Việt Nam - Chile thúc đẩy mạnh quan hệ Đối tác Toàn diện
Chuyến thăm của Chủ tịch nước Lương Cường đã khẳng định thông điệp Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ Đối tác Toàn diện với Chile.
Trưa 11/11 (giờ địa phương), Tổng thống Chile Gabriel Boric chủ trì lễ đón chính thức Chủ tịch nước Lương Cường tại Quảng trường Hiến pháp theo nghi thức cao nhất dành đón nguyên thủ quốc gia. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước Lương Cường và Tổng thống Gabriel Boric đã có cuộc gặp riêng và sau đó tiến hành hội đàm.
Tại cuộc hội đàm, Tổng thống Chile Gabriel Boric khẳng định, Chile luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ với Việt Nam trong tổng thể chính sách đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Chile kỷ niệm 10 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do song phương và hai nước cùng là thành viên của Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Chủ tịch nước Lương Cường cũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống và Đối tác Toàn diện Việt Nam-Chile, quốc gia đầu tiên tại Nam Mỹ thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (25/3/1971); cảm ơn sự ủng hộ quý báu của nhân dân Chile dành cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chính nghĩa giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây và trong công cuộc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc ngày nay.
Chủ tịch nước Lương cường chia sẻ, chuyến thăm lần này nhằm khẳng định thông điệp Việt Nam coi trọng và mong muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn quan hệ Đối tác Toàn diện với Chile và có ý nghĩa đặc biệt khi diễn ra trong dịp kỷ niệm 55 năm cuộc gặp lịch sử giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và cố Tổng thống Salvador Allende vào ngày 23/5/1969, tại Hà Nội. Cuộc gặp đã đặt nền móng cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước vào năm 1971, cũng như cho sự phát triển mối quan hệ Việt Nam-Chile ngày nay.
Hai nhà lãnh đạo ghi nhận quan hệ kinh tế, thương mại tiếp tục được củng cố trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều thách thức; Chile là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh và Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Chile tại ASEAN. Đồng thời, đánh giá cao việc Việt Nam chính thức thành lập cơ quan Tùy viên quốc phòng tại Chile, qua đó góp phần thúc đẩy hơn nữa hợp tác quốc phòng giữa hai nước trong thời gian tới.
Hai bên cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác chặt chẽ và hiệu quả giữa hai nước tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn liên khu vực, nhất là tại Liên Hợp Quốc, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Đông Á-Mỹ Latinh (FEALAC), ASEAN-Liên minh Thái Bình Dương...
Đồng thời nhất trí cần tiếp tục tập trung thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực hai bên có thế mạnh và cùng quan tâm, như thương mại tự do, nông nghiệp, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo, khoa học, giáo dục, du lịch, quốc phòng, an ninh...; tích cực đàm phán, ký kết các văn kiện hợp tác song phương nhằm hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho quan hệ hai nước phát triển bền vững; tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tăng cường trao đổi, hợp tác kinh doanh để nâng cao kim ngạch song phương tương xứng với tiềm năng hai nước. Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường phối hợp, hợp tác và ủng hộ lẫn nhau tại các tổ chức quốc tế, diễn đàn đa phương và liên khu vực.
Tại buổi hội đàm, hai nhà lãnh đạo cùng chia sẻ về tầm nhìn phát triển của hai quốc gia, ủng hộ các giá trị về tự do thương mại, hợp tác cùng phát triển, đôi bên cùng có lợi và trên cơ sở tiềm năng, dư địa hợp tác, hai nhà lãnh đạo thống nhất giao các bộ, ngành hai nước tiến hành trao đổi, rà soát, cập nhật và xem xét việc nâng cấp khuôn khổ quan hệ trong thời gian tới nhằm tạo không gian lớn hơn cho hợp tác song phương, đồng thời xác định các ưu tiên hợp tác có tính đột phá và mang tầm chiến lược.
Lãnh đạo hai nước cũng trao đổi sâu rộng, chia sẻ lập trường về nhiều vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí cho rằng các tranh chấp về chủ quyền và lãnh thổ cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương Liên Hợp Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).