Bạn đọc

“Xung đột” tại dự án nhà ở - Bài 1: Khách hàng “tố” doanh nghiệp “đem con bỏ chợ”?

Hồng Quang 14/11/2024 03:30

Việc chậm bàn giao “sổ hồng” tại các dự án nhà ở là nguyên nhân chính dẫn đến xung đột giữa khách hàng và doanh nghiệp ngày một leo thang.

Câu chuyện nhiều khách hàng của dự án Tổ hợp Trung tâm thương mại – dịch vụ và nhà ở đô thị tại khu đất số 215, đường Lê Lợi, TP Vinh, tỉnh Nghệ An (viết tắt là Dự án) đồng loạt ký vào lá đơn kêu cứu, “tố” chủ đầu tư “đem con bỏ chợ” là ví dụ điển hình cho thực trạng trên.

Khu đất dự án
Hơn một thập kỷ qua, khách hàng vẫn chưa được bàn giao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng).

Xuất phát từ hợp đồng kinh tế...

Cụ thể, trong lá đơn kêu cứu, các khách hàng bao gồm 26 hộ dân trú ở TP Vinh cho biết: 14 năm về trước, Dự án được UBND tỉnh Nghệ An quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tại Công văn số 2924/QĐ.UBND-CNXD ngày 8/7/2010. Tại quyết định này, chính quyền tỉnh Nghệ An đã giao cho Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 (nay là Công ty CP Tập đoàn Cienco4) làm chủ đầu tư, với tổng diện tích là 10.094,28 m2. Trong đó, 4.729,4 m2 là phần diện tích xây dựng khối biệt thự liên lập gồm 26 lô, cao từ 3 – 5 tầng.

Sau khi quyết định được ban hành, Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4, trụ sở tại số 29, đường Quang Trung, TP Vinh, tỉnh Nghệ An, do ông Phạm Quang Vinh – Tổng Giám đốc làm người đại diện pháp luật đã có Hợp đồng kinh tế số 1284/HĐKT-ĐTTC ngày 22/10/2010, về việc đầu tư, xây dựng, kinh doanh khu biệt thự liên lập Dự án với Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung, trụ sở tại số 81, đường Nguyễn Văn Cừ, TP Vinh, do ông Trần Đức Mão – Giám đốc công ty làm người đại diện.

Điểm đáng chú ý, trong hợp đồng kinh tế thể hiện rõ nội dung: Về phía Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 giao cho Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung nhận thực hiện đầu tư khu biệt thự liên lập Dự án với quy mô diện tích đất hơn 4.700 m2, mật độ xây dựng 60%. Trong đó, khối biệt thự liên lập là 26 căn biệt thự, cao 3 tầng, chiều cao đỉnh mái là 12,45 m. Tiến độ thực hiện dự án bắt đầu từ tháng 11/2010 và đến tháng 12/2012 thì phải hoàn thành. Tổng giá trị hợp đồng kinh tế là 86,887 tỷ đồng.

Mặc dù khách hàng đã nộp tiền đầy đủ theo Hợp đồng góp vốn, nhưng nhiều năm trôi qua,
Mặc dù khách hàng đã nộp tiền đầy đủ theo Hợp đồng góp vốn, nhưng nhiều năm trôi qua, "sổ hồng" từng lô đất vẫn đang mang tên chủ đầu tư.

Theo các khách hàng, sau khi có hợp đồng kinh tế trên, Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung đã kêu gọi góp vốn xây dựng hạng mục nhà ở liền kề thuộc Dự án và 26 khách hàng đã tham gia đăng ký, với đơn giá là 16.568.292 đồng/m2. Bình quân mỗi khách hàng đã nộp số tiền trị giá hợp đồng góp vốn hơn 3,2 tỷ đồng để được sở hữu lô đất tại Dự án.

Hợp đồng góp vốn thể hiện, phía Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung phải có trách nhiệm phối hợp với Tổng Công ty Xây dựng công trình Giao thông 4 hoàn tất mọi thủ tục pháp lý, tiến hành các thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở lâu dài cho tổng diện tích đất thuộc Dự án. Đồng thời, thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.

Khách hàng "kêu cứu"

Vậy nhưng, oái ăm thay, Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung mặc dù đã thu đầy đủ số tiền của 26 khách hàng nhưng lại không chịu tiến hành hoàn tất các thủ tục với cơ quan Nhà nước để thực hiện theo đúng cam kết trong hợp đồng góp vốn?. Đáng nói hơn, vấn đề tồn đọng này kéo dài suốt 14 năm trời nhưng không đơn vị nào chịu đứng ra nhận trách nhiệm?!.

Hệ luỵ là nhiều khách hàng rơi vào cảnh khó khăn, số tiền hàng tỷ đồng vay mượn để góp vốn khiến cho họ vô cùng khốn khổ. Bà Võ Thị Biên (SN 1941), một người dân sinh sống tại đây buồn bã nói: Việc chủ đầu tư chây ì, không cấp sổ hồng đã khiến cho chúng tôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ròng rã hơn 10 năm trời không thể thế chấp tài sản ngân hàng, không thể chuyển nhượng đất cho người khác, con cái lớn lên cần chỗ ở cũng không được xây dựng do Dự án chưa hoàn thiện về mặt pháp lý.

 C
Các hộ dân mong muốn sớm được bàn giao "sổ hồng" để thuận tiện trong việc làm ăn, sinh sống.

Còn bà Hoàng Thị Viêm thì bức xúc kiến nghị: Đứng trước hoàn cảnh khó khăn bất lực này, chúng tôi mong muốn các cơ quan ban, ngành tỉnh có thẩm quyền liên quan vào cuộc để giúp đỡ, giải quyết để các hộ dân được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đồng thời “tố cáo” những hành vi, việc làm sai trái và vô trách nhiệm của Công ty TNHH Xây dựng tổng hợp miền Trung và Tổng Công ty xây dựng công trình Giao thông 4 (nay là Công ty CP Tập đoàn Cienco4) đã “đem con bỏ chợ” suốt 14 năm nay.

Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Anh – Giám đốc Công ty TNHH tổng hợp Xây lắp Miền Trung cho biết: Chúng tôi là nhà đầu tư thứ cấp, chủ đầu tư chính là Công ty CP Tập đoàn Cienco4. Lâu nay, chúng tôi cũng nhờ luật sư vào cuộc để ra làm việc với Công ty CP Tập đoàn Cienco4 nhưng họ không chịu hợp tác để hoàn thiện hồ sơ.

“Chúng tôi cũng đã trao đổi thẳng thắn với phía Công ty CP Tập đoàn Cienco4 là họ chỉ việc ký tá các văn bản thủ tục theo quy định, còn vấn đề chi phí chúng tôi lo cả nhưng họ không có động thái trả lời” – ông Nguyễn Thế Anh nói.

Có thể thấy, thực trạng bất cập trên không phải là mới, tuy nhiên để tồn đọng kéo dài suốt nhiều năm, gây bức xúc dư luận, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt đến từ các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền liên quan. Chưa kể, uy tín của doanh nghiệp cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng nếu như không thực hiện đúng, đủ các cam kết với khách hàng…

Bài 2: “Nút thắt” ở đâu?

Hồng Quang