Tài chính số

Chiến thắng của ông Trump ảnh hưởng thế nào đến tiền điện tử và tài sản kỹ thuật số?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam 11/11/2024 19:33

Chính quyền mới của ông Donald Trump được dự đoán sẽ mang đến những cách tiếp cận mới mẻ và có thể làm thay đổi sâu sắc bức tranh tài chính kỹ thuật số toàn cầu.

2. TS Nguyễn Tấn Sơn - RMIT
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn

Môi trường cởi mở với tiền điện tử

Chính phủ mới được dự đoán sẽ tạo ra một bầu không khí cởi mở hơn với tiền điện tử. Một điểm quan trọng trong tầm nhìn của ông Trump là kế hoạch xây dựng “kho dự trữ Bitcoin” của chính phủ liên bang. Giống như các tài sản truyền thống như vàng, kho dự trữ này sẽ đóng vai trò như một công cụ bảo vệ chống lạm phát và cung cấp một công cụ mới giúp giảm nợ công. Trong vòng năm năm, chính phủ liên bang sẽ dần dần tích lũy lượng Bitcoin đến khoảng 5% tổng cung toàn cầu, tạo điều kiện để Mỹ trở thành một bên tham gia chiến lược trong thị trường tiền điện tử. Ông Trump cũng đề xuất miễn thuế lợi tức vốn cho các giao dịch Bitcoin, điều này có thể kích thích một làn sóng đầu tư mới từ cả các nhà đầu tư cá nhân và tổ chức.

Tái cấu trúc quy định về tiền điện tử

Không chỉ dừng lại ở việc tích lũy Bitcoin, ông Trump còn đề xuất giảm bớt vai trò của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC) trong việc điều chỉnh thị trường tiền điện tử bằng việc thay thế Chủ tịch SEC Gary Gensler, người đã kiên quyết ủng hộ các quy định nghiêm ngặt hơn về tài sản số. Thay vào đó, quyền giám sát có thể được chuyển sang các cơ quan như Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC), nhằm tạo ra một khung pháp lý hỗ trợ tốt hơn cho các công ty và nhà đầu tư blockchain. Điều này nằm trong cam kết của ông Trump nhằm chấm dứt cái mà ông gọi là “chiến dịch chống tiền điện tử”, khuyến khích một môi trường pháp lý thân thiện hơn để ngành công nghiệp này phát triển.

Từ chối tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC)

Một điểm nổi bật trong tầm nhìn về tài sản số của ông Trump là sự phản đối mạnh mẽ tiền kỹ thuật số ngân hàng trung ương (CBDC). Ông Trump đã bày tỏ lo ngại về khả năng giám sát tài chính của chính phủ qua CBDC, điều này có thể xâm phạm quyền riêng tư của người dân. Với việc tập trung vào các đồng tiền điện tử phi tập trung tư nhân, ông Trump thể hiện sự ưu tiên cho quyền riêng tư của công dân hơn là các đồng tiền số do nhà nước kiểm soát. Điều này đặt Mỹ ở vị thế đối lập với các quốc gia như Trung Quốc, nơi đang dẫn đầu về phát triển đồng nhân dân tệ kỹ thuật số để tăng cường giám sát tài chính và bảo đảm an ninh kinh tế.

Ảnh màn hình 2024-11-11 lúc 19.30.41
Chiến thắng của ông Trump đánh dấu một bước tiến quan trọng đối với ngành công nghiệp tiền điện tử.

Căng thẳng trong bức tranh tiền điện tử toàn cầu

Lập trường của ông Trump về tiền điện tử có thể gây ra căng thẳng với các quốc gia đang thắt chặt quản lý tiền điện tử. Ví dụ, Liên minh châu Âu gần đây đã thông qua quy định Thị trường Tài sản tiền điện tử (MiCA), đưa ra các yêu cầu nghiêm ngặt cho các nền tảng, nhà phát hành token và các đơn vị giao dịch nhằm giảm thiểu rủi ro trong không gian tiền điện tử, bảo vệ người tiêu dùng và tuân thủ quy định chống rửa tiền (AML). Việc Mỹ nghiêng về hướng thân thiện với tiền điện tử có thể dẫn đến việc các nhà đầu tư dịch chuyển dòng vốn đầu tư ra khỏi các khu vực có quy định chặt chẽ như EU và Nhật Bản. Vì vậy, các chính sách của ông Trump có thể biến Mỹ thành “thiên đường tiền điện tử”, nhưng cũng có nguy cơ tạo ra mâu thuẫn với các quốc gia chọn con đường quản lý nghiêm ngặt, tác động đến quan hệ tài chính xuyên biên giới.

Tác động kinh tế và môi trường

Cam kết của ông Trump trong việc biến Mỹ thành trung tâm khai thác tiền điện tử, như một phần của chiến lược độc lập năng lượng, cũng là một yếu tố đáng chú ý. Chính sách này có thể thu hút các doanh nghiệp từ các quốc gia có hạn chế về năng lượng hoặc áp thuế carbon đối với hoạt động khai thác tiền điện tử. Tuy nhiên, việc khuyến khích hoạt động này có thể dẫn đến chỉ trích về mặt môi trường, do khai thác Bitcoin là một quá trình tiêu thụ nhiều năng lượng. Điều này có thể gây ra xung đột giữa các mục tiêu kinh tế và các tiêu chuẩn môi trường nghiêm ngặt, cũng như mở rộng khoảng cách chính sách giữa các quốc gia.

Tác động toàn cầu

Khi thế giới tiếp tục đối mặt với những thách thức trong việc quản lý tiền điện tử và tài sản số, nhiệm kỳ của ông Trump có thể tạo ra một hướng đi khác biệt cho Mỹ. Chính sách thân thiện với tiền điện tử của ông Trump có thể thúc đẩy ngành này phát triển trong nước nhưng cũng có thể gây ra những xung đột chính sách với nhiều quốc gia khác, tạo ra những cơ hội và thách thức mới trong tài chính kỹ thuật số toàn cầu.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Sơn, Chủ nhiệm cấp cao bộ môn Kế toán và Luật, Khoa Kinh doanh, Đại học RMIT Việt Nam