Từ chiến thắng của ông Trump nghĩ về lợi thế và thách thức của Việt Nam
Với chiến thắng của ông Trump và chính sách đối ngoại cứng rắn của ông, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có những dịch chuyển nào, và lợi thế của Việt Nam nằm ở đâu?
Ông Donald Trump sẽ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ vào tháng 1/2025, đánh dấu việc chính thức trở lại Nhà Trắng nơi ông từng giữ vai trò Tổng thống thứ 45.
Với sự chuyển giao lịch sử này, ông Trump mang đến cam kết tái thúc đẩy chính sách kinh tế bảo hộ với trọng tâm là dấy mạnh làn sóng thuế quan mới nhắm vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và các quốc gia khác, tiếp nối chính sách thương mại “Nước Mỹ trên hết” mà ông đã áp dụng trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017-2021).
Chiến lược thuế quan của ông Trump bắt đầu vào năm 2018 với mức thuế 25% áp dụng lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, gây leo thang cuộc chiến thương mại âm ỉ nhiều thập kỷ nay với chính quyền Bắc Kinh. Mức thuế này có thể được nâng lên từ 10% đến 20% đối với hàng nhập khẩu nói chung và lên đến 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc, nhằm khuyến khích sản xuất trong nước, bảo vệ sở hữu trí tuệ và giảm thiểu phụ thuộc vào chuỗi cung ứng quốc tế.
Không thể bỏ qua những thách thức mà xu hướng bảo hộ thương mại và các chính sách của chính quyền Trump sẽ mang lại. Như trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump tỏ ra đặc biệt nhạy cảm với các quốc gia có thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, trong đó có Việt Nam. Trong quá khứ, Việt Nam đã từng trở thành tâm điểm của các hoạt động chuyển giao trái phép khi một số công ty dán nhãn "Made in Vietnam" lên hàng hóa Trung Quốc để tránh thuế của ông Trump vào năm 2019. Năm 2020, Việt Nam cũng bị dán nhãn "thao túng tiền tệ" do định giá thấp đồng tiền, tạo ra thâm hụt thương mại với Hoa Kỳ. Nếu ông Trump tiếp tục áp đặt mức thuế nhập khẩu diện rộng, hàng hóa từ Việt Nam cũng sẽ chịu tác động tiêu cực đáng kể.
Châu Á phụ thuộc lớn vào thương mại toàn cầu, và không chỉ Trung Quốc, mà Singapore, Malaysia, và Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng. Nhiều nước lo ngại rằng, với quan điểm cứng rắn của ông Trump đối với Trung Quốc, các quốc gia và doanh nghiệp có đầu tư lớn từ Trung Quốc, trong đó có Việt Nam, cũng có thể sẽ phải đối mặt với các biện pháp hạn chế thương mại. Cuối nhiệm kỳ đầu của ông Trump, thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam gần 70 tỷ USD, hiện nay mức thâm hụt thương mại này còn cao hơn trước, hiện đã đạt 86,2 tỷ USD cho 10 tháng đầu năm nay. So với các tổng thống trước, ông Trump có thể sẽ đối xử khắt khe hơn với các quốc gia có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, với một phiên bản "Nước Mỹ trên hết" còn mạnh tay hơn lần trước.
Vậy, với chiến thắng của ông Trump và chính sách đối ngoại cứng rắn của ông, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ có những dịch chuyển nào, và lợi thế của Việt Nam nằm ở đâu?
Thuế cao đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể khiến các doanh nghiệp Mỹ chuyển sản xuất về nước hoặc dịch chuyển một phần chuỗi cung ứng sang các nước khác, tạo cơ hội cho Việt Nam. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại và xung đột địa chính trị khiến chi phí giao dịch và vận chuyển gia tăng, Đông Nam Á (bao gồm Việt Nam) cùng với Ấn Độ đang trở thành những điểm đến thay thế quan trọng. Các nước này không chỉ là thị trường lớn mà còn có chi phí lao động cạnh tranh hơn so với Trung Quốc. Việt Nam đặc biệt hấp dẫn nhờ chi phí lao động còn thấp và chính sách mở, thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Điều này giúp Việt Nam trở thành điểm đến lý tưởng cho các doanh nghiệp muốn đa dạng hóa sản xuất và giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tương tự, Ấn Độ có lợi thế về nguồn lao động giá rẻ và cả lao động tay nghề cao, đáp ứng tốt các chuỗi giá trị cao trong lĩnh vực điện tử và dịch vụ.
Với chính sách đối ngoại cứng rắn của ông Trump, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sẽ càng mạnh mẽ hơn, mang lại lợi ích cho Việt Nam. Khi các tập đoàn quốc tế chuyển chuỗi cung ứng và nhà máy sản xuất sang Việt Nam, doanh nghiệp Việt có cơ hội lớn để mở rộng hợp tác, tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và nâng cao vị thế. Những cơ hội lớn bao gồm việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho các tập đoàn lớn, đặc biệt là nếu có thể tham gia vào chuỗi giá trị xanh và bền vững. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp Việt tiếp cận các kỹ năng, phương pháp quản lý tiên tiến và khai thác các cơ hội sản xuất theo tiêu chuẩn chuỗi giá trị toàn cầu. Vấn đề đặt ra là liệu doanh nghiệp Việt đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội này chưa?
Theo mô hình Smiling Curve (do ông Stan Shih, chủ tịch hãng máy tính Acer phát triển năm 1992), các doanh nghiệp Việt Nam tập trung ở công đoạn lắp ráp (Manufacturing) - vốn tạo ra giá trị gia tăng thấp. Công đoạn này đòi hỏi lao động cường độ cao, tức là vốn trên mỗi lao động thấp. Doanh nghiệp gia công lắp ráp phải đối mặt với các yêu cầu khắt khe từ nhà cung cấp nguyên liệu và nhà phân phối, thương hiệu, làm suy yếu khả năng đàm phán trong chuỗi giá trị.
Nghịch lý là tỷ trọng xuất khẩu dựa trên gia công lắp ráp từ nguyên liệu nhập khẩu của doanh nghiệp Việt đã tăng mạnh những năm qua, từ 3 tỷ USD (21,44% tổng kim ngạch xuất khẩu) năm 2000 lên 171,5 tỷ USD (48,01%) năm 2022. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ là 13,51% cho Trung Quốc, 28,96% cho Thái Lan, 34,25% cho Singapore và 26,38% cho Malaysia. Đặc biệt là các nước này đều ghi nhận sự sụt giảm tỷ lệ qua các năm, trái với xu hướng của Việt Nam.
Vị trí thấp trong chuỗi giá trị khiến doanh nghiệp Việt gặp khó khăn trong cạnh tranh, lợi nhuận thấp, và khó mở rộng thị trường quốc tế. Hơn nữa, phần lớn nguyên liệu đầu vào đều nhập khẩu, khiến tỷ lệ giá trị gia tăng nội địa trên tổng sản lượng xuất khẩu thấp. Tỷ lệ giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đã giảm từ 69% năm 2000 xuống còn 52% năm 2020 - một xu hướng không xuất hiện ở các nước ở trình độ phát triển tương đương.
Điều cốt lõi là Việt Nam cần nâng tầm vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu, không chỉ dừng lại ở công đoạn gia công lắp ráp. Đây cũng là khuyến nghị chính sách lâu nay - doanh nghiệp Việt cần tham gia sản xuất các sản phẩm cường độ vốn cao hơn hoặc tích hợp theo chiều dọc, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo giá trị gia tăng cho quốc gia. Nếu doanh nghiệp không thể tự "nâng cấp" vị thế, chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giúp họ tiến xa hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Điều quan trọng là nâng cao năng lực quản lý và chất lượng lao động nhằm đáp ứng nhu cầu của các tập đoàn lớn và nhà đầu tư. Giải pháp tiếp theo là đầu tư phát triển nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp.
Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không kịp thời chuyển mình, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam – vốn có thể được thúc đẩy bởi đường lối đối ngoại của ông Trump – có nguy cơ dẫn đến một vấn đề nghiêm trọng: tỷ trọng của các ngành công nghiệp giá trị thấp sẽ tiếp tục gia tăng. Hiện tại, các ngành công nghiệp công nghệ thấp chiếm khoảng 65-70% trong lĩnh vực chế biến chế tạo tại Việt Nam, so với mức chỉ 18% trên toàn cầu. Điều này khiến giá trị gia tăng từ xuất khẩu vẫn ở mức thấp, và các doanh nghiệp Việt Nam vẫn bị giới hạn ở vị trí thấp nhất trong chuỗi giá trị. Kết quả là, Việt Nam có nguy cơ trở thành một "xưởng lắp ráp" mới của thế giới, thay vì nâng cao vị thế và giá trị trong chuỗi cung ứng toàn cầu.