nhóm thí sinh Nguyễn Hữu Anh, Nguyễn Thị Hồng Ngọc, Trương Thị Ngọc Như đến từ tỉnh Đồng Tháp; Dự án “Thương hiệu Cỏ Cây Hoa Lá" của nhóm thí sinh Tô Mỹ Linh, Nguyễn Thị Ngọc Bích đến từ Hà Nội; và dự án “Đà Giang food - Thực phẩm sạch từ trang trại đến bàn ăn kết hợp du lịch trải nghiệm trên lòng hồ Hòa Bình" của nhóm thí sinh Trịnh Thanh Hòa, Nguyễn Mai Hồng, Đinh Thị Mai đến từ tỉnh Hòa Bình.
Tổng giá trị giải thưởng của cuộc thi là hơn 960 triệu đồng (trong đó 222 triệu đồng tiền mặt cho các ý tưởng/dự án đạt giải ở cả hai bảng A - B). Bên cạnh đó, tương ứng với những giải đạt được, các ý tưởng/dự án còn có thêm cơ hội tham gia hội chợ quốc tế có liên quan đến nông nghiệp - công nghệ thực phẩm cùng Trung tâm BSA; Tham gia các lớp học nâng cao kiến thức về phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, thực hành tiêu chuẩn; tham gia kỳ study tour trong nước (học thực tế tại doanh nghiệp, nông trường, trang trại có chuyên gia huấn luyện trong 2-3 ngày); Các phiếu mua vật tư nông nghiệp; tham gia Phiên chợ Khởi nghiệp xanh; thực hiện các clip truyền thông ngắn giới thiệu doanh nghiệp…
Bà Vũ Kim Hạnh, Bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh doanh và Hỗ trợ Doanh nghiệp (BSA) cho biết, sau khi các bạn trẻ tham gia vào chương trình này, bất kể có đến được chung kết hay không, các bạn đều được tham gia vào các bussiness tour, cuộc triển lãm… Tham gia cuộc thi năm nay các dự án có cơ hội kết nối với thị trường quốc tế, đây cũng là dịp các dự án có thể sớm tiếp cận với tiêu chuẩn và thị trường quốc tế.