Doanh nghiệp

Liên kết doanh nghiệp và nông dân để chè Việt tránh “bẫy giá rẻ”

Thy Hằng 11/11/2024 15:46

Để tránh "bẫy giá rẻ" của thế giới, cần thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho chè Việt, tập trung liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 123.800 tấn, với kim ngạch 217,7 triệu USD, tăng 32,1% về khối lượng và tăng 33,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá chè xuất khẩu bình quân 10 tháng năm 2024 ước đạt 1.758 USD/tấn, tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng năm 2024 qua, Pakistan (chiếm thị phần 40%), Đài Loan (thị phần 10,1%) và Trung Quốc (thị phần 8%) là 3 thị trường xuất khẩu chè lớn nhất so với Việt Nam.

che.jpg
Trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu chè đạt 123.800 tấn, với kim ngạch 217,7 triệu USD, tăng 32,1% về khối lượng và tăng 33,8% về giá trị.

Ông Nguyễn Quốc Mạnh, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, ngành chè thu hút lực lượng lao động lớn với hơn 6 triệu người từ 34 tỉnh, thành phố. Việt Nam có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp cho ngành chè phát triển, với những thương hiệu chè nổi tiếng như: Shan tuyết (Hà Giang), Suối Giàng (Yên Bái), chè B’lao, Ô long Cầu Đất (Lâm Đồng)... Sản phẩm chè của Việt Nam đã xuất khẩu tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo ông Mạnh, sản lượng chè những năm qua có xu hướng tăng dù diện tích giảm nhẹ, bởi năng suất tăng. Cụ thể, sản lượng chè đạt 1 triệu tấn năm 2015 tăng lên 1,125 triệu tấn năm 2023. Theo phân vùng sản xuất, sản lượng chè của Việt Nam tập trung chính tại miền núi phía Bắc và Tây Nguyên với tỷ lệ lần lượt là 74,7% và 10,94%.

“Trong tổng số 194 nghìn tấn chè sản xuất trong năm 2022, xuất khẩu chè ước đạt 146 nghìn tấn, trị giá 237 triệu USD; chè tiêu thụ trong nước khoảng 48 nghìn tấn, trị giá khoảng 7.500 tỷ đồng (tương đương với 325 triệu USD). Như vậy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, nhưng giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn”, ông Mạnh cho biết.

Dù đạt được những thành quả nhất định. Tuy nhiên, khi nhìn vào bức tranh chung của ngành nông nghiệp sẽ dễ dàng nhận thấy, 10 tháng đầu năm, trong khi xuất khẩu rau quả, cà phê đã có kim ngạch vượt trên 5 tỷ USD/năm, thì mặt hàng chè chỉ khoảng 200 - 300 triệu USD/năm. Hơn nữa, giá chè xuất khẩu bình quân cũng chỉ đạt 1.750 USD/tấn, bằng 1/2 so với thế giới.

Và điều nghịch lý hơn nữa, là giá chè xuất khẩu hiện chỉ bằng 1/3 so với giá chè tiêu thụ trong nước. Hiện giá bán chè trong nước dao động từ 120.000 đồng đến 800.000 đồng/kg, tùy thuộc vào loại trà và thương hiệu.

Lý giải về giá bán chè xuất khẩu quá thấp so với chè tiêu thụ trong nước, Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, chè xuất khẩu thường chỉ là chè thô, đóng trong bao lớn, không có nhãn mác. Các đối tác nhập khẩu mua về sau đó đóng gói nhỏ, dán nhãn mác của họ rồi đem đi tiêu thụ. Do đó, người tiêu dùng chè ở các nước không biết đó là chè có xuất xứ từ Việt Nam.

anh-man-hinh-2024-11-05-luc-223320-4606.jpeg
Giá chè xuất khẩu bình quân chỉ đạt 1.750 USD/tấn, bằng 1/2 so với thế giới, bằng 1/3 so với giá chè tiêu thụ trong nước.

Ông Hoàng Vĩnh Long, Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam cho biết, thế giới nhìn nhận chè Việt Nam là thị trường giá rẻ và tìm kiếm lợi nhuận tại đây. Trong khi đó, người làm chè đang ở tình trạng dễ mua, dễ bán nên không trau chuốt, tự làm mới mình, mà chỉ tập trung sản xuất để đạt thỏa thuận mua bán trước mắt. Đây là lý do chè Việt Nam dễ rơi vào “bẫy giá rẻ” của thế giới.

“Tiêu thụ nội địa, chúng ta làm rất tốt, như tại các tỉnh Thái Nguyên, Hà Giang, Sơn La, Thái Nguyên, giá bán chè ở mức 7 USD - 20 USD/kg. Như vậy, hòa chung với giá tiêu thụ nội địa, giá chè trung bình khoảng 4 USD/kg. Trong khi đó, giá chè xuất khẩu bình quân chỉ là 1,75 USD/kg”, ông Long nêu thực tế.

Bên cạnh đó, khi phân tích vấn đề thị trường, EU hiện là thị trường nhập khẩu chè lớn nhất thế giới, tuy nhiên Việt Nam lại chưa thể hiện được dấu ấn lớn tại đây, 4 tháng đầu năm, trị giá nhập khẩu chè của EU từ Việt Nam chỉ chiếm 0,19% tổng trị giá nhập khẩu.

Trong khi đó, EU đang ngày càng đặt ra nhiều quy định hơn về kinh tế xanh, sạch, đòi hỏi các doanh nghiệp xuất khẩu phải cập nhật thông tin để đáp ứng đúng nhu cầu tiêu dùng tại thị trường này.

Cùng với đó, tại thị trường xuất khẩu lớn nhất của chè Việt là Pakistan thì tỷ trọng nhập khẩu chè của Pakistan từ Việt Nam vẫn còn thấp và đang có xu hướng giảm do nhiều rào cản, đặc biệt là thiếu thông tin thị trường, nên doanh nghiệp chè Việt Nam khó tiếp cận và khó có những đơn hàng lớn với các doanh nghiệp Pakistan.

Do đó, ông Long cho rằng phải thay đổi tư duy để tìm con đường thương mại mới cho chè Việt. Ông Long cho rằng hiện nay tại Việt Nam, có nhiều nhà máy nhỏ chắp vá đang rơi vào bẫy giá rẻ do thời gian dài chưa có đổi mới.

“Vì vậy, để khắc phục hiện trạng này, cần tập trung liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân, chính quyền địa phương. Tất cả cần vào cuộc để khai thác tiềm năng, bỏ tư duy dìm giá, phân tán thị trường”, ông Long kiến nghị.

Để mở rộng thị phần chè trên thị trường thế giới, các chuyên gia cũng cho rằng, ngành chè Việt Nam cần tập trung vào nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, đẩy mạnh sản xuất chè cao cấp, chè hữu cơ, chè an toàn, chú trọng vào quy trình chế biến và đóng gói hiện đại, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Cùng với đó, cần tăng cường quảng bá thương hiệu chè Việt Nam ra thị trường quốc tế, tham gia các hội chợ, triển lãm chè uy tín để giới thiệu sản phẩm và kết nối với đối tác tiềm năng.

Theo nghiên cứu từ Research and Markets cho thấy, thị trường chè toàn cầu đạt 24,3 tỷ USD trong năm 2016, dự kiến sẽ đạt 37,5 tỷ USD vào năm 2025. Mức tăng trưởng của ngành chè ngày càng cao do lối sống thay đổi và tăng nhận thức của người tiêu dùng về việc uống chè có lợi cho sức khỏe. Chè cao cấp uống tại nhà, chè có lợi cho sức khoẻ, chè pha lạnh… được dự báo sẽ là những dòng sản phẩm dẫn dắt thị trường trong giai đoạn tới.

Thy Hằng