Ngành tài chính Điện Biên nỗ lực về đích
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, ngành Tài chính tỉnh Điện Biên đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024.
Số liệu thống kê cho cho thấy, đến hết tháng 9/2024, tổng thanh toán, giải ngân nguồn vốn đầu tư công của Điện Biên là 1.553,624 tỷ đồng, tương ứng với tỷ lệ giải ngân trung bình toàn tỉnh đạt 38,17% kế hoạch vốn; thấp hơn cùng kỳ năm trước 3,61 điểm phần trăm và thấp hơn 378,443 tỷ đồng về giá trị giải ngân.
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, đảm bảo giải ngân tối thiểu 95% kế hoạch vốn năm 2024, ông Đinh Bảo Dũng - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Điện Biên cho biết: Thời gian qua, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thường xuyên đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư tập trung quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể đã được giao tại Chỉ thị số 2384/CT-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2024 trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
Trong cuối tháng 10 và đầu tháng 11 năm 2024, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở KH&ĐT rà soát tiến độ giải ngân các nguồn vốn năm 2024 để tham mưu cho UBND tỉnh trình HĐND tỉnh quyết định và thông qua điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2024, nhằm điều chuyển vốn từ các dự án có tiến độ giải ngân chậm sang các dự án đã giải ngân 100% kế hoạch vốn đã được giao đầu năm hoặc các dự án có tỷ lệ giải ngân khoảng 90% và có khả năng giải ngân hết kế hoạch vốn được giao bổ sung trong năm 2024.
Theo ông Dũng, trong những tháng còn lại của năm 2024, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với Sở KH&ĐT và các cơ quan liên quan tiếp tục đôn đốc các đơn vị chủ đầu tư tiếp thục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 2384/CT-UBND ngày 29/5/2024 của UBND tỉnh và tập trung thực hiện một số nội dung: Đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác giải phóng mặt bằng theo các chính sách, văn bản đã được UBND tỉnh ban hành, đặc biệt trên địa bàn thành phố Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên để bàn giao mặt bằng cho các đơn vị thi công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn các dự án; khẩn trương quyết toán các dự án trong kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã hoàn thành năm 2022, năm 2023 để cân đối bố trí kế hoạch vốn sau quyết toán, tránh tình trạng thiếu vốn cho dự án do bị thu hồi khi hết thời hạn giải ngân theo quy định; quyết liệt chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thi công, khẩn trương thực hiện lập hồ sơ thanh toán đối với khối lượng đã hoàn thành; kiên quyết, không để xảy ra trường hợp bị thu hồi vốn do hết thời hạn giải ngân; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện các thủ tục để thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất, phấn đấu hoàn thành dự toán thu tiền sử dụng đất đã được HĐND tỉnh giao năm 2024 để có nguồn thu bố trí cho các dự án trọng điểm của tỉnh.
Đảm bảo nguồn thu
Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, Điện Biên đang nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2024. Năm 2024, Cục Thuế được Chính phủ giao dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) 1.542,3 tỷ đồng (trong đó: thuế, phí, thu khác 1.042,3 tỷ đồng; thu tiền sử dụng đất (SDĐ) 500 tỷ đồng; thu từ xổ số và lợi tức, lợi nhuận được chia 32,3 tỷ đồng), HĐND-UBND tỉnh giao 1.909,6 tỷ đồng (trong đó: thu tiền SDĐ 839,6 tỷ đồng; thu thuế, phí, thu khác 1.070 tỷ đồng).
Kết quả thu NSNN đến ngày 24 tháng 10 năm 2024 đạt 1.033,630 tỷ đồng, bằng 67% dự toán Chính phủ, bằng 50% dự toán HĐND-UBND tỉnh giao, bằng 86,1% so với cùng kỳ (trong đó: thuế, phí, thu khác 1.01,950 tỷ đồng; thu tiền SDĐ 350 tỷ đồng). Những tháng còn lại của năm 2024, nhiệm vụ thu NSNN là rất nặng nề. Tình hình kinh tế những tháng cuối năm dự báo còn gặp nhiều khó khăn thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
“Những tháng cuối năm xác định là thời gian nước rút, toàn ngành tiếp tục quán triệt, triển khai đồng bộ, quyết liệt các nhóm giải pháp công tác quản lý thu NSNN theo chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh và Tổng cục Thuế, cụ thể: Chỉ đạo các đơn vị được giao dự toán thu NSNN chủ động kiểm soát chặt chẽ các nguồn thu trên địa bàn quản lý; xây dựng phương án thu NSNN từng tháng, cụ thể từng lĩnh vực, khoản thu, sắc thuế và đối tượng thu, đồng thời tổ chức triển khai các giải pháp quản lý thuế; tăng cường quản lý giám sát chặt chẽ tình hình thực hiện đăng ký, kê khai thuế để đôn đốc, thu nộp ngân sách kịp thời các khoản thuế phát sinh; tăng cường công tác quản lý thu nợ, cương quyết áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ đối với những doanh nghiệp nợ thuế lớn dây dưa, chây ỳ…; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và cấp ủy chính quyền địa phương để chỉ đạo rà soát các nguồn thu phát sinh, khai thác tích cực các khoản thu từ đất” - ông Dũng chia sẻ.
Đăc biệt, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) gắn với chuyển đổi số trong ngành Tài chính là yêu cầu cấp thiết, đáp ứng yêu cầu công tác tài chính - ngân sách trong giai đoạn mới. “Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong ngành tài chính tỉnh Điện Biên đã được quan tâm, từng bước đáp ứng tốt công tác quản lý. Đến nay, Sở Tài chính cung cấp 8 dịch vụ công trực tuyến. Trong đó, có 8/8 dịch vụ công đã phát sinh hồ sơ trên trang dịch vụ công đạt 100%. Tỷ lệ dịch vụ công thuộc thẩm quyền được thực hiện giải quyết toàn trình là 432/433 thủ tục đạt 99,76%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến toàn trình là 432/433 đạt 99,76%.”- ông Dũng nhấn mạnh.n