Chủ động ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại
Theo các chuyên gia, cần có sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp để ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thực tế cho thấy, đến nay, Việt Nam đã thiết lập quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư với hơn 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đồng thời, Việt Nam đã ký kết và đang đàm phán 19 Hiệp định thương mại tự do (FTA). Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở lớn nhất và đã ký kết nhiều FTA nhất trên thế giới.
Những năm qua, Việt Nam đặc biệt chú trọng vào việc tăng cường hợp tác kinh tế với các quốc gia trong khu vực châu Á - Phi và châu Đại Dương nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại khu vực tiềm năng này. Cụ thể, Việt Nam đã tận dụng các cơ hội hợp tác từ các FTA song phương với các đối tác riêng lẻ như Việt Nam – Nhật Bản, Việt Nam – Hàn Quốc, cũng như các FTA đa phương thông qua các tổ chức khu vực như ASEAN hay Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và khu vực Châu Á – Châu Phi đạt 246,4 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2023, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với thế giới. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực châu Á đạt 88,7 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023; khu vực Châu Đại Dương và Châu Phi lần lượt đóng góp gần 3,5 tỷ USD và 1,5 tỷ USD, tăng 27,1% và 5,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện tại, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Á của Việt Nam có thể kể tới như điện thoại các loại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện, điện tử, nông sản, vật liệu xây dựng (sắt thép, gạch ốp lát, xi măng), các sản phẩm gỗ, hóa chất, dệt may... Cùng đó là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Đại Dương như thủy hải sản đã qua chế biến như hạt điều, sắt thép, các sản phẩm gỗ...; mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang châu Phi chủ yếu là gạo, điện thoại các loại và linh kiện, cà phê, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, phương tiện vận tải và phụ tùng, hàng dệt may...
Mặc dù xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp. Một trong những khó khăn lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Trong đó, phòng vệ thương mại nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á - Phi và châu Đại Dương, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về phòng vệ thương mại tại các thị trường này.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết tháng 10/2024, số lượng vụ việc phòng vệ thương mại từ các thị trường này chiếm 146/267 vụ việc đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng bị điều tra tương đối đa dạng như vật liệu xây dựng, các sản phẩm gỗ, hóa chất, nông, lâm, thủy sản.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho rằng, khi một doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại thì cả một ngành hàng hay hàng hóa từ một địa phương của Việt Nam sẽ cùng bị áp dụng mức thuế cao.
“Do đó, sự phối hợp và chủ động giữa cơ quan quản lý và doanh nghiệp không chỉ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính doanh nghiệp đó mà còn là trách nhiệm chung với cộng đồng doanh nghiệp", Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương bày tỏ.
Đồng quan điểm, bà Trương Thùy Linh, Phó cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương khuyến nghị, trước một vụ việc phòng vệ thương mại xảy ra, doanh nghiệp cần trang bị những kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, song song với đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh tập trung xuất khẩu quá "nóng" vào một thị trường và cần tập trung cạnh tranh bằng chất lượng hơn là cạnh tranh bằng giá cả.
Bên cạnh đó, thường xuyên cập nhật thông tin với hiệp hội và cơ quan Chính phủ (Cục Phòng vệ thương mại), nhà nhập khẩu về khả năng một vụ việc có thể xảy ra, tham khảo danh sách các mặt hàng cảnh báo nguy cơ bị điều tra lẩn tránh thuế của Cục Phòng vệ thương mại.
Trong quá trình ứng phó, doanh nghiệp cần tham gia, hợp tác, cung cấp thông tin đầy đủ cho cơ quan điều tra trong tất cả các giai đoạn của vụ việc, đồng thời phối hợp với hiệp hội và Chính phủ trong toàn bộ diễn biến vụ việc để nhận được sự hỗ trợ cần thiết.
Bên cạnh những vấn đề đã nêu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long nhận định, phòng vệ thương mại vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với Việt Nam. Một mặt, phòng vệ thương mại ảnh hưởng đến sự cạnh tranh hàng hóa của doanh nghiệp, ảnh hưởng đến kết quả khẩu chung. Mặt khác, các bên liên quan của Việt Nam như doanh nghiệp, hiệp hội... sẽ hiểu biết nhiều hơn về thương mại quốc tế, từ đó có thêm thông tin, góp phần tăng năng lực, đẩy mạnh quá trình hội nhập.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cũng nhấn mạnh, điều quan trọng nhất trong các vụ việc phòng vệ thương mại là phải có cơ chế cảnh báo sớm, cảnh báo từ xa tại các thị trường để các doanh nghiệp, hiệp hội..., có thể nắm bắt thông tin, kịp thời chuẩn bị các yêu cầu từ phía các thị trường. Bên cạnh đó, có sự phối hợp giữa hiệp hội - doanh nghiệp - cơ quan của Bộ Công Thương trong việc giải quyết vấn đề này.