Xuất khẩu thuỷ sản ra sao khi ông Trump tái đắc cử?
Việt Nam có thể là nhà cung cấp thay thế Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Mỹ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp thủy sản Việt phải duy trì chất lượng, chế biến sâu.
Việc ông Donald Trump chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2024 cùng với những chính sách cam kết thực hiện để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ mà tập trung chủ yếu vào việc giảm thuế trong nước và tăng thuế nhập khẩu dự báo mang đến nhiều dự báo mang đến nhiều biến động tới nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt trong lĩnh vực xuất khẩu thuỷ sản của Việt Nam.
Cụ thể, việc ông Donald Trump chính thức trở lại Nhà Trắng lần 2 sẽ mang đến nhiều tác động quan trọng đối với Việt Nam, trong đó có ngành xuất khẩu cá tra. Những chính sách kinh tế của ông Trump, như tăng thuế nhập khẩu, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thu hút FDI về Mỹ, dự kiến sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngành nghề và lĩnh vực của Việt Nam.
Nhìn lại quá trình từ năm 2019-2023 của thủy sản Việt Nam, cá tra là sản phẩm trong top 5 sản phẩm được xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ, đứng sau các mặt hàng: thiết bị điện tử, dệt may, gỗ, thép, chất dẻo.
Mỹ đồng thời là một trong những nhà nhập khẩu thủy sản, nhập khẩu cá tra nhiều nhất Việt Nam. Do đó, việc Mỹ có Tổng thống mới, đi kèm với các chính sách mới, tác động rất lớn đến các bước đi tiếp theo của doanh nghiệp xuất khẩu.
Trước đó, theo kết luận POR 20 sơ bộ, 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc nhận mức thuế chống bán phá giá là $0,00/kg. 06 doanh nghiệp còn lại đều đủ điều kiện được nhận mức thuế riêng rẽ ở mức $0,00/kg. Kết quả sơ bộ trên khá tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra-basa của Việt Nam khi cả 08 công ty trong cuộc rà soát đều nhận mức thuế $0,00/kg. Mức thuế trên đã giảm so với mức thuế chính thức của cuộc rà soát POR19 trước đó là từ $0,00/kg đến $0,18/kg.
Ngành xuất khẩu cá tra Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng 2 mặt từ chính sách của chính quyền Trump. Với tôn chỉ “nước Mỹ trên hết”, chính sách tăng thuế nhập khẩu lên 10 - 20% với tất cả các nước, gồm cả Việt Nam sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh hàng Việt Nam so với hàng nội địa Mỹ. Ngoài ra, trường hợp Trung Quốc bị đánh thuế cao sẽ tạo ra khoảng trống, từ đó tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ và chiếm lĩnh thị phần.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, nửa đầu tháng 10/2024, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ đạt 19 triệu USD, tăng 89% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế xuất khẩu cá tra sang thị trường này tính đến ngày 15/10/2024 đạt 275 triệu USD, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023.
9 tháng đầu năm nay, phile đông lạnh mã HS 0304 vẫn là sản phẩm cá tra chủ lực Mỹ nhập khẩu từ Việt Nam với 245 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 96% tỷ trọng.
Không còn sụt giảm như quý trước đó, quý III/2024, xuất khẩu các sản phẩm cá tra khô và sản phẩm đông lạnh khác (nguyên con, cắt khúc, bong bóng,..) sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng dương trở lại, với giá trị hơn 1,3 triệu USD, tăng 76% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu các sản phẩm này đạt hơn 3,2 triệu trong 9 tháng đầu năm 2024, tăng 3% so với cùng kỳ và chiếm 1% tỷ trọng.
Đáng chú ý, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá tra GTGT sang Mỹ tiếp tục ghi nhận tăng trưởng ấn tượng, với giá trị đạt gần 8 triệu USD, tăng 1.666% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 3% tỷ trọng trong tổng xuất khẩu các sản phẩm cá tra sang Mỹ.
Bên cạnh cá tra, tôm cũng là sản phẩm được cho là có cơ hội lớn từ bước chuyển lịch sử này của Hoa Kỳ. Cùng với cơ hội lớn cho tôm Việt thay thế sản phẩm từ Trung Quốc, ngoài ra, Trung Quốc, với việc giảm nhập khẩu thủy sản từ Mỹ, có thể chuyển sang nhập khẩu sản phẩm thủy sản từ Việt Nam để thay thế.
Chuyên gia từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản nhận định, chiến tranh thương mại gia tăng, chuỗi cung ứng toàn cầu có thể bị xáo trộn, tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một nguồn cung thay thế đáng tin cậy cho các quốc gia muốn tránh thuế quan cao từ Mỹ, đặc biệt là các sản phẩm thủy sản. Vì vậy, Việt Nam có thể được lựa chọn làm nhà cung cấp thay thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa những cơ hội này, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần duy trì chất lượng sản phẩm cao, tăng cường chế biến sâu và khai thác các hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Mặc dù Việt Nam có thể tận dụng một số cơ hội từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng đồng thời, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cũng phải đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại của Mỹ. Các biện pháp này có thể bao gồm thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp và các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng sản phẩm.
Dù kết quả thuế chống bán phá giá đối với tôm, cá tra và thuế chống trợ cấp với tôm Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có xu hướng thuận lợi hơn trong năm 2024, các doanh nghiệp vẫn cần thận trọng và có chiến lược khi xuất khẩu sang thị trường này. Chính phủ Mỹ dưới thời Trump đã tăng cường các biện pháp bảo vệ liên quan đến an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn chất lượng. Điều này có thể gây khó khăn cho các nhà xuất khẩu thủy sản Việt Nam khi phải tuân thủ các tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, dẫn đến tăng chi phí sản xuất và kiểm tra.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hộ và hàng rào thuế quan của Mỹ cũng có thể khiến cạnh tranh gia tăng giữa Việt Nam và các quốc gia xuất khẩu thủy sản khác như Ấn Độ, Ecuador, hay Indonesia, những đối thủ lớn trong ngành thủy sản.
Để tăng trưởng xuất khẩu thủy sản sang Mỹ trong bối cảnh thay đổi chính sách thương mại quốc tế, chuyên gia cho rằng, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần chủ động và linh hoạt trong việc thích ứng với các yếu tố biến động của thị trường.
Các sản phẩm thủy sản xuất khẩu phải tuân thủ đầy đủ các quy định của FDA (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ), bao gồm các tiêu chuẩn về vệ sinh, an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh. Đồng thời, các doanh nghiệp cần đảm bảo các tiêu chuẩn về sản xuất bền vững và kiểm soát chất lượng nghiêm ngặt từ khâu nuôi trồng đến chế biến để đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường Mỹ.
Khách hàng và người tiêu dùng Mỹ ngày càng quan tâm đến các vấn đề liên quan đến bền vững, bảo vệ môi trường và trách nhiệm xã hội. Do đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nên áp dụng các phương pháp nuôi trồng bền vững, như nuôi tôm sạch, và nuôi trồng thủy sản theo các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, ASC, MSC) để nâng cao uy tín và đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Các doanh nghiệp cần cung cấp thông tin minh bạch về quá trình sản xuất, nguồn gốc nguyên liệu và các tiêu chuẩn chất lượng. Điều này sẽ giúp xây dựng lòng tin với người tiêu dùng và đối tác ở Mỹ, đồng thời đáp ứng nhu cầu của các nhà phân phối, siêu thị và các hệ thống bán lẻ lớn tại Mỹ.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, có chiến lược sản xuất và kinh doanh hiệu quả với giá thành sản phẩm phải hợp lý và minh bạch. Đồng thời, doanh nghiệp cần có các kế hoạch ứng phó nhanh chóng với các thay đổi về thuế quan và biện pháp thương mại của Mỹ.