Tài chính doanh nghiệp

Kinh doanh thua lỗ và giải pháp khắc phục của SMC

Đình Đại 13/11/2024 04:01

Công ty CP Đầu tư Thương mại SMC (HoSE: SMC) đang phải tái cấu trúc doanh nghiệp sau khi kết quả kinh doanh tiếp tục không khả quan.

SMC vừa có văn bản báo cáo về việc khắc phục tình trạng chứng khoán bị cảnh báo và kiểm soát quý IV/2024.

Theo đó, cổ phiếu SMC bị HoSE đưa vào diện bị cảnh báo và kiểm soát từ ngày 10/04/2024 vì lý do lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của SMC là số âm, và Lợi nhuận sau thuế của cổ đông Công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán trong 02 năm gần nhất (2022-2023) của SMC là số âm.

smc.jpg
SMC sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 để đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao nhất - Ảnh: SMC.

SMC cho biết, kết quả lợi nhuận sau thuế hợp nhất trong quý III/2024 không khả quan (âm hơn 82,4 tỷ đồng). Trong suốt 9 tháng đầu năm, Công ty tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện tình hình và hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh việc thanh lý tài sản và các khoản đầu tư tài chính, bám sát diễn biến tình hình vĩ mô và ngành thép để có chiến lược kinh doanh phù hợp, tích cực và quyết liệt xử lý các khoản nợ đọng.

Tuy nhiên, lãnh đạo doanh nghiệp này cho rằng, thị trường thép trong và ngoài nước còn quá nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ thép liên tục giảm mạnh, trong nước ngành bất động sản chưa thật sự ổn định nên ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

“SMC sẽ tiếp tục tích cực thực hiện các giải pháp về kinh doanh và tái cấu trúc doanh nghiệp trong những tháng cuối năm 2024 để đem lại hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh cao nhất có thể và khắc phục việc âm lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”, lãnh đạo SMC nhấn mạnh.

SMC từng là một doanh nghiệp có tiếng và “ăn nên làm ra” trong ngành thép của Việt Nam. Tuy nhiên, khó khăn bắt đầu đeo bám doanh nghiệp này, khi thị trường bất động sản rơi vào khủng hoảng từ giữa năm 2022 đến nay. Hoạt động kinh doanh chững lại, cùng với khoản nợ xấu lên đến hơn 1.000 tỷ đồng từ các công ty xây dựng đã khiến SMC luôn “ngụp lặn” trong vòng xoáy thua lỗ, thậm chí, doanh nghiệp đã phải bán nhiều tài sản, nhưng kết quả kinh doanh vẫn không được cải thiện.

Kết thúc quý III vừa qua, SMC mang về 2.277 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 28% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế tiếp tục lỗ 82 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, SMC ghi nhận doanh thu thuần giảm 36% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 6.748 tỷ đồng; Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lãi gần 7 tỷ đồng, cải thiện đáng kể so với con số lỗ hơn 580 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.

cpsmc.jpg
Trên thị trường, cổ phiếu SMC giao dịch quanh mức giá 6.840 đồng/cp, giảm gần 68% so với hồi đầu tháng 7 vừa qua.

Bức tranh kinh doanh ảm đạm của SMC được doanh nghiệp lý giải nguyên nhân là do thị trường thép trong và ngoài nước còn quá nhiều khó khăn, giá thép và nhu cầu tiêu thụ thép liên tục giảm mạnh,… Tuy nhiên, trên thực tế, nhu cầu thép ở cả thị trường trong và ngoài nước lại đang có sự hồi phục tích cực.

Theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tổng tiêu thụ thép các loại trong 9 tháng đầu năm 2024 tăng 14,5% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng sản lượng thép xây dựng được tiêu thụ trong 9 tháng đầu năm cũng tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, tiêu thụ nội địa đạt trên 7,1 triệu tấn, tăng 11,1% so với cùng kỳ.

Chứng khoán Shinhan Việt Nam đánh giá, sản lượng thép nội địa có sự cải thiện nhờ nhu cầu hồi phục. Tình hình thép hồi phục trở lại nhờ xuất khẩu tăng trưởng và nhu cầu hồi phục của thị trường trong nước. Ngành thép nói riêng và ngành bất động sản nói chung đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất và đang trên đà hồi phục.

Shinhan Việt Nam kỳ vọng, sản xuất thép trong nước sẽ tiếp tục tăng trưởng nhờ sự cải thiện của nền kinh tế cùng với sự trở lại của thị trường bất động sản. Bộ ba Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Đất đai có hiệu lực sớm, cùng với sự đẩy mạnh đầu tư công sẽ là động lực thúc đẩy nhu cầu thép tiếp tục tăng trưởng trong giai đoạn 2025-2026.

Tương tự, Chứng khoán SSI cho biết, gói kích thích kinh tế của Trung Quốc có thể hỗ trợ giá thép nhưng cần thêm những biện pháp cụ thể hơn. Theo SSI, giá thép đã phục hồi hơn 10% kể từ khi Chính phủ Trung Quốc công bố các chính sách tiền tệ và tài khóa để hỗ trợ thị trường bất động sản.

Ngoài ra, sản lượng thép Trung Quốc giảm trong hơn 4 tháng gần đây, từ 92,9 triệu tấn trong tháng 5/2024 xuống 77,1 triệu tấn trong tháng 9/2024 đã giúp ổn định giá thép. Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ cần những biện pháp mạnh mẽ hơn (đặc biệt về những biện pháp tài khóa) để có thể đảo ngược xu hướng giảm của thị trường bất động sản và tác động đáng kể đến nhu cầu thép.

Trong khi đó, theo báo cáo gần đây của Tổ chức Thép Thế giới, nhu cầu thép tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm 3% trong năm 2024 và giảm thêm 1% trong năm 2025. Tuy nhiên, tổ chức này vẫn lưu ý khả năng kết quả tích cực hơn dự báo nếu có những chính sách can thiệp mạnh mẽ hơn từ Chính phủ Trung Quốc.

Theo CBRE, số lượng mở bán bất động sản nhà ở (bao gồm cả căn hộ và nhà đất) tại Hà Nội và TP.HCM được kỳ vọng sẽ tăng gấp đôi trong năm 2024, và dự kiến sẽ tăng trung bình 8% trong giai đoạn 2025-2026. Do hầu hết các hoạt động xây dựng thường được triển khai sau 1 năm ra mắt dự án. Do đó, đơn vị này kỳ vọng, nhu cầu thép xây dựng sẽ cải thiện đáng kể trong năm tới.

Đình Đại