Nghiên cứu - Trao đổi

Người lao động đang rất thiệt thòi vì mức giảm trừ gia cảnh

Khôi Nguyên 13/11/2024 04:15

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh, người lao động đang rất thiệt thòi…

nguoi-lao-dong-dang-rat-thiet-thoi-vi-muc-giam-tru-gia-canh-1.jpg
Bộ Tài chính cho biết chưa có cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do tổng mức tăng của chỉ số CPI chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh gần nhất (năm 2020). Ảnh minh hoạ

Dư luận bức xúc

Dự kiến Dự thảo Luật Thuế TNCN (sửa đổi) sẽ được đăng ký chương trình xây dựng luật vào năm 2025, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.

Tuy nhiên, vừa qua, đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tiếp tục có kiến nghị điều chỉnh giảm trừ gia cảnh để phù hợp với tình hình kinh tế xã hội hiện nay. Đây là lần thứ ba trong khoảng một năm trở lại đây, cử tri TPHCM liên tiếp có văn bản gửi lên Quốc hội kiến nghị nâng mức giảm trừ gia cảnh, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Đáng nói, đề xuất này suốt thời gian qua cũng được giới chuyên gia nhắc tới nhiều lần, khi cho rằng cách điều chỉnh giảm trừ gia cảnh hiện nay đang quá bất cập. Thậm chí có những quan điểm gay gắt, bức xúc với việc chậm thay đổi chuyện sát sườn với đời sống, thu nhập của người lao động, đặc biệt là tại các đô thị lớn.

Những năm qua, trong các kỳ họp Quốc hội cũng đã có rất nhiều ý kiến đề nghị Quốc hội và Chính phủ sớm phải thay đổi căn cơ việc áp dụng giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân. Dư luận xã hội cũng bày tỏ quan điểm nóng không kém về chuyện này trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không thể duy trì mãi mức giảm trừ gia cảnh là 11 triệu đồng/tháng với người nộp thuế và 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc, quá thấp so với nhu cầu chi tiêu của người nộp thuế.

Tuy nhiên đáp lại kiến nghị của cử tri và dư luận, Bộ Tài chính vẫn cho biết chưa có cơ sở để điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh do tổng mức tăng của chỉ số CPI chưa đến 20% kể từ thời điểm điều chỉnh gần nhất (năm 2020).

Cử tri liên tục kiến nghị

Bình luận về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho biết, không chỉ tại kỳ họp này mà từ các kỳ họp trước, rất nhiều ý kiến cử tri, đại biểu đã nêu rõ những bất cập, lạc hậu, đồng thời đề nghị cần sớm điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân.

Theo đại biểu, việc Bộ Tài chính lấy lý do CPI biến động chưa đến 20% để rồi vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh là không ổn. Trong thực tế với mức giảm trừ 4,4 triệu đồng/tháng với người phụ thuộc là không đủ nuôi một đứa trẻ ở thành phố, bởi riêng tiền ăn, tiền học thôi cũng cao hơn nhiều mức này.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân cho rằng, Bộ Tài chính nên có nghiên cứu, đánh giá cụ thể để xem xét sớm sửa đổi, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh cũng như tổng thể Luật Thuế Thu nhập cá nhân. Mức giảm trừ gia cảnh áp dụng từ năm 2020 chỉ phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội, mức lương cơ sở, tối thiểu vùng, chỉ số giá tiêu dùng, thu nhập của thời điểm đó.

Đến nay sau 4 năm, mức lương cơ sở đã tăng qua các năm và từ 1-7 năm nay, mức lương cơ sở đã tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng, lương tối thiểu vùng cũng điều chỉnh tăng. Chưa kể rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đều tăng giá mạnh, thậm chí có hàng hóa, dịch vụ thiết yếu còn tăng nhanh hơn tăng thu nhập của người dân...

“Theo tôi, khi GDP tăng, mức sống tăng, giá cả tăng... phải sớm điều chỉnh mức giảm trù gia cảnh để sát với thực tế. Bộ Tài chính cũng nên nghiên cứu quy định mức giảm trừ gia cảnh điều chỉnh phù hợp với mức lạm phát. Nếu không điều chỉnh hàng năm, có thể 2 - 3 năm điều chỉnh/lần. Đồng thời nên nghiên cứu để đưa tỉ lệ tăng mức trần hàng năm và giao cho Chính phủ quy định chi tiết hàng năm sẽ linh hoạt hơn, chứ không phải cứ đến lúc cần Chính phủ lại phải xin ý kiến”, vị đại biểu đoàn Bình Dương kiến nghị.

nguoi-lao-dong-dang-rat-thiet-thoi-vi-muc-giam-tru-gia-canh-2.png
Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh, bởi người thu nhập từ tiền công, tiền lương đang rất thiệt thòi. Ảnh minh hoạ

Cần thay đổi cách tính giảm trừ gia cảnh

Dưới góc nhìn chuyên gia, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm, Luật Thuế Thu nhập cá nhân và các quy định hiện hành lấy tiêu chí biến động CPI trên 20%, tức là phải dựa trên rổ hàng hóa gồm 752 mặt hàng là bất hợp lý. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của người dân chỉ có khoảng trên 20 mặt hàng, trong khi phải chờ tính mức trung bình của 752 mặt hàng sẽ rất lâu, thậm chí 6 đến 7 năm. Như vậy sẽ không phản ánh kịp thời những biến động trong chi tiêu của người dân và các hộ gia đình.

Cùng với đó, quy định mức giảm trừ gia cảnh hiện nay cũng chưa phù hợp với điều kiện của một quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp như ở nước ta. Phần lớn thu nhập của người dân sẽ dành cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu (70%). Trong khi, tại những quốc gia người dân có thu nhập cao, chi cho hàng hóa dịch vụ thiết yếu chỉ chiếm 30%-40%. “Do đó, quy định về mức giảm trừ gia cảnh hiện nay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cho nhu cầu thiết yếu của người dân”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Ngọc Tú, chuyên gia cao cấp về thuế cũng cho rằng, việc chậm nâng mức giảm trừ gia cảnh khiến người nộp thuế có thu nhập từ tiền công tiền lương thiệt thòi.

"Bởi mức giảm trừ lạc hậu so với biến động kinh tế - xã hội, với chính sách tăng lương cơ sở 30% vừa áp dụng ngày 1-7 vừa rồi, cùng với việc chỉ số giá từ năm 2020 đến nay vượt hơn 12% rồi. Nếu cứ lấy chỉ số CPI để cho rằng biến động chưa đến 20% mà vẫn giữ mức giảm trừ gia cảnh là không ổn. Điều này khiến người nộp thuế rất chạnh lòng", ông Tú nói.

Ông Tú nói thêm cách đây bảy năm, tức là từ năm 2018, nhiều nội dung của Luật Thuế thu nhập cá nhân như biểu thuế lũy tiến, mức thuế suất… đã được Bộ Tài chính thừa nhận là lạc hậu, lỗi thời. Tuy nhiên đến nay luật thuế này vẫn chưa sửa mà phải đợi đến tháng 10/2025 mới có thể trình Quốc hội có ý kiến. Nếu tháng 5/2026 thông qua thì tới năm 2027 mới áp dụng là quá bất cập.

“Để người nộp thuế cá nhân, nhất là những người làm công ăn lương bớt thiệt thòi, trong lúc chờ sửa toàn diện Luật Thuế thu nhập cá nhân, Bộ Tài chính cần sớm trình Chính phủ, báo cáo Quốc hội nâng mức giảm trừ gia cảnh và áp dụng ngay từ năm nay”, vị chuyên gia kiến nghị.

Khôi Nguyên