Cố TBT Nguyễn Phú Trọng – Tấm gương sáng cho toàn Đảng, toàn Dân
55 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố TBT Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân.
Tấm gương sáng tiêu biểu để cán bộ, đảng viên noi theo
55 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam, Cố TBT Nguyễn Phú Trọng luôn tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân; trong mọi hoàn cảnh luôn tỏ rõ bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản kiên cường; kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; giữ gìn, nêu cao và lan tỏa phẩm chất đạo đức cách mạng trong sáng, tính tiền phong, gương mẫu, không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện.
Nhớ về Bác Trọng là nhớ lại và càng trân trọng tấm gương đạo đức sáng ngời, người có nhân cách lớn với tư duy lý luận sắc sảo, để lại những di sản lớn và đóng góp, cống hiến vô cùng to lớn đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Bác Trọng là người đầu tiên nhận định, được Đại hội Đảng lần thứ XIII thông qua và đưa vào Nghị quyết Đại hội: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".
Nhớ về Bác Trọng là chúng ta nhớ về một tấm gương mẫu mực, sáng ngời về phẩm chất đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, suốt đời phấn đấu, hy sinh cho Đảng, đất nước và Nhân dân; một tấm gương có sức lay động hàng triệu trái tim con người, là tài sản vô giá trong giáo dục truyền thống cách mạng, bồi dưỡng lập trường tư tưởng, chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; kết nối ý Đảng, lòng dân và bạn bè quốc tế vì lẽ sống cao đẹp: Hòa bình, độc lập, tự do, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc
Lúc sinh thời, Cố TBT Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên
Xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị nói chung, xây dựng đạo đức cách mạng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên nói riêng, luôn được Cố TBT đặc biệt quan tâm, dành nhiều tâm huyết và có nhiều chỉ đạo, định hướng quan trọng về xây dựng đạo đức cách mạng, với mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Cố TBT nhiều lần nhấn mạnh: “Phải tiến hành xây dựng, chỉnh đốn Đảng với tinh thần tích cực và kiên quyết, mạnh mẽ, nhằm tạo ra một bước chuyển biến rõ rệt hơn nữa trên các mặt, ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái, củng cố sự kiên định về mục tiêu, lý tưởng cách mạng…, coi đây là vấn đề sống còn của Đảng ta, chế độ ta”.
Dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Cố TBT Nguyễn Phú Trọng để lại dấu ấn sâu đậm trong các bài viết, bài phát biểu của mình về đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. CốTổng Bí thư chỉ rõ, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, cấp bách, đột phá trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Trên nhiều cương vị lãnh đạo, đặc biệt là trong 3 nhiệm kỳ là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đồng chí Nguyễn Phú Trọng đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức. Theo Đồng chí, đạo đức cách mạng của Đảng khi được giáo dục, giác ngộ, thấm sâu vào mỗi cán bộ, đảng viên sẽ thúc đẩy ý thức kỷ luật tự giác, không vụ lợi cá nhân, sẵn sàng dấn thân cho mục tiêu, lý tưởng, đặt sự nghiệp cách mạng của Đảng lên trên hết, trước hết, làm cho triệu người như một, tạo nên sức mạnh vô địch, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đưa cách mạng tiến lên.
Vì vậy, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải “Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Có tinh thần trách nhiệm cao, tâm huyết, tận tụy với công việc; bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi. Có ý thức giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, gương mẫu chấp hành sự phân công và nguyên tắc tổ chức, kỷ luật của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; công minh, công bằng trong đánh giá, sử dụng cán bộ”
Cố TBT luôn nhấn mạnh, một trong những phẩm chất đạo đức quan trọng hàng đầu của người cán bộ, đảng viên trong thời kỳ đổi mới hiện nay là tận tụy với Nhân dân, luôn phấn đấu vì lợi ích của Nhân dân, trong bất luận điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải vì lợi ích của Nhân dân; luôn đặt lợi ích của Nhân dân lên trên hết, trước hết; tất cả vì lợi ích của quốc gia - dân tộc, vì cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Vì vậy, Cố TBT yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, tìm hiểu nguyện vọng, lắng nghe ý kiến; ủng hộ, học tập những kinh nghiệm sáng tạo của Nhân dân; giúp đỡ Nhân dân khi gặp khó khăn; kiên quyết đấu tranh chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh, gia trưởng, độc đoán, đặc quyền, đặc lợi, trù dập và mọi hành vi vi phạm quyền làm chủ của Nhân dân.
Cố TBT Nguyễn Phú Trọng khẳng định, việc rèn luyện phẩm chất, đạo đức cách mạng là cần thiết đối với mọi cán bộ, đảng viên, dù ở bất kỳ cương vị công tác nào, kể cả đối với những đồng chí có quá trình công tác lâu dài, đã trải qua nhiều cương vị công tác, đã được thử thách trong hoạt động thực tiễn cách mạng.
Đặc biệt, đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý thì bên cạnh kiến thức và năng lực tổ chức, Cố TBT đặt ra những yêu cầu cao hơn, đó là “phải đặc biệt chú trọng vấn đề phẩm chất chính trị, vững vàng trên lập trường giai cấp công nhân, thông suốt đường lối của Đảng, năng động sáng tạo trên cơ sở những nguyên tắc quản lý kinh tế của chủ nghĩa xã hội, có tính tổ chức và kỷ luật cao, có phong cách lãnh đạo tốt, cần kiệm, giản dị, gương mẫu trong lối sống, đoàn kết tập hợp được mọi người”.
Tấm gương mẫu mực về thực hành đạo đức cách mạng
Tấm gương mẫu mực, sáng ngời về đạo đức cách mạng của Cố TBT không chỉ thể hiện trong các bài viết, bài phát biểu, mà còn thể hiện gương mẫu trong thực hành đạo đức cách mạng, luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng, nỗ lực học tập, noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặc biệt mẫu mực trong làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Đồng chí là tấm gương mẫu mực về sự tuyệt đối trung thành, kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, luôn luôn đặt lợi ích của cách mạng, của quốc gia - dân tộc lên trên hết, trước hết; luôn luôn lắng nghe ý kiến, gần gũi với Nhân dân, sống một cuộc đời thanh bạch, đạm bạc, giản dị.
Cố TBT là hiện thân tiêu biểu về tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng suốt đời. Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về tự tu dưỡng của người cách mạng, “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý”, Cố TBT luôn nghiêm khắc rèn luyện, tu dưỡng bản thân theo những tiêu chuẩn đạo đức cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư của người cách mạng.
Là tấm gương tiêu biểu, mẫu mực về đạo đức cách mạng, là “nhà lãnh đạo kết tinh phẩm giá, nhân cách của Đảng”, Đồng chí còn là niềm tự hào, niềm tin và sự kỳ vọng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và Nhân dân vào Đảng, vào chế độ chính trị, cũng như tương lai tươi đẹp của dân tộc mà toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang phấn đấu xây dựng và hướng tới. Tấm gương đạo đức cách mạng của Cố TBT thể hiện rõ nét trên các phương diện cụ thể sau:
Một trong những việc làm của Đồng chí gây ấn tượng sâu sắc, thể hiện sự mẫu mực giữa “nói và làm” về đạo đức cách mạng, là lối sống giản dị, thanh bạch, liêm khiết, không lãng phí tài sản công... Có thể kể rất nhiều ví dụ điển hình về lối sống giản dị của Cố TBT gây ấn tượng đặc biệt về sự giản dị, thanh bạch.
Đồng thời, Cố TBT còn là người nêu cao ý thức tiết kiệm, giữ gìn tài sản công: luôn thấu hiểu, những tài sản đó được chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt của Nhân dân, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm gìn giữ, trân trọng khi sử dụng, tuyệt đối không được để lãng phí…
Chúng ta bắt gặp hình ảnh chiếc xe ô tô công vụ đời cũ gắn bó với những năm công tác của Đồng chí ở cương vị lãnh đạo cấp cao nhất của Đảng, phòng làm việc hết sức đơn sơ, giản dị, mà thứ nhiều nhất là sách, tài liệu nghiên cứu… Tất cả những thứ dung dị ấy toát lên một nhân cách hết sức giản dị, nhưng rất đỗi cao cả, đức tính khiêm nhường...
Phong cách trong giao tiếp hằng ngày, khi gặp gỡ quần chúng nhân dân, Cố TBT Nguyễn Phú Trọng rất gần gũi, dân chủ, tận tụy. Trên cương vị người đứng đầu Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Đồng chí thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc với cử tri, với các tầng lớp Nhân dân khắp mọi miền đất nước,… để lắng nghe tiếng nói từ cơ sở, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân.
Điều làm nên nhân cách của một con người, giúp cho cá nhân ấy nhận được sự tôn trọng từ những người xung quanh chính là lòng tự trọng, coi trọng và giữ gìn danh dự của bản thân. Luôn tự nhắc bản thân về điều đó cũng như nghiêm khắc tự rèn luyện, tự tu dưỡng hằng ngày, Cố TBT đã lan tỏa và kêu gọi các cấp, các ngành, các giới trong xã hội cùng ghi nhớ và thực hiện.
Trong các chuyến thăm, làm việc với cán bộ các cơ quan, ban, bộ, ngành ở Trung ương và địa phương, Cố TBT nhiều lần nhắc đến câu nói về trách nhiệm và lòng tự hào, giữ gìn danh dự, đạo đức: Đối với con người thì “Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất”.
Giáo dục đạo đức cách mạng là một trong những nội dung quan trọng trong công tác lãnh đạo của Đảng, trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Vì vậy, CốTBT yêu cầu: “Chú trọng giáo dục giữ vững bản lĩnh, có ý thức nhạy bén chính trị, tăng sức đề kháng trước những biểu hiện tiêu cực, mặt trái của xã hội và sự chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch…”.
Cố TBT Nguyễn Phú Trọng thường xuyên nhắc nhở, quan tâm đến nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng; xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Theo Cố TBT, cái cần nhất là sự tự giác, sự thống nhất cao về ý chí và hành động, là tổ chức thực hiện. Cán bộ, đảng viên phải biết trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân có hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Cố TBT là người nêu gương sáng ngời, kiên quyết, kiên trì lãnh đạo công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Nhân dân.
Cố TBT luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân; chú trọng thúc đẩy phong trào thi đua yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong các giới, các ngành để thiết thực thực hiện đạo đức cách mạng trong thời kỳ mới.
Đồng chí nhắc nhở: “Mỗi cán bộ, đảng viên cần nghiêm túc thực hiện trách nhiệm nêu gương; người có chức vụ càng cao, cương vị càng lớn càng phải gương mẫu trong tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, lối sống, phong cách, tác phong, lề lối công tác để quần chúng nhân dân noi theo; phải thể hiện được tư tưởng vững vàng, quan điểm đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, hết lòng vì nước, vì dân; có phong cách lãnh đạo khoa học, dân chủ, sâu sát thực tiễn, thật sự là hạt nhân đoàn kết, quy tụ, tạo động lực và phát huy trí tuệ tập thể, theo tinh thần Bác đã dạy: “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”.
Với tầm nhìn xa, trông rộng, Cố TBT xác định, phương hướng chung của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay là phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, giữ vững và tăng cường bản chất cách mạng và tính tiên phong, gương mẫu của Đảng, xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, bảo đảm cho Đảng đủ sức tiếp tục lãnh đạo sự nghiệp đổi mới của đất nước không ngừng phát triển, đạt được những thắng lợi mới.
Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đồng chí, giáo dục đạo đức cách mạng trở thành nội dung quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân và thông qua công tác tuyên truyền, báo chí. Ngày 12-6-2021, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức và phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc làm rất cần thiết, là nhiệm vụ hết sức quan trọng, thường xuyên, không thể thiếu đối với toàn Đảng, toàn dân ta”.
Để đẩy mạnh việc học tập, noi theo tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực của Cố TBT, thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung chủ yếu sau:
Thứ nhất, phát huy quyền làm chủ, khơi dậy sức mạnh của mọi tầng lớp nhân dân. Xuyên suốt trong tư tưởng của Cố TBT là Nhân dân, là con người, là hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; xây dựng con người mới, lấy Nhân dân là chủ thể, trung tâm của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đưa phong trào đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, chú trọng xây dựng những mô hình, điển hình tiêu biểu trong xã hội.
Thứ ba, nhận thức đầy đủ, sâu sắc vị trí, vai trò quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức; về tính cấp thiết phải nâng cao đạo đức cách mạng trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.
Thứ tư, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, nâng cao tính thuyết phục của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nhất là giáo dục về bản chất, mục tiêu, lý tưởng, sứ mệnh, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của một Đảng lãnh đạo cầm quyền, nhiệm vụ của người cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao bản lĩnh, lập trường, sự kiên định mục tiêu, lý tưởng của Đảng, tạo ra sức đề kháng trước mọi nguy cơ, nhất là nguy cơ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.
Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, sinh hoạt chi bộ, gắn với đẩy mạnh tự phê bình và phê bình của mỗi cán bộ, đảng viên.
Thứ sáu, tiếp tục đề cao kỷ cương, kỷ luật trong Đảng; đưa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đi vào chiều sâu, theo tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, không ngừng, không nghỉ; đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, gắn với đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Thứ bảy, các cơ quan báo chí, đội ngũ phóng viên, tuyên truyền viên, báo cáo viên cần tăng cường phản ánh, giới thiệu gương người tốt, việc tốt trong đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tạo sự lan tỏa, ảnh hưởng sâu rộng trong cộng đồng, tăng cường củng cố niềm tin trong nhân dân và trong xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cố TBT Nguyễn Phú Trọng đã về cõi vĩnh hằng, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đồng chí là hiện thân đầy đủ, vẹn toàn về phẩm chất, đạo đức, tài năng, bản lĩnh, trí tuệ của người cộng sản mẫu mực, kiên trung thuộc thế hệ lãnh đạo Việt Nam thời kỳ đổi mới, được cán bộ, đảng viên, Nhân dân và đồng bào ta ở nước ngoài kính trọng, tin yêu, được bạn bè quốc tế trân trọng, đánh giá cao.
Tấm gương đạo đức cách mạng mẫu mực, sáng ngời của Cố TBT trở thành niềm tự hào của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, cổ vũ, động viên chúng ta học tập và noi theo, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện.
Biến đau thương thành hành động cách mạng, noi gương Cố TBT, đội ngũ cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân nguyện không ngừng tu dưỡng, rèn luyện nâng cao đạo đức, phấn đấu xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, dân chủ, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc như tâm nguyện của Đồng chí.