Vì sao nhiều địa phương “thích” giao mỏ khoáng sản hơn đưa ra đấu giá?
Trước những bất cập về quản lý khoáng sản, các đại biểu Quốc hội đã chỉ ra những lỗ hổng, thất thu ngân sách, nảy sinh tiêu cực. Song, nhiều địa phương vẫn “thích” giao mỏ.
Đáng nói, trước những vấn đề nóng, đặc biệt là những bất cập trong việc quản lý khoáng sản theo cơ chế xin – cho (tức giao mỏ khoáng sản không qua đấu giá- PV), khiến nhiều cử tri, chuyên gia và các đại biểu Quốc hội tỏ ra lo lắng vì công tác quản lý đâu đó vẫn còn lỏng lẻo, đặc biệt ở các địa phương có mỏ vật liệu xây dựng (VLXD).
Bất cập cơ chế “xin – cho”
Phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 04/11, tham gia ý kiến tại hội trường, quan tâm đến việc quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp cho biết, Luật Địa chất, khoáng sản dự kiến được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đã sửa đổi, bổ sung rất nhiều điểm bất cập về quản lý Nhà nước, nhằm khai thác, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả.
“Khoáng sản là tài nguyên quý giá của đất nước, hầu hết không được tái tạo phát triển mà ngày càng cạn kiệt, đòi hỏi phải được quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, đóng góp tương xứng vào ngân sách nhà nước, góp phần vào sự phát triển quan trọng của đất nước”, ông Hoà khẳng định.
Đồng thời bày tỏ thực tiễn, ông Hoà cho rằng, hiện nay nhiều nơi vẫn còn vấn đề cần phải nghiên cứu thấu đáo, vì khoáng sản là “miếng mồi ngon” mà những người biết cách sẽ khai thác triệt để, bất chấp hệ quả, miễn là có lợi cho họ. Nhiều khoáng sản quý giá nằm lẫn lộn trong đất đá nên tổ chức, cá nhân lợi dụng sơ hở của luật pháp trong quản lý để lách luật, khai thác hàng quý hiếm này chung với vật liệu thông thường để tiêu thụ, mà không bị phát hiện.
Ngoài ra, việc khai thác khoáng sản quý trái phép diễn ra cục bộ ở một số nơi vẫn qua mắt được cơ quan chức năng. Việc kê khai số lượng quặng khoáng sản được thu hồi phụ thuộc vào tính tự giác của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân, cơ quan quản lý nhà nước rất khó kiểm soát. Chưa kể đến các mỏ khoáng sản được cấp phép khai thác theo theo cơ chế “xin – cho” cũng làm thất thu ngân sách Nhà nước.
Vì sao địa phương “thích” giao mỏ?
Với một vài dẫn chứng cụ thể về câu chuyện quản lý khoáng sản, giao mỏ khoáng sản theo cơ chế xin – cho mà các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nêu ra vẫn đang tồn tại ở nhiều địa phương, đang là vấn đề được dư luận quan tâm.
Cụ thể, như tại tỉnh Đồng Tháp, theo thông báo số 317/TB-STNMT ngày 31/7/2024 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh này thì 2 khu vực mỏ được khoanh định và công bố khu vựa không đấu giá quyền khai thác khoáng sản gồm: Khu mỏ 47,37 ha tại xã Long Khánh B, huyện Hồng Ngự và Khu mỏ 31,36 ha tại xã Tân Thuận Tây, TP Cao Lãnh.
Theo đó, đến đầu tháng 8/2024, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp bắt đầu tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp giấy phép thăm dò khoáng sản của các doanh nghiệp có nhu cầu. Sau thời gian công khai và tiếp nhận hồ sơ đến hết ngày 4/9/2024, Sở này đã tiếp nhận 11 hồ sơ đề nghị thăm dò khoáng sản của 6 doanh nghiệp. Theo thứ tự thời gian nộp gồm: Công ty CP Đầu tư Phát triển nhà và Khu Công nghiệp Đồng Tháp (HIDICO) (nộp 2 hồ sơ); Công ty CP Tập đoàn 136 (nộp 2 hồ sơ), Công ty CP Thương mại Đầu tư ONE-T (nộp 1 hồ sơ), Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp (nộp 2 hồ sơ), Công ty TNHH MTV Trường An Thoại Sơn (nộp 2 hồ sơ), Công ty TNHH Cơ khí xây dựng Gia Hưng (nộp 2 hồ sơ).
Từ đánh giá trên, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Tháp loại ra đơn vị đề nghị thăm dò nhưng không có phương tiện khai thác gồm Công ty HIDICO và Công ty CP Tập đoàn 136. Tiếp tục xem xét 4 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Thương mại Đầu tư ONE-T, Công ty CP Xây lắp và VLXD Đồng Tháp, Công ty TNHH MTV Trường An - Thoại Sơn, Công ty TNHH Cơ khí xây dựng Gia Hưng.
Song, với phương thức chọn lựa kiểu cơ chế xin – cho, nhiều doanh nghiệp lo lắng cách đánh giá hiện tại đang có sự thiếu công bằng nếu chiếu theo quy định và Luật hiện hành. Chưa kể, việc thiếu tiêu chí chi tiết đã khiến việc quyết định chọn doanh nghiệp để cấp phép rơi vào thế khó và dấy lên lo ngại sự cấp phép có thể nảy sinh khiếm khuyết và tạo tiền lệ không tốt về sau.
Tương tự tại tỉnh Tiền Giang, mới đây, UBND tỉnh này vừa ban hành Quyết định 2284/QĐ-UBND về việc phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án khai thác cát sỏi lòng sông tại mỏ cát Vàm Cái Thia (thuộc xã Hòa Khánh, Mỹ Lương, huyện Cái Bè).
Theo đó, Công ty cổ phần Vật liệu Tiền Giang được giao làm chủ dự án này. Khu vực khai thác nằm trong lòng sông Tiền thuộc xã Mỹ Lương và Hòa Khánh (huyện Cái Bè), tổng diện tích đất mặt nước khai thác là 16,6 ha. Trữ lượng khoáng sản được phép đưa vào thiết kế khai thác gồm: trữ lượng địa chất cấp 122 là 291.239 m3; trữ lượng đất bóc tầng phủ trong khai thác là 113.771 m3.
Công suất khai thác là 180.000 m3/năm, thời gian thực hiện dự án là 2,5 năm. Phương án khai thác mỏ cát Vàm Cái Thia chỉ thực hiện ở độ sâu cote-20 m, sử dụng công nghệ xáng cạp (4 chiếc) kết hợp xà lan; trong đó có 2 xáng cạp dung tích gầu 2,5 m3 để khai thác cát và 2 xáng cạp dung tích gầu 5 m3 để khai thác đất bóc tầng phủ.
Đây là mỏ cát thứ 2 ở tỉnh Tiền Giang thực hiện phương thức giao mỏ khoáng sản cho doanh nghiệp không qua đấu giá. Trước đó ngày 9/10, mỏ cát Hòa Hưng 5 tại xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè đã khởi động theo hình thức chỉ định chủ mỏ (không qua đấu giá). Tuy nhiên, hiện mỏ cát này đang “án binh bất động”, do có những thông tin phản ánh trái chiều.
Phân tích về các quy định pháp lý liên quan tới Luật Khoáng sản hiện hành và dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi), Luật sư Nguyễn Duy Nguyên - Tổng giám đốc Công ty TNHH Luật Hoàng Giao cho rằng, trước tiên phải căn cứ từ Luật Khoáng sản hiện hành và dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) để xem xét tới yếu tố phù hợp. Tuy nhiên, xem xét bao hàm, tổng thể nội dung sự việc cũng như trong Luật Khoáng sản thì các chuyên gia đều khuyên các địa phương nên đấu giá các mỏ khoáng sản, VLXD thông thường để tạo công bằng, đặc biệt là tránh thất thu ngân sách, đồng thời hạn chế những phát sinh tiêu cực.
“Đây là những vấn đề được các chuyên gia và nhiều đại biểu Quốc hội đã từng đăng đàn tại kỳ hợp Quốc hội vừa qua. Thế nhưng, trên thực tế thì nhiều địa phương vẫn “thích” giao mỏ khoáng sản hơn là đưa ra đấu giá cũng là điều dể hiểu. Bởi, do phương thức đấu giá mất nhiều thời gian hơn, phức tạp hơn và những diễn biến về sự bất thường khi đấu giá các mỏ khoáng sản lên tới hàng nghìn tỷ tại các địa phương trong thời gian qua là một ví dụ điển hình. Có lẽ vấn đề này nên tổ chức thành một diễn đàn để các chuyên gia, các nhà làm luật và lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố, ngồi lại với nhau để tham luận, mổ xẻ, phân tích và trên cơ sở đó góp ý để đưa vào dự thảo Luật”, Luật sư Nguyên nhấn mạnh.
Cũng theo Luật sư Nguyên, một vấn đề lưu ý mà các cơ quan chức năng địa phương khi thực hiện giao mỏ khoáng sản không qua đấu giá là cần công khai, minh bạch, thông báo rộng rãi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia. Đồng thời, trên cơ sở đó lựa chọn các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để phát huy hiệu quả.
“Song, để hạn chế rủi ro, tránh lãng phí, hạn chế tiêu cực và vì mục tiêu chung thì nên quy hoạch các mỏ và tổ chức đấu giá để tận thu ngân sách, góp phần phát triển kinh tế địa phương, Luật sư Nguyên khuyến cáo.