Nghiên cứu - Trao đổi

Đề xuất áp thuế với hàng nhập giá trị nhỏ: Các chuyên gia nói gì?

Khôi Nguyên 12/11/2024 11:05

Đề xuất bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập giá trị dưới 1 triệu đồng được nhiều chuyên gia nhận định là phù hợp với thực tế và ngăn ngừa gian lận thương mại…

de-xuat-ap-thue-voi-hang-nhap-gia-tri-nho-cac-chuyen-gia-noi-gi-1.jpg
Việc bãi bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp sẽ tạo sự công bằng trong kinh doanh, góp phần ngăn ngừa gian lận thương mại và trốn thuế với hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Ảnh minh hoạ

Phù hợp với thông lệ quốc tế

Như đã thông tin, tại Tờ trình số 127/TTr-BTC ngày 27/10/2010 trình Thủ tướng Chính phủ về dự thảo Quyết định định mức hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế (Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg), Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng về quy định miễn thuế nhập khẩu và GTGT qua dịch vụ chuyển phát nhanh, căn cứ vào Công ước Kyoto về hài hòa và đơn giản hóa thủ tục hải quan mà Việt Nam đã ký kết.

Theo Công ước, pháp luật quốc gia phải quy định trị giá tối thiểu hoặc mức thuế tối thiểu mà dưới đó sẽ không thu thuế hải quan và thuế khác. Bối cảnh thực tế Việt Nam giai đoạn năm 2010 đặt ra yêu cầu có các chính sách phù hợp nhằm đơn giản hóa thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp nhưng số lượng lớn qua chuyển phát nhanh, để tạo thuận lợi cho thương mại phát triển.

Do đó, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng quyết định miễn thuế nhập khẩu và GTGT cho hàng hóa có trị giá dưới 1 triệu đồng (tương đương khoảng 50 USD), với mục tiêu đơn giản thủ tục hải quan, thực hiện cam kết quốc tế và phù hợp với thực tế trị giá hàng hóa nhập khẩu qua chuyển phát nhanh lúc bấy giờ – chủ yếu trị giá vào khoảng 1 triệu đồng, chiếm 60-70% tổng số lượng.

Tại Tờ trình số 127/TTr-BTC, Bộ Tài chính cũng kiến nghị không miễn thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) cho các mặt hàng chịu TTĐB như thuốc lá, rượu, bia, nhằm hạn chế nhập khẩu những sản phẩm không khuyến khích này. Đề xuất của Bộ tham khảo kinh nghiệm của một số nước khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, trong đó mức trị giá miễn thuế trung bình tại thời điểm đó vào khoảng 130 USD.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính nhận định hoạt động thương mại quốc tế gần đây đã có nhiều thay đổi. Nhiều quốc gia như Anh, Singapore, Thái Lan và các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đã loại bỏ quy định miễn thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp để bảo vệ nguồn thu và thực hành thương mại công bằng. Cụ thể, EU đã xóa bỏ quy định miễn thuế GTGT với lô hàng giá trị dưới 22 euro; Anh bãi bỏ miễn thuế GTGT với hàng dưới 135 bảng từ ngày 1/1/2021; Singapore cũng áp dụng tương tự từ ngày 1/1/2023, và Thái Lan thu thuế GTGT với mọi hàng hóa nhập khẩu không phân biệt giá trị từ ngày 1/5/2024.

Cùng với đó, các chuyên gia tại các hội thảo về tạo thuận lợi thương mại cũng khuyến nghị Việt Nam cân nhắc loại bỏ quy định miễn thuế GTGT với hàng hóa nhập khẩu giá trị thấp, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bộ Tài chính vì vậy đã đưa nội dung này vào dự thảo Nghị định quản lý hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua thương mại điện tử, đồng thời xin ý kiến các tổ chức và cá nhân liên quan, đã được Bộ Tư pháp thẩm định và báo cáo Chính phủ.

Dù vậy, để ban hành và triển khai Nghị định này đòi hỏi cần hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả và đồng bộ. Do đó, Bộ Tài chính đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đẩy nhanh việc chuẩn bị hạ tầng công nghệ. Đồng thời, Bộ cũng đang khẩn trương xây dựng hồ sơ đề xuất bãi bỏ Quyết định số 78/2010/QĐ-TTg về miễn thuế cho hàng nhập khẩu giá trị dưới 1 triệu đồng để trình cấp có thẩm quyền, không chờ tiến độ hoàn thành dự án Nghị định, nhằm đảm bảo các chính sách quản lý phù hợp với thông lệ quốc tế trong bối cảnh thương mại điện tử xuyên biên giới đang phát triển mạnh.

Theo Bộ Tài chính, bãi bỏ quy định miễn thuế với hàng nhập khẩu giá trị thấp sẽ tạo sự công bằng trong kinh doanh, góp phần ngăn ngừa gian lận thương mại và trốn thuế với hàng hóa nhập khẩu qua biên giới. Bộ cũng cho biết sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phòng, chống gian lận thương mại, trốn thuế, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để hoàn thiện các quy định mới phù hợp với thực tiễn quốc tế.

de-xuat-ap-thue-voi-hang-nhap-gia-tri-nho-cac-chuyen-gia-noi-gi-2.png
Các giao dịch dưới 1 triệu phải chiếm từ 80 - 90% toàn bộ các giao dịch thông qua các sàn. Như vậy, việc không ưu đãi thuế sẽ trả lại đúng bản chất là có kinh doanh thì phải đóng thuế. Ảnh minh hoạ

Tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng

Ủng hộ quan điểm của Bộ Tài chính, TS Ngô Minh Hải, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP Hồ Chí Minh cũng nhận định, các giao dịch dưới 1 triệu phải chiếm từ 80 - 90% toàn bộ các giao dịch thông qua các sàn. Như vậy, việc không ưu đãi thuế sẽ trả lại đúng bản chất là có kinh doanh thì phải đóng thuế. Và đây là nguồn thu rất lớn cho cơ quan quản lý và hệ thống thuế Việt Nam.

Cũng theo vị chuyên gia này, nhiều nước trên thế giới đã bỏ quy định miễn thuế với hàng hóa có giá trị nhỏ được nhập khẩu qua các sàn thương mại điện tử. Ở nước ta, Chính phủ mới đây cho biết cũng sẽ bãi bỏ Quyết định 78 năm 2010 và đưa vào quy định tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) rằng hàng hóa nhỏ phải nộp thuế. “Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng "xé lẻ" đơn hàng dưới 1 triệu đồng để né thuế, gây thất thu ngân sách và cạnh tranh không lành mạnh”, TS Ngô Minh Hải nói.

Nói về việc cần thiết phải bãi bỏ chính sách miễn thuế với hàng nhập giá trị dưới 1 triệu đồng, TS Nguyễn Quốc Việt - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, việc có một sân chơi trong nước, nhưng quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu dưới 1 triệu xuyên biên giới đã dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá, vì hàng hóa được miễn thuế đó có lợi hơn nhiều.

Đơn cử, đối với hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc, có lợi thế về quy mô và dư thừa công suất, giúp hàng Trung Quốc rẻ hơn, cộng thêm miễn thuế, hàng sản xuất trong nước khó có thể cạnh tranh, nhất là với những doanh nghiệp đầu tư sản xuất hàng mang thương hiệu "Made in Việt Nam". "Do vậy, đây là lý do cần thiết phải bỏ chính sách miễn thuế đối hàng nhập khẩu giá trị nhỏ", ông Việt nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Cúc, chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cũng cho rằng, với sự bùng nổ của thương mại điện tử, hàng hóa nhập khẩu giá trị nhỏ tràn ngập nên việc miễn thuế (gồm thuế nhập khẩu và thuế VAT) với các loại hàng hóa này sẽ gây thất thu thuế rất lớn cho ngân sách. Đặc biệt, quy định này cũng tạo ra sự bất bình đẳng với hàng hóa sản xuất trong nước.

Với việc miễn thuế, về nguyên tắc, bà Cúc cho rằng giá bán đến tay người tiêu dùng sẽ rẻ hơn do không chịu thuế VAT và thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, giá bán trong thực tế là do người bán quyết định. Nên có thể người mua vẫn chịu mức giá như giá hàng hóa trong nước có thuế. Chênh lệch này người bán sẽ được hưởng.

Với quy định này, những người bán hàng sẽ lợi dụng chính sách này mà xé nhỏ đơn hàng xuống dưới 1 triệu đồng/đơn để hàng hóa không chịu thuế. "Tôi tin rằng người ta sẽ không bán rẻ hơn so với hàng sản xuất trong nước mà chịu thuế. Đây chính là sự bất bình đẳng với hàng hóa trong nước và gây thiệt hại cho người mua hàng", bà Cúc nhận định.

Cũng theo bà Cúc, nhiều nước như Singapore, Anh... đã bỏ quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị nhỏ. Do vậy, Việt Nam cũng nên có điều chỉnh cho phù hợp, tức là bỏ quy định miễn thuế đối với hàng nhập khẩu từ 1 triệu trở xuống qua chuyển phát nhanh. “Nói cách khác, tất cả hàng hóa dù giá trị là bao nhiêu khi nhập khẩu qua tất cả các kênh, kể cả qua chuyển phát nhanh, đều phải kê khai nộp thuế bình thường”, bà Cúc nói.

Khôi Nguyên