Hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền
Pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam so với nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cộng đồng Châu Âu vẫn còn nhiều hạn chế, cần sớm được xem xét, hoàn thiện.
Đây là chia sẻ của Luật sư Tạ Anh Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH EMME LAW với Diễn đàn Doanh nghiệp.
Chính sách cạnh tranh và chống độc quyền được coi như một công cụ quan trọng để thúc đẩy quá trình liên kết kinh tế giữa các nước trong cộng đồng Châu Âu. Nội dung chính sách này có gì nổi bật, thưa ông?
Trong các chính sách của Luật Cạnh tranh Liên minh Châu Âu, chống độc quyền được coi là nội dung quan trọng nhất trong việc bảo đảm tự do hoạt động và cạnh tranh công bằng của các doanh nghiệp trong một thị phần thống nhất.
Theo đó, Điều 81 Hiệp đinh Rome quy định, nghiêm cấm mọi thỏa thuận giữa các doanh nghiệp, mọi quyết định liên kết doanh nghiệp và mọi dạng thỏa thuận có khả năng ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước thành viên và có mục đích hoặc hậu quả ngăn cản, hạn chế và làm sai lệch quy luật cạnh tranh trên thị trường chung…
Liên quan đến quy định này, Ủy ban Châu Âu có quyền rất lớn trong việc tiến hành điều tra, bao gồm vào trụ sở của các doanh nghiệp mà không cần báo trước để xem xét các tài liệu nội bộ của doanh nghiệp, có quyền truy cứu bất cứ doanh nghiệp nào vi phạm pháp luật và áp dụng mức phạt tiền lên đến 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Điều 82 Luật Cạnh tranh Liên minh châu Âu cũng quy định việc ngăn cấm lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và đưa ra một danh sách hành vi có thể được xem xét là lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường: áp đặt giá mua, giá bán hoặc các điều kiện buôn bán không công bằng, hạn chế sản xuất, thị trường hoặc phát triển kỹ thuật gây tổn hại tới người tiêu dùng,...
Đặc biệt, về kiểm soát trợ cấp nhà nước đối với doanh nghiệp, vấn đề này được quy định tại Điều 87 và 88 của Hiệp định Rome. Theo đó, tất cả các biện pháp trợ cấp do các quốc gia thành viên thực hiện hoặc bằng cách sử dụng các nguồn lực của quốc gia đó dưới bất kỳ hình thức nào, trong chừng mực mà các biện pháp trợ cấp đó liên quan đến các giao dịch giữa các quốc gia thành viên, mà làm sai lệch hoặc đe dọa làm sai lệch cạnh tranh bằng việc hỗ trợ một nhóm doanh nghiệp hoặc một nhóm ngành nghề sản xuất thì bị coi là đi ngược với thị trường chung…
Ông đánh giá như thế nào về pháp luật cạnh tranh và chống độc quyền hiện hành của Việt Nam?
Tại Việt Nam, Luật Cạnh tranh lần đầu tiên được Quốc hội thông qua ngày 03/12/2004. Sau hơn 14 năm thi hành, trước tình hình kinh tế - xã hội, môi trường pháp lý trong nước cũng như quốc tế đã có nhiều thay đổi, ngày 12/06/2018 Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cạnh tranh năm 2004 (Luật Cạnh tranh 2018).
Theo đó, Luật này đã mở rộng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng bất cứ một hành vi, một thỏa thuận hay một giao dịch mua bán sáp nhập (M&A) nào xảy ra ở bất cứ nơi đâu, kể cả trong lãnh thổ Việt Nam hay ngoài lãnh thổ Việt Nam nhưng có khả năng tác động gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể tới thị trường Việt Nam thì đều thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Cạnh tranh 2018.
Ngoài ra, luật cũng sửa đổi, bổ sung và làm rõ những hành vi bị cấm đối với cơ quan Nhà nước lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động cạnh tranh nhằm nâng cao hiệu quả thực thi của Luật Cạnh tranh một cách toàn diện với tất cả chủ thể.
Đặc biệt, luật quy định thành lập Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, trên cơ sở tổ chức lại các cơ quan quản lý cạnh tranh theo Luật Cạnh tranh 2004, bao gồm cơ quan quản lý cạnh tranh (hiện là Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng) và Hội đồng Cạnh tranh…
Mặc dù, theo thời gian, pháp luật về cạnh tranh và chống độc quyền của Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên, so với nhiều nước trên thế giới đặc biệt là cộng đồng Châu Âu thì pháp luật hiện hành vẫn còn nhiều hạn chế, cần sớm được xem xét, hoàn thiện.
Vậy, để tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh, ông có đề xuất, khuyến nghị gì?
Theo tôi, trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật về cạnh tranh không lành mạnh với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và đặc biệt là sự phát triển của công nghệ số, các hình thức kinh doanh nói chung và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh nói riêng ngày càng phức tạp, đa dạng và khó đoán định.
Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế đảm bảo trong hoạt động của Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chỉ tuân theo pháp luật và hạn chế sự tác động của các cơ quan Nhà nước vào quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh cũng là một nội dung rất đáng quan tâm.
Và để đảm bảo tính độc lập trong hoạt động điều tra các vụ việc cạnh tranh, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm lập pháp của một số quốc gia trên thế giới trong đó có cộng đồng Châu Âu trong vấn đề chống độc quyền, mô hình tổ chức hoạt động, cũng như thẩm quyền của Uỷ ban cạnh tranh quốc gia…
Trân trọng cảm ơn ông!